Thiên Điểu-09-09-2016
(VNTB) - Đợt thoái vốn này bị dư luận cho rằng nhằm vào mục đích bù vào khoản chi ngân sách trong tình trạng thiếu hụt gần như trống rỗng hiện nay.
Truyền thông Việt Nam đang râm ran việc nhà nước thoái vốn trong các tổ chức kinh tế. Tiêu điểm là kế hoạch thoái vốn bằng việc bán cổ phần trong 12 doanh nghiệp lớn, được cho là sẽ thu về khoảng 7 tỷ dollar Mỹ.
Xét trên khía cạnh kinh tế thị trường thì việc thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp là thông điệp chính quyền tiến đến dỡ bỏ thế độc quyền hoặc bảo hộ ở một số lĩnh vực kinh doanh. Nhưng qua danh sách 12 doanh nghiệp dự kiến thoái vốn, bán cổ phần chỉ có Công ty CP FPT và Công ty cổ phần viễn thông FPT là có chút ít liên quan mảng kinh tế độc quyền do nhà nước kiểm soát, chi phối. Nhưng trên thực tế cả hai công ty này cũng chỉ kinh doanh một mảng nhỏ, không phải những mảng có lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất trong ngành viễn thông. Qua đó, có thể thấy rằng, đợt thoái vốn này mang chủ ý hướng tới khoản tiền thu về hơn chứ chưa có dấu hiệu nào rõ rệt về chính sách kiểm soát độc quyền trong các lĩnh vực kinh tế chiến lược, lợi nhuận cao.
Sau những báo cáo và thông điệp bi quan về nguồn thu ngân sách trong vài ba năm trở lại đây, đợt thoái vốn này bị dư luận cho rằng nhằm vào mục đích bù vào khoản chi ngân sách trong tình trạng thiếu hụt gần như trống rỗng hiện nay. Đã có câu hỏi được đặt ra công khai, và câu trả lời cũng đã được đưa ra cho biết là dùng “tái đầu tư”, nhưng tái đầu tư vào đâu cụ thể thì chưa biết. Với sức ép phải trả nợ vay nước ngoài trong báo cáo của Bộ Tài chính hồi tháng 3/2016 thì năm nay, số nợ phải trả là 150.000 tỷ đồng, vừa đúng con số tương đương 7 tỷ dollar được đưa ra trong đợt thoái vốn này. Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ 3tỷ dollar trong quý 1-2 năm 2016 không thu được kết quả khi dự định phát hành ra quốc tế không nhận được tín hiệu tích cực đã phải dừng lại, các ngân hàng trong nước cũng giảm mua bởi các tính toán không cho thấy phương án khả thi bởi các diễn biến rối loạn nhiều mặt. Như vậy, khoản nợ phải trả năm 2016 nay đã vào thời điểm cuối năm nhưng các khoản thu ngân sách bị bội chi từ cấp địa phương vẫn còn nguyên, chưa có nguồn và giải pháp rõ ràng. Mối nghi ngờ mà dư luận đặt ra không phải là không có cơ sở.
Tạm bỏ qua nghi vấn của dư luận. Nếu tin và chú ý phân tích mục đích “tái đầu tư” thì khoản tiền này sẽ đầu tư vào đâu? Đổ vốn vào các DNNN đang nắm thế độc quyền hoặc chi phối thị trường khác?
Những vụ bê bối do tham nhũng, thất thoát vốn do đầu tư sai, không hiệu quả của các tập đoàn lớn và các dự án cấp quốc gia đang thua lỗ hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ được công khai với danh sách chiếm tới đa số trong các DNNN cho thấy khả năng này là rất thấp vì sẽ là bước đi quá mạo hiểm: Mất tiếp vào các bù lỗ chứ chưa nói đến chuyện đầu tư phát triển. Các ngành kinh doanh an toàn và có mức lợi nhuận cao như dầu khí, khai khoáng.. thì tranh chấp Biển Đông cùng với các diễn biến bất ổn trên thị trường phụ thuộc Trung Quốc (khai khoáng) cho thấy trong tương lai 5-6 năm tới, duy trì đã là khó chứ cũng khó mà nghĩ tới đầu tư thêm. Các ngành về kỹ thuật cao thì Việt Nam chưa có được các điều kiện tối thiểu để tham gia sân chơi vốn nằm trong tay các cường quốc phát triển có nền khoa học, công nghệ tiên tiến.
