Friday, August 26, 2016

Biển sạch, cá vẫn độc, ngư dân treo niêu

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-08-26  
620.jpg
 Tàu cá ngư dân bốn tỉnh miền Trung neo đậu chưa thể ra khơi. Photo courtesy of hoptacquocte.com
Điều quan trọng đối với công chúng, với ngư dân và người dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là bao giờ cá biển an toàn để ăn. Báo chí Việt Nam những ngày qua đã có nhiều tin bài, mà nội dung của nó khiến cho kết quả điều tra về ô nhiễm biển của Bộ Tài Nguyên và Môi trường mang dáng vẻ khôi hài đen.
Hôm 22/8/2016 vừa qua Bộ TN&MT đã đơn phương công bố điều gọi là nước biển 4 tỉnh ven biển miền Trung sau thảm họa môi trường, nay đã đạt chuẩn để tắm biển, hoạt động thể thao dưới nước và nuôi trồng thủy sản. Báo chí xoáy vào sự kiện Bộ TN&MT không thể trả lời những câu hỏi mà công chúng cần biết, như bao giờ biển trở lại bình thường, bao giờ cá biển ăn được, tức là hải sản có thể trở lại thị trường tiêu thụ, ngư dân ra biển trở lại. Cánh nhà báo cho là Bộ TN&MT nên phối hợp với Bộ Y tế và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn để cùng lúc công bố và đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 25/8/2016, ông Nguyễn Tử Cương chuyên gia Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đánh giá tình hình chung như sau:
Từ Hà Tĩnh cho tới Bắc Thừa Thiên – Huế hiện nay dân không đi đánh cá, có đi đánh thì cũng không có cá đâu.
_ Ông Nguyễn Tử Cương 
“Từ Hà Tĩnh cho tới Bắc Thừa Thiên – Huế hiện nay dân không đi đánh cá, có đi đánh thì cũng không có cá đâu. Bởi vì hiện nay kiểm tra trầm tích biển chưa được an toàn, ở bốn tỉnh này thì người dân ăn gì thì ăn chứ không ăn cá biển nữa…”
Hai ngày sau thông tin biển sạch của Bộ TN&MT, hôm 24/8 báo Người Lao Động đưa tin vẫn phát hiện chất kịch độc xy-a-nua (cyanide) trong nhiều mẫu cá lấy từ vùng biển Kỳ Anh Hà Tĩnh. Ngày 25/8 thêm nhiều tờ báo làm rõ thông tin này. Theo VnExpress và Dân Trí Online, kết quả kiểm nghiệm 9 mẫu cá và ghẹ lấy ngày 5/8 tại Hà Tĩnh của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, 5 mẫu nhiễm xy-a-nua, 3 mẫu nhiểm phenol và một mẫu có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng cho phép. Theo đó 5 mẫu nhiễm xy-a-nua gồm cá mỏ neo hàm lượng 3,9mg/kg; cá man hàm lượng 0,5 mg/kg. 3 mẫu phát hiện có phenol là cá đuối hàm lượng 14mg/kg , cá man 8,3 mg/kg, ghẹ 10mg/kg.
Ma trận thông tin
VnExpress bản tin trên mạng ngày 25/8 dẫn lời giới chức lãnh đạo Bộ Y tế nói rằng, biển đạt chuẩn để tắm chưa chắc cá đã an toàn để ăn.  Theo tin này, ông Nguyễn Thanh Phong Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế khuyến cáo là với các vùng biển gặp sự cố nhiễm độc, không nên sử dụng thủy hải sản cho tới khi có kết quả xét nghiệm rõ ràng. Ngay cả khi môi trường đã được khôi phục, nước biển đạt quy chuẩn để tắm thì cũng chưa chắc thủy hải sản đã an toàn để ăn.
Trên Dân Trí Online và VnExpress, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nói rằng, việc phát hiện phenol và xy-a-nua (cyanide) trong nhiều mẫu cá lấy ngày 5/8 ở Hà Tĩnh là nhằm đánh giá môi trường biển, chứ hai chất này không phải là chỉ số đánh giá về an toàn thực phẩm. Theo ông Phong Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Lương nông Quốc tế FAO đều khẳng định thế giới không quy định phenol liên quan tới an toàn thực phẩm.
Dù Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế xác định như vừa nêu, nhưng ông Nguyễn Tử Cương, chuyên gia Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn khi trả lời chúng tôi nói rằng, nếu thủy hải sản nhiễm một hàm lượng nhất định chất phenol hay xy-a-nua thì sẽ không xuất khẩu được.
“ …Vượt quá 0,2 mg/kg thì nước nào nghiêm khắc sẽ tiêu hủy ngay lô hàng, hoặc là cảnh báo và trả lô hàng về… nếu bình thường thì ở môi trường không có phenol và xy-a-nua hoặc nếu có thì rất thấp…trước đây ở biển Việt Nam kể cả vùng nước ngọt chúng tôi thỉnh thoảng có kiểm tra nhưng không bao giờ phát hiện, hoặc nếu có thì cũng dưới giới hạn quy định của CODEX, cái này kiểm tra mang tính giám sát thôi chứ không thường xuyên.”
Như thế tất các mẫu hải sản lấy ngày 5/8 ở vùng biển Kỳ Anh Hà Tĩnh đều có hàm lượng phenol và xy-a-nua cao hơn mức mà các thị trường nhập khẩu chấp nhận. Chúng tôi muốn nêu lên vấn đề này như một khía cạnh về an toàn thực phẩm thủy hải sản, dù 4 tỉnh ven biển miền Trung có thể không có thế mạnh về xuất khẩu thủy hải sản.
400.jpg
