Trần Thành - Nguyễn Phúc-02-09-2016
(VNTB) - Tuy đình công không ảnh hưởng gì đến quyền khởi kiện một vụ án lao động, song để có một cuộc đình công đúng quy định của pháp luật là điều gần như bế tắc. Tổ chức công đoàn, bao gồm cả khi có những công đoàn độc lập, sẽ đều phải rất cân nhắc khi đứng ra ‘lãnh đạo’ cuộc đình công, nếu như sau đó tòa án tuyên rằng đây là cuộc đình công bất hợp pháp.
Cuộc hoà giải đòi nợ bảo hiểm xã hội, y tế giữa công nhân với giám đốc Công ty Kimono Japan (Lâm Đồng) trong tuần qua đã rơi vào bế tắc. Người lao động dự kiến sẽ khởi kiện ra toà để đòi quyền lợi. Trước khi khởi kiện, nhiều người muốn tổ chức đình công.
Ông Kunihiko Matsui (người Nhật Bản, Giám đốc công ty Kimono Japan) tại buổi làm việc (đứng giữa) hôm 25-8-2016.
Chỉ được đình công nếu ‘cấp trên’ đồng ý ‘lãnh đạo’
“1. Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo. 2. Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động”. (Điều 210. Tổ chức và lãnh đạo đình công, Bộ Luật lao động 2012)
Như vậy, để “đình công hợp pháp” thì các cuộc đình công phải do ban chấp hành công đoàn (BCHCĐ) cơ sở hoặc BCHCĐ lâm thời tổ chức và lãnh đạo. Nếu doanh nghiệp chưa có BCHCĐ cơ sở, thì việc tổ chức và lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử, và việc cử này đã được thông báo với công đoàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, hoặc tương đương (gọi chung là đại diện tập thể lao động).
Và để thực hiện một cuộc đình công, tập thể lao động chỉ được phép tiến hành đình công theo hai trường hợp: Sau khi chủ tịch UBND cấp huyện đã giải quyết mà hai bên vẫn còn tranh chấp, hoặc hết thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết mà chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết.
Ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Pou Yuen, TP.HCM, nói rằng tuy người lao động hiểu biết trình tự về tổ chức đình công, nhưng làm theo quy định của pháp luật thì mất rất nhiều thời gian.
“Vì thế công nhân cho rằng đình công là phương pháp hàng đầu chứ không phải là vũ khí cuối cùng như thường nói. Khi đình công, mọi vấn đề của người lao động sẽ được giải quyết ngay”. Ông Nghiệp dẫn chứng, ví dụ người lao động không đồng ý với suất cơm trưa, nếu theo trình tự phải thông qua cán bộ quản lý, đến người quản lý nhà ăn, rồi đến ban giám đốc. Tiếp đó, ban giám đốc phải xin ý kiến cấp trên tổ chức cuộc họp tìm phương pháp khắc phục. Nhưng nếu người lao động đình công thì cấp trên và ban giám đốc sẽ có mặt ở hiện trường để giải quyết liền.
“Cấp trên” là ai mà đòi làm “lãnh đạo”?
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, cựu chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nói rằng lâu nay khi có đình công xảy ra là không biết đúng sai như thế nào, cả công đoàn, cả Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng ngay những đòi hỏi của công nhân. Lúc đầu vì muốn giải quyết cho nhanh nên các doanh nghiệp đều đáp ứng, nhưng về sau công nhân thấy đình công là đòi được nên họ cứ tiếp tục đình công, tạo một sức ép rất lớn đối với doanh nghiệp.
Ở Việt Nam lâu nay có hai luồng định kiến: Một là, công nhân đình công là đúng, vì đời sống và thu nhập quá thấp; Hai là, đình công sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư của Việt Nam. Những định kiến này, dù từ bất kỳ phía nào cũng đều không có lợi cho chính sách phát triển kinh tế lâu dài. Vì thực ra, đình công vốn là một thực tế xã hội. Việc buộc phải có công đoàn cấp trên lãnh đạo thì mới được đình công là một quy định bất hợp lý, vì những “công đoàn cấp trên” này đều được lập ra từ những quyết định hành chính của cơ quan nhà nước, chứ không từ đề cử và số phiếu tín nhiệm của người lao động.
“Không giống… con giáp nào” (!?)
