Yên Bái là địa danh lịch sử Việt Nam với cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào năm 1930, tuy thất bại nhưng đã để lại một tấm gương về tinh thần quật cường chống ngoại xâm của tiền nhân cho hậu thế.
Cuối tuần qua, súng đã nổ tại Yên Bái vào ngày 18/8/2016. Người chết không phải lực lượng ngoại xâm và người anh hùng yêu nước chống giặc.
3 người chết đều cùng là đồng đảng với nhau. Cả 3 đều thuộc thành phần lãnh đạo. Một Bí thư tỉnh ủy. Một chủ tịch hội đồng nhân dân. Một chi cục trưởng kiểm lâm.
Đây không phải là tiếng súng khởi nghĩa. Đây là một vụ thảm sát. Đây là một vụ thanh toán lẫn nhau. Cho dù, đây là chuyện giữa ba người hay liên quan đa chiều khác, tựu trung, cả 2 trường hợp đều là CHUYỆN NỘI BỘ GIỮA NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG ĐẢNG.
Diễn tiến cách hành xử của chính quyền hiện tại đã đưa đến nhiều nghi vấn và phỏng đoán bởi sự gấp gáp giải quyết nội vụ. Điều mà bất kỳ người nào có trí óc xét đoán đều thấy rằng rất nhiều điều bất hợp lý trong các giải thích nguyên nhân của vụ bắn và các bằng chứng.
Từ việc kết luận gấp rút là hung thủ gây án rồi tự sát bằng một cuộc họp báo vội vã được tổ chức ngay trong ngày mà không phải là một cuộc điều tra với những chứng cử được giảo nghiệm.
Từ câu chuyện được dựng ra với những tình tiết không hợp lý như: Người bị tình nghi là hung thủ sau khi bắn chết viên bí thư tỉnh trong văn phòng, mà không ai chung quanh nghe được tiếng súng. Kế đến, trên quãng đường 150 thước đến một văn phòng khác, tình nghi hung thủ vừa đi, vừa chào hỏi vui vẻ bình thường khi gặp các người quen, những người đến để dự hội nghị. Cuối cùng, bước phòng viên chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, bắn chết người này rồi tự sát. Cần có máu lạnh và điềm tĩnh để thực hiện một chuổi hành động trên: hạ sát người thứ nhất, vui vẻ giao tiếp xã giao bình thường trên đường trược khi hành xử cho vụ thứ hai.
Những chi tiết trên chứng tỏ đây là một người có quyết định rất dứt khoát và bình tĩnh đến mức phải gọi là bản lĩnh. Và người có bản lĩnh như thế ít khi tự sát mà thường thì đã sắp xếp con đường tẩu thoát nhất là khi có gia đình với vợ và con gái.
Dư luận càng thêm nghi vấn khi báo chí lề phải vội che đi những tường thuật ban đầu là bác sĩ khám nghiệm xác nhận rằng người bị cho là hung thủ, ông Đỗ Cường Minh, chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, có vết tử thương do viên đạn từ sau gáy đi xuyên ra trước. Vết thương này hiếm và khó khăn để một người tự sát trong lúc đang manh động mà dễ dàng hơn là chính người này bị ám toán.
Những dấu vết về vết thương từ sau gáy dù đã bị dấu đi trên các bài tường thuật báo chí, vẫn còn lưu lại trên diễn dịch kết quả của các ứng dụng truy tìm trên internet. Khi tìm cụm chữ “vết thương từ sau gáy xuyên ra trước”, thì trên google search vẫn còn những dòng chữ “sau gáy ra trước” nằm trong trang mạng của những tờ báo chính thống lề phải nhưng khi click vào đường dẫn thì trong bài đã xóa đi chi tiết này. Tuy nhiên, chịu khó tìm, thì vẫn còn những trang báo lề phải không phổ thông vẫn còn lưu chi tiết này như trên trang kênh13.info và trang baobacgiang.com.
