Thursday, July 14, 2016

VN có thể làm gì sau phán quyết của Tòa án quốc tế về Biển Đông?

GNsP (14.07.2016) – Tòa án trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc bác bỏ đường lưỡi bò mà Tàu Cộng đã từng tuyên bố chủ quyền là không có cơ sở pháp lý, và không có quyền lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông theo các quyền được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.
Tòa án quốc tế của Liên Hiệp Quốc phán quyết Philippines thắng kiện Tàu Cộng về vấn đề Biển Đông suốt hơn ba năm tham gia thụ lý vụ kiện, vào ngày 12.07.2016.

Vào ngày 12.07.2016, Tòa trọng tài phán quyết Philippines thắng kiện Tàu Cộng về vấn đề Biển Đông suốt hơn ba năm tham gia thụ lý vụ kiện.
Liệu Tàu Cộng có tôn trọng phán quyết của Tòa án trọng tài của LHQ? Xin mời quý vị dõi theo cuộc phỏng vấn giữa phóng viên GNsP với Nhà báo Phạm Trần, sống tại W.DC.
Nhà báo Phạm Trần, đã từng sống và làm việc dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông dõi theo sát sao và chuyên bình luận các vấn đề chính trị, xã hội Việt Nam ngót 41 năm nay.
Huyền Trang, GNsP: Kính thưa Nhà báo Phạm Trần, xin ông có thể tóm tắt lại nội dung chính mà Tòa án trọng tài phán quyết vụ kiện giữa Philippines và Tàu Cộng trong vấn đề Biển Đông?
Nhà báo Phạm Trần: Điều quan trọng nhất là Tòa đã kết luận, không thừa nhận những quyền lịch sử của Trung Quốc (TQ) đối với tài nguyên ở vùng Biển Đông, bởi vì nó không hội đủ các điều kiện lịch sử. Tòa nói rằng những sự đi lại, trú ngụ trong một thời gian ngắn của các ngư phủ hay của các đầu buôn TQ hay của bất cứ quốc gia nào ở trên các hòn đá, mỏm đá thuộc Biển Đông thì nó không hội đủ các điều kiện về chủ quyền, thành ra Tòa đã bác quyền lịch sử đối với TQ.
Thứ hai, tất cả các tài nguyên này quan trọng ở chỗ nó nằm trong hình lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn, do TQ tự vẽ ra từ những năm 1947 dưới thời chính phủ của ông Tưởng Giới Thạch, lúc đó chưa bị quân Cộng sản đánh khỏi lục địa. Sau này, phía Trung Cộng nói rằng, họ tiếp nhận những việc làm của chính phủ Tưởng Giới Thạch để lại, cho nên họ cho họ quyền chủ quyền. Nhưng điều quan trọng là Tòa án đã nói rằng, hình lưỡi bò này được đệ trình lên LHQ năm 2009, để xác nhận chủ quyền của TQ thuộc hai phần ba diện tích của Biển Đông, hai phần ba diện tích này khoảng 30 triệu cây số vuông, thành ra Tòa nói là không hợp pháp vì không có bằng chứng chứng minh quyền lịch sử.
Những mỏm đá, hòn đá thuộc Biển Đông thì ở những nơi này không phải là một hòn đảo bởi vì ở đó con người không thể sinh sống, nếu có người nào đó trú ngụ ở đó cũng phải nhờ những sự tiếp tế từ bên ngoài, thành ra nó không có những yếu tố về con người, không có yếu tố về lịch sử và không hội đủ điều kiện để nhìn nhận những mỏm đá, hòn đá này thuộc chủ quyền của TQ. Tòa cũng kết luận sự bành trướng, xây cất, sửa đổi những mỏm đá, hòn đá trên Biển Đông thành đảo của TQ là bất hợp pháp và Tòa cho rằng đã gây ra những khó khăn, những cuộc tranh cãi. Đây là những điều then chốt quan trọng nhất.
Huyền Trang, GNsP: Thưa ông đây là một chiến thắng lớn của người dân Philippines, còn về phía Tàu Cộng thì họ có những đáp trả ra sao trước tuyên bố của Tòa trọng tài ạ?
Nhà báo Phạm Trần: Họ phản ứng một cách hết sức quyết liệt. Họ cho rằng, quyết định của bên phía Tòa án không có giá trị. Bộ Ngoại giao TQ đã đưa ra một lời tuyên bố rằng, phán quyết của Tòa là vô giá trị, không có sức ràng buộc, không chấp nhận, không công nhận. TQ còn cho rằng, bên phía Philippines đưa vấn đề này ra kiện cáo không phải vì tranh chấp với TQ, cũng không phải để giữ hòa bình ở Nam Hải mà để phủ định chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của TQ ở biển Nam Hải và TQ tố cáo Phi Luật Tân đã vi phạm luật pháp quốc tế. TQ nói rằng, sẽ tiếp tục làm những công việc mà họ đã làm, chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của TQ trên Nam Hải không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Trọng tài trong bất cứ tình huống nào. TQ phản đối và không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết của trọng tài này. Điều này cho thấy lập trường của TQ có ngay từ đầu, trước khi có phán quyết của Tòa án và khi Phi Luật Tân bắt đầu nạp đơn ra tòa án quốc tế, thì TQ đã đưa ra một lập trường tuyên bố rằng không nhìn nhận Tòa án này và cho rằng Tòa án này không có quyền gì đối với đòi hỏi của TQ.