Bộ Luật lao động 2012 không chấp nhận cho người lao động đình công về quyền, chỉ cho phép đình công về lợi ích. Trong khi đó, thực tế nhiều cuộc đình công về quyền và lợi ích đan xen, không phân biệt rõ ràng do doanh nghiệp vi phạm pháp luật (quyền) và trong khi ngừng việc người lao động đòi hỏi thêm lợi ích.
“Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động”. (Điều 3.9, Bộ Luật lao động).
Nôm na của quy định này là công nhân chỉ được biểu tình, nếu như đó là tranh chấp phát sinh khi tập thể lao động đòi hỏi những lợi ích cao hơn luật, thỏa ước tập thể, nội quy lao động hoặc những thỏa thuận khác. Trớ trêu thay, gần như 100% các cuộc tranh chấp lao động tập thể hiện nay là “tranh chấp lao động về quyền”.
Thế nào là tranh chấp lao động tập thể về quyền, thì khoản 8, điều 3 Bộ Luật lao động giải thích là “tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác”. Nôm na, đây là tranh chấp do doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, vi phạm thỏa thuận trong thỏa ước tập thể, nội quy, quy chế và các thỏa thuận hợp pháp khác, xâm hại quyền lợi người lao động.
Như vậy, việc Công ty Kimono Japan (Lâm Đồng) nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và nếu doanh nghiệp này thêm luôn chuyện chậm trả lương, quỵt lương, ép buộc tăng ca... thì đây vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi tập thể lao động. Nếu xảy ra tranh chấp với những nội dung vừa kể, thì đây là tranh chấp lao động về quyền, và tập thể lao động không được đình công. Loại tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của hòa giải viên lao động; chủ tịch UBND quận, huyện và tòa án nhân dân.
Thế nên, nếu công nhân của Công ty Kimono Japan muốn tổ chức đình công, tuy không ảnh hưởng gì đến quyền khởi kiện một vụ án lao động, song nếu căn cứ vào quy định của pháp luật liên quan thì không thể diễn ra một cuộc đình công.
Người lao động tại Công ty Kimono Japan phản ánh với các cơ quan chức năng về việc quyền lợi bị xâm phạm. Được biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty Kimono Japan đang nợ hơn 3,8 tỷ tiền nợ các loại bảo hiểm của công nhân.
Vì sao không thể đình công khi bị Nhà nước ‘bắt chẹt’?
Trong Bộ Luật lao động của Việt Nam, quyền đình công được ghi nhận tương đối hẹp so với pháp luật các quốc gia khác. Ngừng việc của tập thể lao động để thực hiện quyền đình công, chỉ được ghi nhận trong trường hợp nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, mà không được ghi nhận trong các trường hợp khác, ví dụ trường hợp liên quan đến chế độ, chính sách về lao động tiền lương của Nhà nước.
Về quy định liên quan đến các trường hợp đình công bất hợp pháp, trong đó có trường hợp “tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công”. Điều đó có nghĩa là, pháp luật lao động Việt Nam chưa cho phép đình công trong phạm vi ngành. Điều này dẫn tới hạn chế quyền đình công của người lao động, và sẽ là không hợp lý khi mà thương lượng ngành được pháp luật quy định, nhưng đình công nhằm gây sức ép để đạt được những yêu cầu liên quan đến tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phát sinh trong quá thình thương lượng ngành lại không được pháp luật ghi nhận.
Bài toán khó cho cả công đoàn độc lập
Tổ chức công đoàn, bao gồm cả khi có những công đoàn độc lập, sẽ đều phải rất cân nhắc khi đứng ra ‘lãnh đạo’ cuộc đình công, nếu như sau đó tòa án tuyên rằng đây là cuộc đình công bất hợp pháp.
“Khi đã có quyết định của Toà án về cuộc đình công là bất hợp pháp mà người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc, thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. (Điều 233, Bộ Luật lao động).
Cán bộ công đoàn là người làm công ăn lương như những người lao động khác. Công đoàn cơ sở hoạt động trong trụ sở do doanh nghiệp cấp cho, lấy tài sản đâu để bồi thường? Chừng nào luật còn quy định như thế thì cam đoan rằng không có cuộc đình công nào đúng luật mà chỉ có những vụ ngừng việc tập thể tự phát, không do công đoàn tổ chức, lãnh đạo.
TT - NP
No comments:
Post a Comment