Xuân Nguyên, thông tín viên RFA 2016-09-02
Trẻ em huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 4 tháng 10 năm 2007. AFP photo
Sáng ngày 1/9/2016, hàng ngàn người dân Kỳ Anh đã biểu tình tuần hành đến trước trụ sở UBND thị xã, để đưa các yêu sách trong việc Forrmosa Hà Tình xả thải gây ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo thị xã Kỳ Anh đã phải chấp nhận đối thoại với người dân.
Yêu cầu của người dân
Ông Nguyễn Thành Lạng – thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ Quý Hòa cho rằng, sở dĩ có sự việc này là do chính quyền thị xã luôn trốn tránh việc gặp dân. Mới đây hôm thứ 2, ngày 15/8/2016, khi dân kéo nhau lên thị xã thì bị lãnh đạo từ chối gặp bằng cách đóng cửa trụ sở làm việc. Theo ông nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc này là do vấn đề xử lý thảm họa ô nhiễm môi trường của lãnh đạo thị xã chưa thỏa đáng, kịp thời. Ông nói:
“Do thảm họa ô nhiễm môi trường, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn trong đời sống vật chất, nghề nghiệp,… cho nên người dân chúng tôi đã đến tận Ủy ban thị xã Kỳ Anh để đòi hỏi những việc mà bà con đưa ra trong cuộc họp”.
Đề nghị thứ nhất của bà con là yêu cầu thị xã Kỳ Anh tạo điều kiện cho con em được vào học văn hóa, mà không được thu khoản nào.
- Ông Nguyễn Thành Lạng
Ông Lạng cũng cho biết thêm, trong buổi đối thoại với lãnh đạo thị xã Kỳ Anh, bà con giáo dân đã đưa ra rất nhiều đề nghị về việc xử lý thảm họa ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, có bốn đề nghị chính được đại diện dân đưa ra. Ông cho biết:
“Đề nghị thứ nhất của bà con là yêu cầu thị xã Kỳ Anh tạo điều kiện cho con em được vào học văn hóa, mà không được thu khoản nào; Đề nghị thứ 2 là yêu cầu Formosa một là ra khỏi Việt Nam, hai là đóng cửa lại; Đề nghị thứ 3 là yêu cầu chính phủ Việt Nam cùng các cấp tỉnh, huyện phải đền bù thiệt hại của nhân dân 4 tỉnh miền Trung nói chung, cũng như chúng tôi nói riêng; Đề nghị thứ tư là yêu cầu Formosa cũng như chính phủ Việt Nam làm sạch môi trường, trả lại sự trong sạch cho biển và để cuộc sống của nhân dân có nghề nghiệp trở lại ổn định như trước”.
Theo những người tham gia biểu tình lần này cho biết, ở bên ngoài hội trường giữa cái nắng chói chang của miền Trung, bà con giáo dân vẫn tiếp tục giăng băng rôn, biểu ngữ mà họ còn giữ lại được sau nhiều lần bị nhân viên công vụ giật, xé, cướp lúc trên đường họ tuần hành biểu tình đến trụ sở.
Những người thay mặt nhà nước trực tiếp đối thoại với dân, là ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch và ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch thị xã. Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện từ phía người dân, ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch thị xã Kỳ Anh nói với dân về sự quan tâm của chính quyền thị xã với bà con giáo dân từ khi thảm họa xảy ra. Ông nói:
“Về công ăn việc làm của bà con ta trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và đặc biệt là các xã ở bãi biển mà chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, nuôi trồng, nghề phụ liên quan đến biển. Sau khi sự cố môi trưởng xảy ra, chính quyền thị xã cũng đã trực tiếp về với bà con để gặp gỡ chia sẻ, hỗ trợ để ổn định từ từ cho bà con ta”.
