Friday, September 16, 2016

Một Formosa khác đang hình thành!!!

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - Tuổi Trẻ Online ngày 26-08-2016 cho hay một dự án thép khổng lồ đang được tính toán xây dựng tại hai xã Phước Diêm và Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Đây là dự án đã được bộ Công thương đưa ra để bổ sung cho dự án thép ở Hà Tĩnh, trong quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020-2025. Dự án đã được Thủ tướng chấp thuận ngày 27-08 tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận”, được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động trong 70 năm, được miễn thuế trong 4 năm đầu và được cung cấp cơ sở hạ tầng mà khỏi phải đền bù cho cư dân bản địa. Chẳng khác gì Formosa Vũng Áng!

Theo thỏa thuận với UBND tỉnh, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) sẽ xây dựng khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận với số vốn lên tới 10,6 tỉ USD, công suất 16 triệu tấn/năm, vận hành theo công nghệ hiện đại!?! Ngoài ra, HSG còn dự tính thực hiện nhiều dự án khác: khu công nghiệp Cà Ná-Ninh Thuận; nhà máy sản xuất ximăng; nhà máy nhiệt điện-năng lượng tái tạo; cảng tổng hợp quốc tế với quy mô 25 bến tàu, lưu lượng vận tải hàng hóa 53 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu đến 300,000 mã lực; khách sạn du lịch, xí nghiệp khai thác khoáng sản… Vốn đầu tư của các dự án này vào khoảng 804 triệu USD nữa. Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết toàn bộ các dự án của HSG sẽ được triển khai trên diện tích 1.500 ha đất. Thật là một công trình lớn lao vĩ đại!

Nhưng cũng lớn lao vĩ đại không kém, đó là nỗi lo của nhân dân, của công luận. Còn sờ sờ đó bài học Formosa Vũng Áng, cũng là một nhà máy thép song vừa gây nên bao hậu quả tai hại về môi sinh, kinh tế, sức khỏe, an ninh quốc phòng lâu dài… mà nhà cầm quyền cho tới giờ vẫn không có động thái nào gọi là thực lòng mong muốn giải quyết và quyết tâm giải quyết triệt để. Nay lại thêm một nhà máy thép mới nằm cạnh bờ biển, hứa hẹn không biết bao nguy cơ.

Trước hết là nguy cơ phá vỡ sinh thái. Một cán bộ tỉnh Ninh Thuận, hôm 31-08, đã cho đài Á châu Tự do hay rằng mức độ đầu tư quá lớn với quá nhiều hạng mục của HSG sẽ làm nát bét môi trường bản địa. Khi dự án triển khai đầu năm 2017, thì những khu nghỉ dưỡng, du lịch nổi tiếng nhiều năm nay ở hai xã Phước Diêm và Cà Ná có tiếp tục trụ được nữa hay không? Hàng ngàn hộ dân đang sống bình yên ở đó phải chăng sẽ bị điêu đứng, phải di dời giống như hàng ngàn hộ dân ở Vũng Áng, Hà Tĩnh? Bên cạnh đó là vấn đề nước. Theo báo Dân Việt, Ninh Thuận là tỉnh thường xuyên chịu hạn hán khốc liệt, và trong thời gian gần đây (2015) đã phải công bố tình trạng khẩn cấp. Thế nhưng UBND tỉnh vẫn cam kết sẽ cung cấp đủ 250.000-300.000 m3 nước/ngày cho HSG đảm bảo sản xuất từ 6 đến 12 triệu tấn thép. Nhưng còn nước cho nông nghiệp thì sao? Inra Sara, một người Chăm nghiên cứu văn hóa Chăm tại Ninh Thuận, tỏ ra quan ngại cách khác. Ông cho rằng đây là vùng sinh sống lâu đời của dân tộc ông, nhưng từ xưa tới giờ, điều bức thiết nhất của họ là nhu cầu nước. Nếu chặn đường nước của người dân là tàn phá môi trường, mà đây là môi trường sống, môi trường xã hội, môi trường văn hóa của dân tộc Chăm. TS Lê Đăng Doanh, thành viên UB chính sách phát triển LHQ, cũng nói trên RFA hôm 07-09: “Ninh Thuận là tỉnh khô hạn rất nghiêm trọng, rất thiếu nước. Người dân hiện không có đủ nước để sinh hoạt bình thường và cây cỏ ở đấy không đủ nước để sống. Vậy một nhà máy thép lớn như vậy lấy nước ở đâu và giải quyết thế nào? Nghe nói là họ làm ngọt nước biển để sản xuất thép. Đó là một điều chưa hề có tiền lệ và nếu có thì giá thành có thể lên rất cao”. Liệu ý tưởng lấy nước biển để làm có khả thi không, và nếu không thì tại sao ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HSG lại dám khẳng định một quy trình chưa từng xuất hiện trên thế giới như vậy?