Một ngư dân Việt Nam ngồi trên tàu đánh cá của họ. AFP photo
Công bố ngày 22/8 của Bộ Tài nguyên Môi trường là nước biển 4 tỉnh ven biền miền Trung đã đạt chuẩn cho tắm biển, hoạt động thể thao dưới nước và nuôi thủy sản theo quy chuẩn Việt Nam. Chúng tôi nêu câu hỏi với ông Nguyễn Tử Cương là người dân ai dám nuôi thủy sản, khi mà hải sản chưa an toàn để ăn và tiêu thụ. Vị chuyên gia của Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đáp lời:
“Điều quan trọng chúng tôi cần số liệu công bố về phenol và cyanur ở trầm tích đáy biển, tức là bùn ngay cửa các ống xả. Xy-a-nua thì có thể bị hòa tan hoặc phân hủy, nhưng phenol không phải như vậy. Nếu chúng ta vào trang web của Ủy ban CODEX, người ta công bố đánh giá nguy cơ của xy-a-nua thì thấy rất rõ, nó có vỏ bọc và kết tủa xuống dưới đáy biển, báo cáo cua Bộ TN&MT cũng có nói điều này.
Cho nên, theo chúng tôi có lẽ phải chờ đầu tháng 9 khi có kết quả phân tích chính thức của Bộ Y tế đối với cá biển từng loại. Và ở đây người ta không cần phân tích thủy ngân, cadimi làm gì, bởi vì bình thường biển Việt Nam cái đó an toàn rồi và sự cố môi trường vừa rồi đã xác định được hai chất rất cụ thể rồi, đó là phenol và xy-a-nua. Vậy hãy phân tích phenol và xy-a-nua, đối tượng phân tích ở đây là trầm tích đáy biển. Thứ hai những loài cá sống định cư đáy biển, chứ còn cá biển ở tầng mặt thì không cần phân tích nữa.”
Đối với vấn đề Phenol và xy-a-nua độc hại ra sao, VnExpress bản tin trên mạng ngày 5/7/2016 dẫn Bảng dữ liệu an toàn của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP.HCM xác định, chất phenol rất độc hại cho da, đường hô hấp, hệ tiêu hóa và mắt. Đặc biệt nguy hiểm nếu nuốt, hít hoặc tiếp xúc qua da. Chất này gây đột biến tế bào soma ở động vật có vú. Liều lượng 630mg/kg gây chết 50% động vật khi tiếp xúc qua da. Con người nhiễm độc phenol có thể bị ảnh hưởng mạn tính dẫn đến ung thư, hư hại các cơ quan như thận, hệ thần kinh trung ương, gan.
Điều quan trọng chúng tôi cần số liệu công bố về phenol và cyanur ở trầm tích đáy biển, tức là bùn ngay cửa các ống xả. Xy-a-nua thì có thể bị hòa tan hoặc phân hủy, nhưng phenol không phải như vậy.
_ Ông Nguyễn Tử Cương
Vẫn theo VnExpress, TS Phan Thế Đồng, giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ, Đại học Hoa Sen TP.HCM, khẳng định phenol là chất dùng trong công nghiệp, có nhiều độc tính nguy hại đến sức khỏe con người nên không được phép hiện diện trong thực phẩm. Do vậy hoàn toàn không có tiêu chuẩn qui định mức độ hay hàm lượng phenol trong thực phẩm. VnExpress cũng dẫn sách Dược Lực Học do Đại học Y dược TP.HCM phát hành, theo đó xy-a-nua (cyanide) là hóa chất cực độc, chỉ cần một lượng nhỏ 0,15g đến 0,2g có thể gây chết người.
Trong lúc Bộ TN&MT, Bô Y tế được cho là sa vào ma trận chữ nghĩa khi một bên nói biển sạch với qui chuẩn môi trường Việt Nam, một bên  chưa thể bảo đảm hải sản ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã an toàn, thì người dân đặc biệt là ngư dân và gia đình của họ vẫn bế tắc vì bị tước đoạt nghề đánh cá.
Điều thiết thực nhất hiện này là làm thế nào để cứu trợ ngư dân 4 tỉnh ven biển, khi mà ngư dân không muốn chuyển nghề. Ông Nguyễn Tử Cương, chuyên gia Hội Nghề cá Việt Nam nhận định:
“Chính phủ vừa thành lập một Ban ở Trung ương và 4 Ban ở dưới tỉnh tìm giải pháp đền bù và trợ giúp hiệu quả cho người dân. Hội Nghề cá đã kiến nghị Chính phủ, trong các Ban này cần đặc biệt có vai trò của người dân, bởi chỉ người dân mới biết họ có khả năng gì và chuyển thì chuyển như thế nào. Có lẽ là hơi chậm, bên ngoài cũng sốt ruột chứ chính người dân 4 tỉnh còn sốt ruột hơn…Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết càng sớm càng tốt, ngư dân quen đánh cá biển, quen nuôi trồng, chuyển nghề thì sẽ có một phần chuyển, nhưng mà không phải chúng ta nói, chúng ta mang đến cho họ mà chính họ cùng với chúng ta suy nghĩ chọn giải pháp gần gũi nhất, phù hợp nhất và điều quan trọng là nếu chuyển nghề thì sản phẩm do nghề mới phải là hàng hóa và kết quả cuối cùng là có lời.”
Biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên –uế HHuế Huế trông chờ sự đánh giá chính xác về mức độ nhiễm độc sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Câu hỏi mà công chúng muốn biết vẫn là bao giờ biển trở về như xưa, bao giờ biển có cá, cá hết độc có thể ăn được và ngư dân lại có thể ra khơi.
*Ghi chú: CODEX Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế

No comments:

Post a Comment