Friday, September 16, 2016

Thay đổi tư duy quản lý đất đai

Nam Nguyên, RFA 2016-09-16  
danoan-622.jpg
Những oan ức được viết lên biểu ngữ, trang phục tố cáo những việc làm sai trái của chính quyền địa phương. by Nguyễn Tường Thụy
Mọi người được phép tích tụ ruộng đất, câu chuyện thần tiên đi ngược lại chủ trương phân chia ruộng đất và hạn điền mà Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện trong hơn 60 năm qua, nay có dấu hiệu chuyển biến.

Chiến lược phát triển nông thôn

Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát đi tín hiệu này qua phát biểu của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị Phát triển Doanh nghiệp Nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, được tổ chức hôm 8/9 tại Hà Nội.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào tối ngày 15/9/2016, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, từ Hà Nội phát biểu:
“Trước đây đã nói nhiều về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, bây giờ Chính phủ nhấn mạnh rất nhiều đến vấn đề gọi là chuyển đổi mô hình quản lý của Nhà nước sang mô hình gọi là Nhà nước kiến tạo, Nhà nước xây dựng.
Thế thì đây chính là lúc để Chính phủ xem xét tạo nên những chính sách đột phá, trong đó đặc biệt có mảng đất đai. Tất nhiên là thay đổi luật không phải dễ dàng và nhanh chóng được nhất là Luật Đất đai vừa mới sửa đổi, nhưng mà những chính sách đột phá có lẽ phải bắt đầu từ bây giờ, để trong tương lai có thể điều chỉnh những điều quan trọng về đất đai.”
Muốn sản xuất lớn phải có diện tích đất đai lớn, nếu hạn điền như hiện nay thì không thể nào làm lớn được.
GS Võ Tòng Xuân, Cần Thơ

Cần sửa Luật Đất đai

Báo SaigonTimes Online trích lời ông Nguyễn Văn Bình nói rằng mô hình kinh tế hộ giúp Việt Nam thoát cảnh đói ăn trở nên khá giả hơn, nay đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Bây giờ nông nghiệp Việt Nam phải chuyển qua sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định là trong thời gian sớm nhất Ban kinh Tế Trung ương cùng các Bộ ngành hữu quan sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua hai chủ trương lớn là tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.
Cảnh nhân dân ngồi chờ bên ngoài các cơ quan nhà nước
Cảnh nhân dân ngồi chờ bên ngoài các cơ quan nhà nước
Cho phép tích tụ ruộng đất thì cần phải sửa Luật Đất đai, đây là phản ứng tích cực của Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng trên báo mạng Một Thế Giới ngày 14/9/2016.
Vị Giáo sư gắn bó với đồng bằng sông Cửu Long nói với nhà báo, xin trích nguyên văn:
“Muốn sản xuất lớn phải có diện tích đất đai lớn, nếu hạn điền như hiện nay thì không thể nào làm lớn được. Mà chỉ khi sản xuất lớn mới cơ giới hóa được, mới nâng cao năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Qua đó, nông nghiệp Việt Nam mới có được thương hiệu, mới có được những sản phẩm thống nhất, đặc trưng và thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân.”

Những vấn đề cốt lõi

Nhận định về sự thay đổi quan trọng trong quan niệm đất đai của giới chức cao cấp của Đảng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa phát biểu:
“Tích tụ ruộng đất ở Việt Nam không giống như các nước Âu Mỹ bởi vì đất đai họ rộng và tài nguyên nó khác. Việt Nam đặt ra vấn đề tích tụ ruộng đất tuy nhiên phải từng bước một.
Từ trước đến nay chưa có chính sách như thế thì bây giờ phải sửa đổi. Tất cả những văn bản pháp quy có liên quan đến ruộng đất, vấn đề sở hữu, vấn đề canh tác rồi là việc chuyển đổi quyền sở hữu đó như thế nào, hay sử dụng như thế nào.
Việt Nam hiện nay chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu đất đai. Thế cho nên phải sửa đổi Hiến pháp cũng như các chính sách, tôi nghĩ tuyên bố là một đàng, còn làm được vấn đề đó lại là một giai đoạn dài và cần sửa đổi hàng loạt chính sách có liên quan đến ruộng đất, cũng như đến sở hữu và sử dụng ruộng đất tiếp theo.”
Tuyên bố là một đàng, còn làm được vấn đề đó lại là một giai đoạn dài và cần sửa đổi hàng loạt chính sách có liên quan đến ruộng đất.
TS Vũ Văn Hóa, Hà Nội
Trên báo chí, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhiều lần nhấn mạnh muốn tích tụ được đất đai thì phải giải quyết được 3 vấn đề cốt lõi.
Trao đổi với chúng tôi, ông nhấn mạnh tới điều rất quan trọng để tạo nên một nền nông nghiệp mới có năng suất cao hơn, có hiệu quả cao hơn, hướng vào giá trị gia tăng và phát triển bền vững, là phải thay đổi các điều kiện để tổ chức sản xuất nông nghiệp. TS Đặng Kim Sơn giải thích:
“Thứ nhất phải rút được lao động ra khỏi nông thôn. Phải đưa được đông đảo đội ngũ lao động trong nông nghiệp tham gia vào lao động phi nông nghiệp, nhưng mà trên vị thế rất là sẵn sàng, trên một vị thế rất cân bằng để mà họ có thể tham gia vào thị trường lao động chính thức.
Thứ hai khi đã rút được nhiều lao động ra khỏi nông thôn rồi thì phải tích tụ đất đai lại vào tay những người biết làm ăn, những người có điều kiện làm ăn.
Trên cơ sở đó khi mà trang trại rộng hơn lớn hơn và nông dân có điều kiện để gắn bó với nhau thành các hợp tác xã, thì lúc đó mới có điều kiện để kéo các doanh nghiệp càng nhiều càng tốt từ các lĩnh vực khác đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và tạo điều kiện cho ngay bản thân những người làm ăn giỏi ở nông thôn khởi nghiệp, chuyển sang làm ăn kinh doanh phi nông nghiệp.
Có như thế mới tạo ra được thị trường kết nối được sản xuất trong nông nghiệp Việt Nam với thị trường trong nước và thị trường thế giới, mới có thể đưa được nghề mới vào, mới có thể tạo ra nguồn đầu tư mới, nguồn vốn quan trọng mà đủ sức tạo sức bật mới cho nông nghiệp.”

