Tuesday, August 23, 2016

Biển đã sạch. Thật không?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-08-23  
000_E67MG.jpg
Du khách tại Ghềnh Đá Dĩa, một địa điểm du lịch phổ biến tại Tuy An, tỉnh Phú Yên hôm 1/8/2016.  AFP photo
Ngày 22 tháng 8 năm 2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Kết quả mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra ngay lập tức gặp phản ứng gần như tiêu cực của người dân lẫn mạng xã hội và báo chí cả nước.
Biển đã sạch, thật không?
Đó là câu hỏi của rất nhiều người trên mạng xã hội cũng như trong dân chúng tại các vùng biển gặp thảm họa cho thấy mức độ tin tưởng vào kết quả mà Bộ Tài nguyên Môi trường vừa công bố chưa cao so với sự chờ đợi của người dân.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà phát biểu trước hội nghị rằng diễn biến nước biển đang tốt dần lên, khả năng tự làm sạch đáng mừng của môi trường biển… và bộ trưởng Hà khẳng định, môi trường biển miền Trung có thể tự làm sạch.
Ý kiến trước kết quả này nhiều trí thức, nhà khoa học độc lập đều cho rằng quá sớm để đưa ra kết luận như thế, một trong những người có phản biện là TS Nguyễn Xuân Diện, từ Hà Nội ông cho biết:
Nói chung để cho người dân có thể tin được những gì mà Bộ TNMT nói thì nó là một quá trình, cứ vòng vo tam quốc rồi cứ lừa dân mãi thì đến bây giờ có công bố như thế thì dân cũng khó tin được.”
- TS Nguyễn Xuân Diện
“Trước hết đánh giá là Bộ Tài nguyên môi trường đã thực hiện đúng lời hứa là giữa tháng 8 sẽ công bố điều này. Hai nữa hôm nay sau khi đọc và theo dõi các tường thuật thì thấy rằng một số quan chức địa phương của biển miền Trung và một số anh em nhà báo đã hỏi những câu hỏi rất là thẳng thắn. Nói chung để cho người dân có thể tin được những gì mà Bộ TNMT nói thì nó là một quá trình, cứ vòng vo tam quốc rồi cứ lừa dân mãi thì đến bây giờ có công bố như thế thì dân cũng khó tin được.”
Người ta còn nhớ vài tuần sau khi thảm họa diễn ra chính phủ Việt Nam đã nhận được rất nhiều đề nghị giúp đỡ kỹ thuật cũng như phương tiện để khắc phục từ Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Đức cũng như Nhật Bản tuy nhiên hầu như tất cả các đề nghị ấy đều bị từ chối mà không đưa ra lý do nào cả. Trong khi kỹ thuật phân tích của Việt Nam rất yếu và thiếu, từ chối những để nghị này là tiền đề làm cho người dân nghi ngờ thiện chí của chính phủ và nhất là Bộ Tài nguyên Môi trường, nơi trực tiếp chịu trách nhiệm trước và sau khi thảm họa xảy ra.
Theo PGS-TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thì theo thời gian biển có thể tự làm sạch, tuy nhiên vì kim loại nặng không thể tự phân hủy nên khi chưa làm sạch kim loại nặng thì nguy cơ nhiễm độc vẫn còn.
Người ta còn nhớ ngày 26 tháng 4 sở Tài nguyên Môi trường của tỉnh Thừa Thiên Thiên Huế cho biết kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lăng Cô và cửa biển Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhiều lần.
Kim loại nặng lắng sâu dưới lớp trầm tích và muốn làm sạch nó phải tốn kém thời gian lẫn tiền bạc. Với 209 cây số bờ biển bị nhiễm độc cần phải hút hàng ngàn tấn trầm tích. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu dùng phương án này thì sẽ phải huy động các tàu hút để thực hiện. Sau đó sẽ phải tạo ra các hố rất to và sâu để chôn trầm tích, đồng thời sẽ tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn. Có làm như thế thì mới trả lại sự trong sạch cho biển.
Chính phủ chưa có bất cứ một động thái nào để nghiên cứu sâu về kim loại nặng, mà đây mới là nguy cơ tiểm ẩn cho sinh thái biển Việt Nam. Kim loại nặng không thể tự chúng phân hủy và cho tới khi nào vấn đề này chưa giải quyết thì chưa thể nói biển đã sạch như Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Thêm vào đó, hiện nay cá vẫn chết mặc dù mức độ ít hơn. Có hai cách giải thích tại sao tới nay vẫn còn tình trạng cá chết, thứ nhất môi trường biển bị nhiễm độc quá nặng sau gần 5 tháng cá vẫn tiếp tục bị tác động của các độc chất, thải ra từ Formosa trước đây. Thứ hai hiện nay cá tiếp tục chết do nhà máy Formosa vẫn được phép hoạt động và xả thải tuy ít hơn trước nhiều lần nhưng tác hại môi sinh vẫn tiếp tục tiêu diệt cá với mức độ nhẹ hơn.
