Nguyễn Hoàng Hải-09-09-2016
(VNTB) - Có nhà báo nói vui rằng chẳng biết năm nay Táo giao thông của VTV lên chầu Ngọc Hoàng có kể cho Ngài nghe đường sụp vì ao như ở Yên Bái hay không?
Báo chí đưa tin, khoảng 6g sáng 25-8, một vết nứt rất lớn đã xuất hiện tại Km79+540 trên QL32C đoạn qua địa phận xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) và có xu hướng lan rộng. Đến trưa cùng ngày, quá trình sụt lún về cơ bản dừng lại. Kết quả đo đạc cho thấy, vết nứt dài 32m, rộng 3m, sâu hơn 1,5m và chiếm khoảng 1/3 diện tích mặt đường.
Trong văn bản báo cáo của Sở GTVT tỉnh Yên Bái gửi UBND tỉnh và Tổng cục Đường Bộ VN, ông Đỗ Việt Bách - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho biết, nguyên sự cố một phần nhỏ là do ảnh hưởng của mưa bão, nước mưa ngấm vào gây sụt lún. Nhưng chủ yếu là do cái ao ở bên cạnh đường, nước ao có thường xuyên nên đã ngấm vào lề đường gây sự trương nở của đất làm cho bị mất chân.
Hồ sơ con đường này cho biết, dự án nâng cấp QL32C do Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư, khởi công tháng 12.2012 và chính thức đi vào sử dụng vào cuối năm 2014. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn Xây dựng giao thông Yên Bái; Nhà thầu thi công gồm Liên doanh Công ty CP Xây dựng TASCO và Công ty CP Hùng Đức. Đoạn đường bị sạt lở, theo nhiều nguồn tin, mới chỉ được bàn giao cho đơn vị quản lý hồi đầu năm 2016.
Ông Lê Văn Vấn (55 tuổi) – Chủ ao cá sát đoạn đường bị nứt mà văn bản do ông Đỗ Việt Bách ký đã ‘đổ thừa’, đã trả lời với báo chí rằng: “Tôi đào ao nước từ năm 1983, trước khi thi công con đường này. Trong hơn 20 năm qua tôi cũng chưa cải thiện lại ao nên việc ảnh hưởng đến con đường sụt lún là không có. Sao lại tại tôi?”.
Là một người dân, tôi có xin đôi lời với ngài giám đốc Sở GTVT Yên Bái. Thứ nhất, lý do ‘đất mất chân’ tại sao lại là lỗi của cái ao cá được đào từ năm 1983? Tư cách chủ đầu tư dự án, lẽ nào ngài giám đốc sở không kiểm tra đơn vị tư vấn thiết kế có làm đúng theo quy trình xây dựng hạ tầng, là khảo sát, nghiên cứu, thẩm định rồi mới chuyển sang giai đoạn triển khai thi công? Nếu đảm bảo các khâu này thì ‘đất mất chân’ phải được nêu ra ngay từ đầu để phía nhà thầu biết cách mà xử lý, thi công.
Thứ hai, ‘đổ thừa’ tại trời mưa bão - nghĩa là nguyên nhân bất khả kháng vì thiên tai - thì xem như đây là một dự án mà khi hạ bút phê duyệt, chủ đầu tư đã bỏ qua giai đoạn phản biện, vì hạ tầng giao thông không thể bị hư hỏng nghiêm trọng chỉ vì một vài cơn mưa bão. Hoặc suốt thời gian qua, khâu duy trì bảo dưỡng đường bộ trên cung đường này hoàn toàn là con số 0, mặc dù về nguyên tắc các khoản phí cho duy tu đường bộ vẫn được ngân sách đảm bảo hàng năm.
Tôi đồ rằng thợ hồ lâu năm trong nghề cũng có thể đưa ra lý giải hợp lý hơn về vụ việc đó: Để xảy tình trạng trên có 2 nguyên nhân: Một là do thi công lu lèn không đạt chất lượng dẫn đến việc sụt lún; Hai là khi thiết kế, đơn vị phụ trách khảo sát mặt bằng và đánh giá địa chất không phù hợp với thực tế dẫn đến sai phương án thi công.
Cả 2 nguyên nhân này, nếu căn cứ theo các quy định liên quan về xây dựng hạ tầng, thì đơn vị phải chịu trách nhiệm chính là Chủ đầu tư; Đơn vị thi công; Tư vấn thiết kế; Tư vấn giám sát... chứ không không thể đổ tại ao nước của người dân.
Lại nói vui như lời tưng tửng của nhà báo, xin đừng kiểm điểm hay truy trách nhiệm cho bất kỳ bác Chánh hay ông Phó nào. Tại ông Trời, tại cái ao và những nguyên nhân Tây chịu ta thua, nhà nhà há hốc mồm. Năm nay Táo giao thông lên Trời chắc lại cun cút với Ngọc Hoàng? Trời nào bỏ qua tội bạ đâu đổ đấy, đến cái ao cũng lôi vào thì Thượng đế cũng phải buồn…
No comments:
Post a Comment