Mảng kinh tế quan trọng và có tính “quốc kế dân sinh” lớn ở Việt Nam là nông nghiệp thì về căn bản khó được lựa chọn vì lợi nhuận và thời gian thu hồi chậm hơn. Trong khi sức ép trả nợ theo tăng dần vào các năm tới, trong tầm trung hạn 5-7 năm thì giai đoạn 2022-2015 là kỳ hạn trả nợ với những con số lớn gấp nhiều lần năm 2016.
Đến đây có thể tạm dừng việc đưa ra giả thiết cho hướng đầu tư của số tiền thu về. Nhưng điều quan trọng hơn, không thể tránh né chính là tác động sau khi thoái vốn.
Điều đương nhiên ai cũng hiểu là nhà nước sẽ giảm một phần trong nguồn thu ngân sách sau khi thoái vốn ở các doanh nghiệp vì chắc chắn các ông chủ mới sau khi bỏ tiền mua lại phần vốn nhà nước sẽ có hàng loạt các kế hoạch, dự án.. mà qua đó các khoản thuế thu về tạm thời phải chờ báo cáo có lãi. Quan điểm lo ngại một số thị phần quan trọng sẽ lọt vào tay doanh nghiệp nước ngoài là nội dung đang được quan tâm nhất. Điều này có lý nhất định khi lấy ví dụ là SABECO và HABECO – hai ông lớn trong thị trường bia, nước giải khát Việt Nam cũng có mặt trong danh sách thoái vốn đợt này. Tuy nhiên, thị trường có những qui luật phụ thuộc nhiều yếu tố chứ không hẳn cứ thương hiệu nước ngoài là có thể giữ được thị phần chi phối cũ một cách dễ dàng chứ chưa nói phát triển còn khó hơn.
Hệ lụy đáng quan tâm nhất chính là ở các giá trị bất động sản - thứ tài sản “nhà nước” lớn nhất được tạo ra bởi hàng loạt ưu đãi và chính sách bảo hộ tạo ra - trong mạng lưới kinh doanh mà các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn mới là thứ sẽ gây ra nhiều hệ lụy nhất. Không chỉ ở giá trị khổng lồ bởi tính đắc địa trong những khu đất vàng. Cơ chế sở hữu đối với giá trị bất động sản khi nó đương nhiên phải điều chỉnh mục đích khai thác sau khi đổi chủ. Sẽ rất khó mà kiểm soát nếu không nói là không thể kiểm soát khi chủ mới đầu tư vào. Một giả thiết đơn giản như được sử dụng đầu tư kinh doanh nhà ở, cao ốc văn phòng.v.v. thì hàng trăm khu đất vàng này hoàn toàn có thể khuynh loát hoặc chèn ép thị trường địa ốc không có gì là phải nghi ngờ. Trường hợp chỉ dùng cho mục đích thương mại thì các bất động sản này được đầu tư thành siêu thị, trung tâm mua bán.. cũng thừa khả năng thao túng thị trường bán lẻ bởi lợi thế đương nhiên mà không cần quảng cáo vẫn hút khách dễ ràng. Các giả thuyết ví dụ này rõ ràng không thể đặt ra một luật riêng để kiểm soát.
Liên tục những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra khá nhiều thông điệp về việc thoái vốn nhà nước, nhưng quyết sách chọn hình thức bán vốn cho đối tượng nào vẫn không rõ ràng, cho thấy sự lúng túng và giải pháp triệt để nhằm loại bỏ các nguy cơ chưa có giải pháp tin cậy tốt nhất. Phương án lên sàn công khai trước khi thoái vốn mà ông Phúc đưa ra là chính xác nhưng chưa đủ. Nó có thể làm tăng giá trị thu về trước mắt nhưng không thể giải quyết các nguy cơ bất lợi nếu không có quyết sách đúng, cơ chế kiểm soát về đối tượng được mua cổ phần.
Tình cảnh “con nợ bán nhà” thật chua xót, nhưng khi phương án khác để chọn lại không có thì đành buông tay bất lực. Trả bớt được nợ nhưng nghèo khó và nguy cơ thêm nợ khác vẫn nguyên vẹn.
No comments:
Post a Comment