Đã mất 20 hơn năm

Với chính sách ruộng đất của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, Việt Nam hiện nay có hơn 14 triệu nông dân với 70 triệu thửa ruộng, diện tích canh tác trung bình toàn quốc chỉ khoảng 1.000 mét vuông đầu người.
Miền Bắc và miền Trung rất ít đất, một gia đình nhiều nhân khẩu có thể có những mảnh ruộng nhỏ bé và không liền kề. Tình hình ở miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn, nhưng đại đa số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1 héc ta tức dưới 10.000 mét vuông.
Khi phát tín hiệu là Đảng sẽ cho phép tích tụ ruộng đất, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tự bạch rằng, Việt Nam đã chậm trễ hơn 20 năm, khi tiếp tục duy trì mô hình phát triển nông nghiệp trên nền tảng kinh tế hộ.
Theo lời ông Bình, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã tự túc lương thực và còn dư để xuất khẩu hàng triệu tấn mỗi năm.
Sự chậm trễ vừa nêu dẫn tới hậu quả ngày nay là nông dân vẫn nghèo dù không đói và tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như đã tới ngưỡng, không những không tăng mà đang suy giảm, nhất là khi đối diện thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ở Việt Nam không chỉ thị trường đất đai chưa hoàn chỉnh mà cả thị trường lao động cũng chưa hoàn chỉnh. Đây là hai chân phải đi song song trong quá trình đổi mới chính sách đất đai.
TS Đặng Kim Sơn

Khi nào nông dân chịu bỏ đất?

Khi vấn đề tích tụ ruộng đất được đặt ra với ưu tiên cao, giới đảng viên bảo thủ e ngại trở lại thời kỳ nông dân không ruộng và chế độ địa chủ thuê tô.
Điều này đã được ông Nguyễn Văn Bình trấn an tại Hội nghị phát triển Nông nghiệp ngày 8/9/2016 vừa qua. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định phải tích tụ được ruộng đất mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của người nông dân.
Trên báo mạng Một Thế Giới, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh rằng, Nhà nước cần phải hoàn thiện luật, tích tụ ruộng đất để sản xuất chứ không phải đầu cơ, tích trữ, lạm dụng quyền sở hữu, sử dụng đất. Theo đó, cần phải cấm tích tụ ruộng đất theo kiểu bắt bí, ép buộc để mua rẻ đất, lập dự án treo, phân lô bán nhằm làm giàu bất chính vì lợi ích của một nhóm người nào đó.
Trả lời chúng tôi, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định:
“Điều lo ngại chính của những nhà hoạch định chính sách là những trường hợp tích tụ đất vào tay người sử dụng đất có hiệu quả. Nhưng trong khi đó lại không tạo được việc làm cho những người đã giao đất đi, không có sinh kế hợp lý cho những người này và có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc giảm thu nhập của người nông dân.
Thay vì sản xuất nhỏ bây giờ tập trung sản xuất lớn, nhưng mà những người lao động rút ra khỏi đất đai phải được đào tạo nghề, phải được vay vốn, phải được hướng dẫn kỹ thuật, phải được tạo ra việc làm ở những lãnh vực phi nông nghiệp có thu nhập ổn định.
Làm thế nào mà hai việc ấy diễn ra song song được thì câu chuyện ấy mới là an toàn. Điều lo ngại là điều kiện ràng buộc về tốc độ của quá trình tích tụ đất đai nó bị phụ thuộc rất nhiều nữa là phần của thị trường lao động.
Ở Việt Nam không chỉ thị trường đất đai chưa hoàn chỉnh mà cả thị trường lao động cũng chưa hoàn chỉnh. Đây là hai chân phải đi song song trong quá trình đổi mới chính sách đất đai. ”
Rõ ràng Việt Nam đã quá chậm và thiếu chuẩn bị trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt kinh tế nông nghiệp. Giới chuyên gia cho rằng chặng đường phía trước còn xa để tới được cuộc đổi mới đột phá về tích tụ ruộng đất.
Nhưng theo TS Đặng Kim Sơn, người dân rất năng động họ đã tự mình tìm ra phương cách riêng để thực hiện việc tập trung đất đai sản xuất lớn, thí dụ như mô hình cánh đồng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hay sự kiện ở miền Bắc, người dân gom đất lại và cho người có điều kiện làm ăn thuê, người cho thuê nhận được tiền thuê đất hay hoa màu tương đương với lợi tức mà trước kia họ tự canh tác.
Vẫn theo TS Đặng Kim Sơn, trong khi chờ đợi khung pháp luật hoàn thiện, người nông dân dù chỉ có quyền sử dụng đất, không có quyền sở hữu đất nhưng họ vẫn hành xử với đất và đầu tư vào đất như là những người chủ thực sự.

No comments:

Post a Comment