Sau đó ông Hà còn hứa với bà con giáo dân sẽ xem xét việc miễn toàn bộ chi phí học hành cho con em trong thị xã; sẽ giám sát việc xả thải của Formosa; sẽ nhanh chóng xem xét việc đền bù thiệt hại cho bà con; cải tạo môi trường biển cách nhanh nhất…
Niềm tin của người dân
Không khí bên trong hội trường Ủy ban thị xã Kỳ Anh, ngày càng nóng hơn, sau khi ông Chủ tịch thị xã kết thúc phát biểu, rất nhiều bà con giáo dân đưa ý kiến phản biện đối đáp lại với chính quyền về những gì điều đại diện nhà nước nói và thực tế đang diễn ra.
Bà Việt – giáo dân xứ Quý Hòa cho rằng chính quyền đã lạm quyền trong việc cố tình bảo vệ Formosa. Bà nói:
“Các ông lạm quyền của dân, ngay lúc đầu xảy ra thảm họa, nhân dân đã biết là do thằng Formosa rồi. Mà các ông lại tìm đủ mọi cách che đậy, giấu diếm,… mà chúng tôi không hiểu nguyên nhân gì mà các ông cứ lừa dân chúng tôi như vậy?”
Bà Mai, người đại diện cho tập thể người dân nói về việc lãnh đạo thị xã hứa sẽ đề phòng việc Formosa xả thải chất độc ra môi trường là điều không khả thi. Bà minh chứng:
Các ông làm lãnh đạo nên suy tính thế nào, chứ đừng để như ba ông ở ngoài Yên Bái, ba ông đó chết mà cả làng, cả nước đều vui mừng.
- Bà Thịnh
“Làm sao mà canh giữ được, công an chỉ lo chặn bà con đi biểu tình, khi công an đi vào chỗ Formosa để canh giữ cho họ hoạt động. Nói thực chất là vậy, chứ làm gì có chuyện công an canh giữ, ngăn cản Formosa xả thải chất độc ra môi trường, cho nên mới có chuyện Formosa thoải mái chở chất thải đi khắp cả nước”.
Bà Thịnh – người tham gia cuộc đối thoại nhắc nhở lãnh đạo thị xã hãy quan tâm đến đời sống của người dân địa phương nhiều hơn, tuyệt đối đừng như ba ông lãnh đạo bị bắn ở Yên Bái. Bà nói:
“Các ông làm lãnh đạo nên suy tính thế nào, chứ đừng để như ba ông ở ngoài Yên Bái, ba ông đó chết mà cả làng, cả nước đều vui mừng. Chỉ một thông điệp duy nhất, các ông sống làm lãnh đạo như thế nào để dân thương, dân mến, dân kính trọng,… chứ đừng để dân hôm nay chửi, ngày mai lại nói này nói nọ.”
Bà Nga – một giáo dân cho biết về thái độ, cách giải quyết của của chính quyền thị xã Kỳ Anh, theo bà bốn đề nghị chính của bà con giáo dân không được chính quyền trả lời cách thỏa đáng, chưa đi vào vấn đề trọng tâm. Bà cho chúng tôi biết về kết quả của cuộc đối thoại:
“Họ vẫn chưa trả lời được cái gì dứt khoát, thứ nhất là học phí, họ bảo rằng ngày 24/9/2016, sẽ họp Hội đồng Nhân dân, sau đó mới trả lời cho dân. Thứ hai họ hứa sẽ quản lý chặt chẽ việc xả thải của Formosa, về đền bù thiệt hại thì họ nói cứ kê khai trước, rồi sẽ bàn sau”.
Những giáo dân xứ Quý Hòa mà chúng tôi tiếp xúc trong ngày hôm qua đều cho biết, hầu hết bà con giáo dân ra về trong bức xúc trước thái độ trả lời cho qua chuyện của chính quyền thị xã. Tuy nhiên, bà con vẫn hy vọng chính quyền thị xã sẽ ưu tiên việc miễn toàn bộ chi phí cho con em trong năm học sắp tới, để con em họ có cơ hội được đến trường.
Dư luận xã hội thấy rằng, cách chỉ đạo cũng như đối phó với thảm họa môi trường biển nhiễm độc của chính quyền nhà nước ở các cấp, đã cho thấy sự thiếu sót, và yếu kém trong khâu điều hành quản lý hiện nay.
No comments:
Post a Comment