Friday, September 2, 2016

Thâm hụt ngân sách, Việt Nam bán hai công ty bia lớn nhất

Người dân Hà Nội uống “bia hơi” trong đại hội bia được tổ chức dịp cuối năm 2014. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Người dân Hà Nội uống “bia hơi” trong đại hội bia được tổ chức dịp cuối năm 2014. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam chuẩn bị bán hai công ty sản xuất bia lớn nhất nước vào lúc tình hình thâm thủng ngân sách ngày mỗi trầm trọng hơn.
Tuy bề ngoài có vẻ là một chủ trương đã được chuẩn bị từ lâu nhằm “thoái vốn” của nhà nước trong nhiều đại công ty quốc doanh, nhưng việc bán hai công ty Bia Sài Gòn (Sabeco) và Bia Hà Nội (Habeco) được ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc giục bán vào lúc này để “rút bài học kinh nghiệm cho việc bán vốn tại các doanh nghiệp khác” được hãng tin Bloomberg cho là “không có tiền lệ.”
Toàn bộ 89.59% cổ phần trong công ty Sabeco trị giá 40,500 tỉ đồng ($1.8 tỉ) sẽ được thoái vốn vào hai đợt năm nay và năm tới, còn 82% cổ phần trong công ty Habeco trị giá 9,000 tỉ đồng hay $404 triệu sẽ được bán toàn bộ trong năm nay, theo một bản tin phổ biến trên trang mạng ‘chinhphu.vn.’
Trong cuộc họp báo về phiên họp thường kỳ của chính phủ diễn ra cuối tháng 8, ông Bộ Trưởng-Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, thuật lại ý kiến của ông thủ tướng là “chính phủ không đi bán bia, bán sữa.”
Từ thập niên 1990, các định chế tài trợ quốc tế đã khuyến cáo, thúc giục thường xuyên nhà cầm quyền Việt Nam dẹp bỏ hệ thống quốc doanh đại đa số “lời giả lỗ thật.” Nhưng các cơ quan kinh tài này lại là chỗ béo bở để đám quan chức đảng viên rúc rỉa, làm giàu cho bản thân nên việc cổ phần hóa hoặc giải thế chúng rất chậm chạp.
Năm ngoái, Việt Nam đặt kế hoạch cố phần hóa 514 xí nghiệp nhưng chỉ thực hiện được cổ phần hóa tại 289 công ty.
Việt Nam cần rất nhiều tiền cho các dự án hạ tầng cầu, đường, nhà máy điện, bệnh viện, trường học nhưng ngân sách thì thiếu hụt ngày một nhiều hơn trước vì nhiều lý do. Sản lượng dầu thô giảm sút trong khi giá dầu giảm trên thế giới, hạn hán, lũ lụt và lại đang có họa biển bị đầu độc ở miền Trung.
Hồi đầu năm, nhà cầm quyền trung ương đặt chỉ tiêu thâm thủng ngân sách năm nay nằm trong giới hạn 4.95%. Tuy nhiên ngay từ giữa năm, Tổng cục Thống kê ở Hà Nội ngày 4 tháng 7, 2016 cho hay thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 là 82.9 nghìn tỷ đồng, tương đương $3.7 tỷ, do “tăng chi thường xuyên và trả nợ.”
Từ tình trạng “bóc ngắn cắn dài,” mức thâm hụt trong năm 2016 của Việt Nam mà các tổ chức kinh tế quốc tế dự báo các con số cao hơn. Như ngân hàng HSBC dự báo con số thâm hụt bằng 6.6%, làm cho tỷ lệ nợ công trên GDP tăng lên mức 64.5% do nợ công cao và giá dầu giảm.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế nghiên cứu hồi năm 2014, tuy người Việt Nam dẫn đầu khu vực Ðông Nam Á về tiêu thụ bia, nhưng năng suất lao động của người Việt Nam lại thuộc mức thấp nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/15 so với dân Singapore.
Hai công ty rượu bia Sabeco và Habeco là những công ty thuộc loại con cưng của chế độ vì làm ăn khấm khá. Tiêu thụ bia ở Việt Nam đa tăng 40% từ năm 2010 đến 2015. Năm nay, dự trù người Việt Nam uống 4.04 tỉ lít bia trong khi năm ngoái đã tiêu thụ đến 3.88 tỉ lít.
Vì người Việt ham nhậu nhẹt say sưa, rất nhiều nhà sản xuất bia trên thế giới đã nhào đến kiếm ăn.
Theo tin tức của Bloomberg trong số những công ty quốc tế muốn nắm Sabeco, người ta thấy có Thai Beverage PCL, Asahi Group Holdings Ltd. và Heineken NV. Công ty Sabeco vơi hai thương hiệu Bia Saigon và Bia 333 chiếm tới 40% thị trường tiêu thụ bia tại Việt Nam.

Việt Nam hiện có khoảng 30 thương hiệu bia trong và ngoài nước với hơn 400 nhà máy sản xuất bia tại gần hết các tỉnh, thành phố. Riêng về nhập khẩu, con số thống kê của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam nói nước này đang nhập khẩu từ 3.6 đến 4 triệu lít mỗi năm.
Tại sao nhà cầm quyền từ trung ương đến các địa phương lại quá “mặn mà” với các kế hoạch thúc đẩy sản xuất rượu bia những năm gần đây? Vì nó được tiếng đóng góp rất tốt cho ngân sách của chế độ, các quan chức thì có của lễ hậu hĩ.
Hồi năm 2013, Việt Nam xuất khẩu được 6.61 triệu tấn gạo, trị giá $2,95 tỉ thì cả nước lại uống bia đúng con số $3 tỉ.
Trong khi không ít công ty, tập đoàn quốc doanh thua lỗ chỏng chơ, năm 2015 Bia Sài Gòn nộp ngân sách nhà nước tổng cộng 17,000 tỷ đồng trên tổng doanh thu khoảng 30,000 tỷ đồng với vốn theo nguyên giá là hơn 6,200 tỷ đồng. Habeco nộp ngân sách nhà nước hơn 4,000 tỉ đồng trên tổng số doanh thu gần 10,000 tỉ đồng. Nay phải bán đi hai con bò sữa cho thấy nhà cầm quyền không còn nhiều lựa chọn để bù đắp thâm thủng ngân sách. (TN)

No comments:

Post a Comment