Hai là nguy cơ ô nhiễm môi trường. Cũng vị cán bộ tỉnh nói trên chia sẻ: “Bài học Formosa vẫn còn đó. Làm sao chúng ta quản lý được chuyện xả thải của họ 24/24 chứ? Vì họ có thể xả lén ra biển. Và vấn đề công nghệ, phải làm công nghệ khô chứ đừng làm công nghệ ướt nữa. Mà công nghệ khô thì rất tốn kém. Chính vì vậy rất khó. Hơn nữa cán bộ của VN cũng không đủ trình độ để quản lý, để phân biệt đâu là công nghệ khô, đâu là công nghệ ướt… Mọi việc đều rất nguy hiểm”. Năm 2012, đến dự lễ khởi công xây dựng nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng, Ng.Tấn Dũng đã tuyên bố rằng dự án ứng dụng kỹ thuật và thiết bị tiên tiến thế giới về luyện gang luyện thép, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường tốt nhất, sử dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại hàng đầu… Thế nhưng Formosa chỉ mới súc đường ống thôi thì cả vùng biển Bắc miền Trung đã chết queo từ tôm cá đến san hô, chim chóc cũng không sống nổi. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận sáng 27-8 với sự hiện diện của Ng. Xuân Phúc, ông Lê Phước Vũ đã hùng hồn cam kết không để một giọt nước thải nào chưa qua xử lý chảy ra biển, nếu vi phạm thì sẽ giao toàn bộ tài sản cho nhà nước. Ai tin nổi!

Thứ ba, đó là một xu hướng lỗi thời. TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội, cũng hôm 31-08, cho đài ACTD hay rằng: phát triển công nghiệp nặng bằng con đường sản xuất thép là đi ngược với xu hướng thời đại, làm một dự án thép lớn như thế là thất sách. Thép là ngành sử dụng nhiều nước, nhiều năng lượng. Tốn nhiều nước, nhiều năng lượng là hủy hoại môi trường. Đang khi môi trường nước ta đang bị hủy hoại. Ngoài ra dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn đầu tư quá lớn, chủ đầu tư sẽ phải sử dụng đòn bẩy để thu hút vốn… cho nên mức độ mạo hiểm rất cao, tiềm ẩn rủi ro kinh tế khôn lường.

Bốn là nguy cơ lỗ vốn: Trả lời ACTD hôm 30-08, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật đúc-luyện kim, nhận định: “Trong giai đoạn hiện nay Nhà nước phải cân nhắc xem xét rất kỹ, bởi vì ở trong nước đã thừa thép rồi. Cả khu vực và thế giới thì thép cũng đang dư thừa. Và nhất là VN ở gần TQ là nước dư thừa thép rất lớn và họ đang tìm mọi cách để xuất khẩu lượng thép dư thừa của họ, làm cho toàn bộ việc cân đối mặt hàng thép ở VN bị ảnh hưởng… Tôi hoàn toàn nghĩ là sự cạnh tranh của VN với thép dư thừa và giá rẻ của TQ là một thử thách rất lớn. VN phát triển ngành thép trong điều kiện không có gì thuận lợi, do quặng không có phải nhập, than mỡ để làm ra than cốc cung cấp cho lò cao cũng phải nhập. Cho nên không có ưu thế gì về mặt nguyên liệu. Nếu phải nhập tất cả mọi thứ như thế vào ban đầu, trong khi TQ dư thừa công suất, đã có những liên hợp cực lớn, đã sản xuất và khấu hao từ lâu rồi thì việc cạnh tranh của VN là điều hết sức khó khăn…”

