Tuesday, August 23, 2016

Sập hầm đào vàng ở Lào Cai: Không phải 2 mà ít nhất 20 người chết

Ông Giàng A Khua, người khẳng định đã thấy thi thể của khoảng 20 phu đào vàng được khiêng ngang cửa nhà mình. (Hình: Lao Ðộng)
Ông Giàng A Khua, người khẳng định đã thấy thi thể của khoảng 20 phu đào vàng được khiêng ngang cửa nhà mình. (Hình: Lao Ðộng)
LÀO CAI (NV) – Chính quyền nhiều địa phương tại Việt Nam từng khai khống thiệt hại do thiên tai để nhận thêm hỗ trợ. Giờ, giấu diếm thiệt hại để không phải chịu trách nhiệm mới là “mốt.”
Trước đây, khi chính quyền các địa phương không bị buộc phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là thiệt hại nhân mạng, khai khống thiệt hại đã trở thành phong trào phổ biến.
Trong vài năm gần đây, thống kê về thiệt hại do thiên tai đang có dấu hiệu ngược lại vì chuẩn bị ứng phó với thiên tai trở thành một trong những tiêu chí đành giá năng lực và ý thức trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Chính quyền nhiều địa phương đang giấu diếm thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại nhân mạng để không bị chỉ trích và bị quy trách.
Tài sản, đặc biệt nhân mạng vẫn không có chút ý nghĩa nào đối với hệ thống công quyền. Các con số thống kê vẫn chỉ là một trong những yếu tố được hệ thống này tính toán để không ảnh hưởng bất lợi đến mình.
Hôm 21 tháng 8, Ban Chỉ Ðạo Phòng-Chống Thiên Tai Việt Nam, loan báo, trận bão thứ ba trong năm nay tiếp tục gây thêm nhiều tổn thất nặng nề cho miền Bắc Việt Nam. Tuy chính quyền trung ương đã liên tục nhắc nhở chính quyền các địa phương phải lưu tâm trong việc ứng phó nhưng theo Ban Chỉ Ðạo Phòng-Chống Thiên Tai Việt Nam thì chính quyền địa phương “vẫn còn tư tưởng chủ quan.” Ðó là lý do khiến 11 người chết và mất tích…
Ðáng chú ý là trong thống kê vừa kể, tại Lào Cai chỉ có hai người chết, bốn người bị thương do lũ quét, đất đá sạt lở ở xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn. Thế nhưng khi thử cộng tổn thất nhân mạng do phóng viên thường trú tại Lào Cai gửi cho các tờ báo phát giác, tổn thất nhân mạng tại tỉnh này nặng nề hơn nhiều. Ví dụ riêng xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên đã có đến 5 người thiệt mạng.
Số người thiệt mạng do bão số 3 ở Lào Cai tăng từ 2 thành 7. Sau đó cũng báo giới phát giác, ở xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn có một cặp vợ chồng thiệt mạng khi đang đào vàng thuê cho công ty Vàng Nhẫn – doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng ở xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn.
Số người uổng mạng trong bão số 3 tại Lào Cai trở thành 9. Bởi hai người được chính quyền tỉnh Lào Cai thông báo bị thiệt mạng trong bão số 3 là hai công nhân của công ty Vàng Nhẫn nhưng không phải là cặp vợ chồng cư trú tại tỉnh Bắc Kạn nên tờ Lao Ðông cử phóng viên đến tận xã Nậm Xây, xác định thực hư…
Một chuỗi phóng sự ảnh được tờ Lao Ðộng công bố cho thấy cả xã này tan hoang vì lũ quét, đất đá sạt lở. Trong khi chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lào Cai tuyên bố, cả chính quyền tỉnh lẫn chính quyền huyện đã cử người đến tận xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, chỉ đạo công tác tìm kiếm thi thể hai người chết và điều trị 4 người bị thương thì phóng viên tờ Lao Ðộng tìm thêm được hàng loạt nhân chứng khác cho thấy thiệt hại nhân mạng kinh khủng hơn nhiều. Ông Giàng A Khua, người có nhà nằm trên độc đạo dẫn từ quốc lộ vào bãi vàng khẳng định, khoảng 20 phu đào vàng thiệt mạng do mưa lũ đã được khiên qua trước cửa nhà ông. Chính ông đã giúp khiêng rất nhiều xác người!
Những phu đào vàng còn sống sót cho biết, ngoài công ty Vàng Nhẫn, còn có khá nhiều người mua bãi từ chính quyền địa phương để “khai thác tự do,” không cần giấy phép. Làm việc cho công ty Vàng Nhẫn hay chủ các bãi thì phu đào vàng cũng được đối xử giống hệt nhau: Không có hợp đồng lao động, không được hưởng gì khác ngoài lương nhưng lương thì bị nợ từ năm, bảy tháng tới cả năm!
Sau khi may mắn thoát chết, nhiều phu đào vàng tìm đường về thẳng nhà. Số còn lại tiếc công sức đã bỏ ra trong nhiều tháng nên ở lại chờ nhận lương. Họ chấp nhận tình trạng bị giam lỏng để thông tin về thiệt hại nhân mạng không… lọt ra ngoài!
Cho đến nay, riêng tại Lào Cai, bao nhiêu người uổng mạng trong bão số 3 tuy vẫn còn mù mờ nhưng chắc chắn không phải là 2. Tờ Lao Ðộng nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền tỉnh Lào Cao dối trá về tổn thất nhân mạng. Hồi tháng 9 năm 2013, tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn có một mỏ vàng bị sập. Trong khi chính quyền tỉnh này loan báo, tai nạn làm 2 người thiệt mạng thì khi đến hiện trường, báo giới phát hiện số nạn nhân uổng mạng lên tới… 12.
Nếu không gặp may thì dân cứ chết, viên chức chính quyền các địa phương vẫn tiếp giấu diếm tổn thất nhân mạng để chặn đứng việc khởi động những cuộc điều tra nguy hại cho mình. Lúc chuyện vỡ lở thì tự nó đã cũ, không còn là sự kiện nhất thiết phải xử lý nhằm “bảo vệ trật tự, trị an” nên có thể “kiểm điểm, rút kinh nghiệm.” (G.Ð)

No comments:

Post a Comment