Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Thị Hải Vân khẳng định mình "không vô cảm" khi có ý rằng dù biển chết nhưng người dân miền Trung "thất nghiệp không nhiều". Tuy nhiên, bà vẫn khẳng định lại, dù ngư dân phải bỏ đi làm phu khuân vác thì tức là "đã có việc làm".
- Trong hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế sáng 27.8, bài phát biểu của bà gây phản ứng từ dư luận với 2 ý là người dân 4 tỉnh miền Trung "thất nghiệp không cao", "thiệt hại vừa phải" sau khi biển chết bởi Formosa xả thải. Nhiều người bình luận bà vô cảm với thiệt hại của dân.
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Phải ở trong ngữ cảnh mới hiểu tôi nói ý gì. Đây là hội thảo về báo cáo tiến độ nên tất cả những gì tôi muốn nói đều nhằm mục đích về tiến độ của Bộ LĐ-TB-XH. 3 địa phương (Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình) người ta thu thập thông tin cơ bản đấy rồi; tỷ lệ thất nghiệp đến thời điểm này là có tăng nhưng không phải hoàn toàn là thất nghiệp.
Còn tôi nói ý "thiệt hại vừa phải" nghĩa là người dân khai vừa phải (mức thu nhập trước và sau khi xảy ra thảm họa Formosa xả thải ra biển) chứ không phải khai vống lên mà cũng không quá nọ kia. Số liệu họ khai đáng tin tưởng được nên chúng tôi có ngay để hoàn thiện đề án trình lên Chính phủ phê duyệt để người dân được bồi thường hỗ trợ ngay.
Nếu tôi vô cảm thì không bao giờ tôi vào trong ấy để làm. Tôi tận tâm đến mức mà anh thấy bộ NN-PTNT đã làm xong đánh giá thiệt hại đâu mà bộ LĐ-TB-XH chúng tôi đã làm xong rồi.
Chúng tôi đang tích cực đề nghị tách riêng đề án (đền bù, hỗ trợ sau thảm họa) cho người lao động ra để đẩy đi trước. Còn bên kia (Bộ NN-PTNT, xây dựng đề án đền bù, hỗ trợ những người chủ bị thiệt hại) thì khi nào đánh giá thiệt hại xong người ta xây dựng đề án sau cũng được.
(Như vậy) thì anh phải thấy lòng nhiệt tình, tâm huyết của chúng tôi như thế nào; nên tôi buồn khi thấy dư luận đưa ra những lời đánh giá như thế, buồn lắm ấy.
- Vậy tại sao bà nói tỷ lệ thất nghiệp không nhiều?
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Tôi đánh giá theo thực trạng người dân khai thôi, không phải bọn tôi sáng tác ra.
Trước khi có sự cố thì người ta có việc làm, bây giờ người ta có việc làm rồi hay là đang thất nghiệp thì chúng tôi đưa ra so sánh.
Ví dụ trước đây (tỷ lệ thất nghiệp) 3,3%, bây giờ 5,5%; vậy thì tỷ lệ thất nghiệp nó cao lên nhưng nó không cao đến mức như mình nghĩ là có thể 100% là không phải, mà nó có tăng.
Như Quảng Bình vì chạy dọc theo bờ biển, và việc làm của người ta là bám biển nên chuyển đổi nghề là rất khó thì tỷ lệ thất nghiệp của Quảng Bình tăng rất nhiều, là 16,4%. Còn ở những tỉnh kia, phần ven biển ít hơn nên người ta chuyển đổi nghề nghiệp dễ hơn thì tỷ lệ (thất nghiệp) có tăng nhưng không nhiều, cũng tăng một số phần trăm nào đó thôi.
Tôi đánh giá rằng người dân mình rất năng động nên khi xảy ra chuyện biển chết thì người ta cũng vẫn đi tìm việc làm để có thu nhập ổn định cuộc sống của người ta chứ không phải chờ nhà nước hay là ai đó hỗ trợ. Tôi đánh giá bản chất của người dân Việt Nam tốt ở chỗ ấy, chứ không phải đánh giá kiểu biển bị vậy mà không sao đâu. Nếu tôi đánh giá theo kiểu như mọi người đang nghĩ thì không bao giờ tôi nhấn mạnh việc tách đề án cho người dân trước để trình Chính phủ, và tôi còn phê bình ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tại chỗ (vì Hà Tĩnh chậm khảo sát thiệt hại của người dân).
Tôi không vô cảm như bị đánh giá, nếu tôi vô cảm thì tôi không bao giờ có những bức xúc như vậy.
- Người Việt cần cù là một chuyện. Nhưng vì biển chết buộc họ phải đi kiếm đủ thứ khác để mưu sinh, kiếm ăn; như vậy họ không còn được làm những công việc liên quan đến biển cố hữu bao đời, như vậy thì có coi là thất nghiệp?
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Không thể coi là thất nghiệp được, vì khái niệm việc làm của mình là người ta có việc nghĩa là người ta có việc làm.
Còn bây giờ nếu đền bù hay hỗ trợ cho họ thì phải đánh giá thiệt hại. Ví dụ trước đây họ thu nhập khoảng 7 triệu đồng, bây giờ họ thu nhập khoảng 2 triệu thì rõ ràng là thu nhập của họ giảm đi; vậy thì mình phải hỗ trợ.
Người thất nghiệp thì có mức hỗ trợ khác, người giảm thu nhập có mức hỗ trợ khác, còn những người không ra khơi được nữa thì Bộ LĐ-TB-XH có thể đưa đi xuất khẩu lao động ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… những nơi có nghề đánh bắt xa, gần bờ. Đưa họ đi như vậy để làm đúng nghề của họ, sau này biển sạch thì họ quay lại vẫn tiếp tục nghề được.
- Ví dụ, một người dân đi biển một tháng thu nhập 7 triệu, giờ biển mất họ phải đi tìm việc khác để mưu sinh như làm thợ nề, phu khuân vác được 3-4 triệu, vậy họ có thất nghiệp không?
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Không. Họ không phải thất nghiệp bởi vì họ vẫn có việc làm, nhưng thu nhập của họ bị giảm đi thì mình cũng phải hỗ trợ cho họ.
Tại vì khái niệm thất nghiệp của mình là anh phải không có việc làm cơ. Nhưng không chỉ những người thất nghiệp mới được hỗ trợ mà cả những người có việc làm mà giảm thu nhập cũng được hỗ trợ, hoặc có những người có thu nhập bằng trước kia nhưng không hài lòng thì có quyền xin đi học nghề, vay vốn, đi xuất khẩu lao động… Bộ vẫn hỗ trợ. Ở đây hỗ trợ cả 4 tỉnh miền Trung chứ không chỉ hỗ trợ những người mất việc làm.
- Bà vẫn giữ quan điểm rằng người miền Trung thất nghiệp không nhiều do họ vẫn tìm được việc làm sau khi biển chết. Vậy bà có sợ đứng trước ngư dân miền Trung khi nói điều này, ‘sợ sẽ mệt mỏi’ vì họ không?
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Tôi có vấn đề gì đâu. Thất nghiệp là gì? Thất nghiệp phải là người không có việc làm. Trong Bộ luật Lao động, việc làm là gì, việc làm là tất cả những công việc mà pháp luật không ngăn cấm tạo ra thu nhập thì là có việc làm.
- Cảm ơn bà!
Lê Đình Dũng (thực hiện)
No comments:
Post a Comment