Năm là bàn tay Trung Quốc: Trong một văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen cho biết CISDI (Tập đoàn Công nghệ Luyện thép TQ) là đơn vị tư vấn thiết kế cho họ tại Cà Ná. CISDI cũng chính là công ty tư vấn thiết kế cho nhà máy Formosa Hà Tĩnh, và dĩ nhiên toàn bộ máy móc thiết bị mà công ty mang vào đều lạc hậu và do TQ sản xuất. TS Lê Đăng Doanh bộc bạch: “Đấy là điều làm cho tôi rất lo ngại, bởi vì công ty này đã xây dựng công nghệ làm lò cao ướt mà lẽ ra phải làm công nghệ khô để bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Ông này làm như thế mới xảy ra chuyện Formosa vừa rồi, nay lại vào đây lần nữa thì tôi rất tha thiết xã hội dân sự, các chuyên gia và nhà nước phải giám sát chặt chẽ để tránh một tai họa mới cho đất nước”. Ngoài ra, theo báo cáo tài chính công khai thì HSG đang nợ 5834 tỷ đồng, vậy họ lấy đâu khoản tiền hơn 10 tỷ USD để làm dự án? Theo Dân Trí ngày 31-08-2016, việc HSG sẽ sử dụng công nghệ luyện thép của TQ (như nhà máy gang thép Thái Nguyên đang hấp hối đã sử dụng) cho thấy số tiền 10 tỷ USD xuất phát từ đâu và ai đứng sau dự án. Đúng là kiểu làm ăn của Tàu đỏ trên đất Việt: cho vay vốn, bắt mua công nghệ, đưa công nhân Tàu vào trong các cơ sở kỹ nghệ quan trọng.

Công luận nay tự hỏi: Tại sao các công ty vẫn tiếp tục xây khu công nghiệp gang thép gần bờ biển? Vì giả như nhằm mục đích dễ vận chuyển sản phẩm ra cảng thì cũng không bù nổi khoản khấu hao máy móc và chất lượng sản phẩm, do chúng mau xuống cấp, hoen rỉ vì hơi muối từ nước biển. Chỉ có một lý do duy nhất khiến người ta chọn nhà máy gần biển, đó là xả thải. Nếu làm nhà máy trong khu vực đồng bằng, lượng chất thải sẽ bị quan sát rất kĩ do hàm chứa những chất cực độc như cyanua, asen, phenol… Nhưng khi thải chúng ra biển thì chỉ cần một đường ống là coi như xong. (Formosa đã làm vậy). Bởi lẽ xây dựng một hệ thống xử lý chất thải vô cùng tốn kém. Rồi nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra lượng tiền bằng 1/3 lượng tiền xử lý nước thải để bôi trơn hệ thống công quyền là ổn thỏa. Và họ đã luôn thành công với lối này tại VN vốn khét tiếng tham nhũng.

Công luận cũng tự hỏi tiếp: Vì đâu mà HSG được mọi điều kiện thuận lợi như thế, chẳng khác gì Formosa Hà Tĩnh? Một trong những lý do là bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (con trai cựu chủ tịch nước Trần Đức Lương) là anh em cột chèo với đại gia Lê Phước Vũ. Mối liên hệ giữa ông “thái tử đảng” này với thủ tướng đương nhiệm cũng rất thắm thiết. Vì vào tháng 4-2016, Quốc hội đã bỏ phiếu kín phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bổ nhiệm Trần Tuấn Anh làm Bộ trưởng Bộ Công thương thay Vũ Huy Hoàng. Ngoài ra, lối tư duy của lãnh đạo Việt cộng là lối tư duy đầy cảm tính, chẳng cần luận chứng khoa học. Một kiểu tư duy làm sao để cá bơi trong nước thải hoặc làm thế nào để nước thải có thể dùng rửa mặt, rửa rau, luộc rau (như Trần Hồng Hà hứa hẹn mới đây). Nhà máy lọc dầu Dung Quất -được xây dựng từ thời Trần Đức Lương để làm giàu cho quê hương ông nhưng trong thực tế đã làm nghèo đất nước vì liên tục lỗ lã (cả mấy chục tỷ USD rồi)- là một ví dụ tiêu biểu.

Thành ra, như đối với Formosa, toàn dân phải quyết tâm ngăn chặn dự án hết sức nguy hiểm đó. Một bức thư kêu gọi ký tên phản đối thông qua trang Change.org. do nhóm Green Trees Vietnam, cần được ủng hộ và được tiếp nối bằng hành động bởi các tổ chức chính trị và dân sự, bởi các nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền. Ninh Thuận chỉ cách Sài Gòn khoảng 300 km. Một vụ nhiễm độc từ chất thải sẽ sớm cô lập toàn bộ vùng lương thực quan yếu của toàn miền Nam và hủy diệt sức sống của khu kinh tế–xã hội này chỉ trong 2 tuần lễ. VN chưa bao giờ là một quốc gia bệnh hoạn như hôm nay. Từ TQ, các dự án và phương thức hoạt động được tuồn dần vào đất nước: Bauxite Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh, HSG Cà Ná, rồi hóa chất nguy hiểm, thực phẩm nhiễm độc… Âm mưu của Tàu nhưng cũng có sự đồng lõa của bọn trọc phú hám tài, bọn quan lại phản quốc và bọn thỏa hiệp cầu lợi. 

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 251 (15-09-2016)

Ban Biên Tập

No comments:

Post a Comment