Bài bình luận này không làm việc điều tra về vụ án mạng nhưng muốn trình bày một chủ điểm quan trọng hơn: đó là NỘI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÃ ĐẾN LÚC THANH TOÁN NHAU KHÔNG CẦN CHE DẤU.
Sự rạn nứt, hiềm khích, thù hận và tranh quyền đoạt lợi giữa những cá nhân, nhóm cầm quyền của các đảng cộng sản từ Đông sang Tây, xưa nay là một thuộc tính căn cơ của tổ chức bạo lực nầy. Trong tổ chức đảng: Người cộng sản nầy chính là cai ngục và là đao phủ của người cộng sản khác - Đây không phải là điều vô cớ, võ đoán nhưng có thể rút ra vô vàn chứng cớ từ lịch sử. Staline đưa ra nguyên lý: Cái Chết giải quyết tất cả mọi vấn đề- Không còn Người/Không còn vấn đề- Death solves all problems - No man/No problem. Và thực hiện triệt để trong những năm 1936-1938, không những với 12 ủy viên trung ương bị giết vì những tội danh tưởng tượng; mà thanh trừng toàn diện 1,548,367 nạn nhân, trung bình 1000 người mỗi ngày chỉ trong một năm 1937-1938.
Cũng chính Stalin, người đã ra lệnh ám sát lãnh tụ Đệ tứ quốc tế Cộng sản, Leon Trostky, đồng chí chiến đấu sát cánh với Lenil trong cuộc Cách mạng Vô Sản lật đổ vương triều Nga Hoàng. Cho dù, trong bài diễn văn đọc vào ngày 1/11/1917, Lenil có nhận định rằng:“Không có một người cách mạng Bolsevik nào tốt hơn Trostky”, nhưng Trostky lại là đối thủ chính trị nguy hiểm nhất cho Stalin, nên phải ra lệnh ám sát.
Sự thanh trừng lẫn nhau trong nội bộ Trung Cộng rất nổi tiếng tàn bạo với những vụ như ám toán Lâm Bưu, vụ được gọi là “bè lũ 4 tên” cùng với hàng loạt giết chóc các cán bộ chủ chốt nhân danh Cách Mạng Văn Hòa với lũ Hồng Vệ Binh dưới lệnh của Mao Trạch Đông nhằm duy trì quyền lực cá nhân.
Còn trong lòng tầng lớp lãnh đạo Cộng sản chóp bu Ba Đình, từ những cái chết bí ẩn của Đại tướng Cộng sản Tổng Cục Chính Trị Nguyễn Chí Thanh, cả hai Đại tướng Tham Mưu Trưởng Cộng sản Hoàng văn Thái và Lê Trọng Tấn cách đây vài thập niên, con số cái chết bí ẩn đã tiếp tục gia tăng với các tên tuổi mới như Phạm Quí Ngọ hay Nguyễn Bá Thanh.
Những cái chết nêu trên là sự ám toán bí ẩn còn cái chết của 3 nhân vật đồng đảng Cộng sản tại Yên Bái ngày 18/8 vừa qua là một sự thanh toán nội bộ công khai dù là giữa 3 người hay phe nhóm đông hơn.
Lịch sử cho thấy, sự duy trì quyền thống trị bằng bạo lực qua những cuộc thanh trừng nội bộ, từ chính quyền Cộng sản thủy tổ của Lenin/Stalin, cũng là mầm mống tự hủy của chế độ Sô Viết. Mầm mống bạo lực này được di truyền nguyên bản vào các đảng cộng sản con.
Vụ thanh toán nội bộ thành viên Cộng đảng ngày 18/8 vừa qua, khiến câu nói được cho là của Hồ Chí Minh “Vì lợi ích trăm năm trồng người” đã vượt qua tục ngữ người xưa: “Cây Độc Không Trái”.
Cây Cộng sản kết trái tại Yên Bái ngày 18/8/2016.
08/23/2016 - 13:54
Phan Nhật Nam - Mai Phi-Long / SBTN
Phan Nhật Nam - Mai Phi-Long / SBTN
No comments:
Post a Comment