Cuộc chiến còn dài
Là chứng nhân của các vụ cá vẫn chết hiện nay, ông Đặng Việt Hoa một ngư dân sống tại Đông Yên cho biết:
“Theo tôi thì cái đó chưa có xác quyết nào cả. Bộ Môi trường nói vậy nhưng hiện bây giờ một số cá vẫn tiếp tục chết. Đặc biệt là vào ngày 17 thấy cá ở biển gần sát với Formosa đấy, chỗ tôi ở đấy có một số cá đang bơi bị sần sùi lở loét, rồi sáng ngày 18 thì tôm và các loại khác chết tấp vào bờ rất nhiều thành ra Bộ Môi trường thông báo thì đó là việc của họ còn theo người dân chúng tôi không thể xác quyết được.
Cái đặc biệt nữa là nghề nghiệp bây giờ trong bà con làm nghề chài lưới ngay vùng biển ấy bây giờ không có gì bảo đảm, chỉ có cá nổi thôi còn cá ở tầng đáy ở tất cả các khu vực ấy thì không có nữa. Chúng tôi là những ngư dân sống ngay đó và chuyên sống với biển thì nhận định rằng chưa thể khẳng định môi trường trrong sạch để hành nghề được. Hôm qua chính một cán bộ tỉnh họ chuyên ngành về vụ này thì họ cũng nói đây là một cuộc chiến còn rất lâu dài.”
Cá ở tầng đáy mà ông Đặng Việt Hoa nhắc tới không còn nữa vì lý do kim loại nặng đã tiêu diệt chúng.
Chúng tôi rất quan tâm về thông báo này nhưng chúng tôi sẽ lấy toàn bộ văn bản để nghiên cứu rồi sau đó Hội nghề cá mới chính thức có ý kiến trong một vài ngày tới.
- Ông Nguyễn Tử Cương
TS Nguyễn Xuân Diện cũng quan tâm về vấn đề này trên các thông tin mà báo chí có được trong cuộc họp báo, ông cho biết:
“Hôm nay thì có một câu chốt cuối cùng mà báo Dân Trí và Lao Động có đưa ra đó là chưa biết cá biển đánh lên thì đã ăn được chưa, đấy là câu chốt. Tức là hiện nay cá biển vẫn chưa có thể ăn được, và chưa ăn được thì ngư dân chưa ra khơi vì ra khơi đánh cá mà cá không ăn được thì đánh cá làm gì? Vì vậy nói tóm lại phải khởi tố Formosa."
Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển thủy sản thuộc hội Nghề cá Việt Nam nhận định sau khi nghe tin này:
“Cho đến thời điểm ngày hôm nay thì những người làm nghề cá và những người làm nghề phục vụ cho những người đánh cá cũng chưa phục hồi được tình trạng sản xuất. Chúng tôi rất quan tâm về thông báo này nhưng chúng tôi sẽ lấy toàn bộ văn bản để nghiên cứu rồi sau đó Hội nghề cá mới chính thức có ý kiến trong một vài ngày tới.”
Trong hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Miền Trung sẽ có cả thép, cả cá, và cả môi trường biển xanh, sạch, đẹp, an toàn. Để chứng minh lời nói của mình, sau buổi họp báo Bộ trưởng đã cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị xuống tắm ở bãi biển Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị.
Nhận định về động thái này TS Nguyễn Xuân Diện nhận xét:
“Cái chuyện nhảy xuống tắm biển hôm nay cũng chỉ là một trò diễn thôi vì trước đó các ông ấy cũng tắm mà có ai tin đâu. Lần trước các ông cũng tắm và biển vẫn độc đấy chứ?”
Bên cạnh khủng hoảng môi trường là khủng hoảng truyền thông của chính phủ do đưa ra những nhận định thiếu nhất quán và khoa học đã làm cho người dân không còn tin tưởng vào các phát ngôn của nhà nước. Trước đây mặc dù báo chí đã dẫn ra các thông số về phenol có trong cá tại miền Trung nhưng các nhà khoa học của chính phủ lại xác định phenol không gây nguy hại cho sức khỏe nếu liều lượng thấp.
Trong vụ Formosa cũng vậy, không truyền đi thông tin đầy đủ và minh bạch về nhà máy này cũng làm cho người dân mất phương hướng dẫn đến mất tin tưởng vào chính sách đối với Formosa và từ đó mọi chứng minh, kết quả hay lời hứa nào của chính phủ cũng đều bị trí thức và dân chúng lẫn báo chí đặt câu hỏi.
Hôm nay, câu hỏi “biển miền Trung đã thật sự sạch hay chưa?” vẫn quanh quẩn trong mọi câu chuyện thường ngày khi nhắc lại chữ  Formosa hay “thảm họa” do nó gây ra.

No comments:

Post a Comment