Thứ hai, TQ chỉ nói chuyện song phương với các nước tranh chấp với TQ mà thôi, chứ không nói chuyện với “thành phần thứ ba”. Thành ra, đó là điều cho chúng ta thấy từ xưa đến bây giờ, TQ bác bỏ mọi nhu cầu của khối Đông Nam Á gồm nhiều quốc gia, nhưng TQ lại nói nhiều quốc gia [trong khối Đông Nam Á] lại không tranh chấp gì với TQ, cho nên những đòi hỏi của các nước này là không hợp lý. Đó là lập trường và phản ứng của bên phía TQ đối với quyết định của Tòa án quốc tế.
Huyền Trang, GNsP: Thưa Nhà báo, như vậy liệu phán quyết của Tòa trọng tài có đủ thẩm quyền chế tài buộc Tàu Cộng phải ngưng các hoạt động quân sự mà họ đã, đang triển khai trên Biển Đông?
Nhà báo Phạm Trần: Phán quyết này ảnh hưởng đến vấn đề ngoại giao, pháp lý, tâm lý của các nước trong khu vực và các nước trên thế giới.
Về mặt ngoại giao, TQ hoàn toàn mất mặt trong vụ kiện này.
Về tâm lý, đối với các nước bị TQ tranh chấp trong đó có 5 quốc gia: Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á (Malaysia), Brunei, Nam Dương và Đài Loan. Việt Nam hoan nghênh quyết định của Tòa án quốc tế, nhưng hết sức dè dặt ở chỗ muốn tất cả các chuyện tranh chấp này được giải quyết trong các biện pháp hòa bình mà không có sự gây hấn, không gây trở ngại, đây là chuyện cố hữu bên phía Việt Nam, cũng như của một số các nước trong khối Đông Nam Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Tân Gia Ba (Singapore).
Vấn đề đặt ra là quyết định của Tòa án quốc tế không có những cơ quan chế tài, buộc phải thi hành những điều đó, nhưng phán quyết này có tính cách pháp lý và là một phán quyết không thể nào thay đổi được. Phán quyết này cho thế giới thấy rằng, TQ đang vi phạm luật pháp quốc tế và càng ngày TQ càng bị cô lập về phương diện tâm lý cũng như ngoại giao.
Nhưng trong thực tế, Trung Cộng vẫn cứ hành động, lấn chiếm, cứ đánh, cứ bắt các ngư phủ của các nước đặc biệt là ngư phủ của Việt Nam khi ra đánh bắt cá ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa thì bị tàu TQ đàn áp, đâm tàu, đánh chết người hoặc bắn súng đe dọa. Chính các hành động đó, tôi nghĩ rằng, TQ sẽ không từ bỏ nhưng mà có thể họ sẽ giảm thiểu đi. Nhưng bắt buộc TQ phải thi hành các phán quyết của tòa án quốc tế, thì không có một cơ chế nào của LHQ hoặc tổ chức nào của thế giới được thành lập để thực hiện việc này. Vì vậy, phán quyết của Tòa quốc tế có giá trị tinh thần nhiều hơn và khẳng định TQ đã vi phạm luật pháp quốc tế từ xưa cho đến bây giờ. Đây là một quyết định có ảnh hưởng đến tâm lý ngoại giao.
Huyền Trang, GNsP: Vậy còn về phía Hoa kỳ cũng như các nước Đồng minh và đối tác của Mỹ  trong khu vực Châu Á thì họ phản ứng ra sao trước sự kiện này ạ?
Nhà báo Phạm Trần: Bên phía Hoa Kỳ đã đưa ra một lời tuyên bố cho thấy đó là một phán quyết hết sức tích cực, xác nhận là Luật pháp Quốc tế dù bất cứ ở nơi nào ở trên biển, trên đất liền, hay ở trên không đều phải được tất cả mọi quốc gia công nhận và thi hành, không để một quốc gia có thể tự đặt ra cho mình một luật lệ riêng. Hoa Kỳ nói rằng, không đứng về phía bên nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ mong mỏi tất cả các quốc gia hãy cùng hợp tác với nhau, tránh gây ra những hiềm khích, những hành động, hay có những tác động hoặc những chủ trương để gây khó khăn ở vùng Biển Đông. Hoa Kỳ ủng hộ tất cả các biện pháp hòa bình, các biện pháp dựa trên Luật pháp Quốc tế, dựa trên Luật biển của LHQ. Hoa Kỳ cho rằng, đường biển ở Biển Đông phải bảo vệ, và hứa hẹn một lần nữa sẽ bảo vệ an ninh cho sự di chuyển tàu bè quốc tế trong khu vực đó.
Một điều mà chúng ta cũng cần phải để ý là ngay sau khi có quyết định của Tòa án Quốc tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao của Trung Cộng đã đưa ra một lời tuyên bố rằng Trung Cộng đang nghiên cứu thiết lập một hệ thống giám sát không gian, nghĩa là những vùng đặc quyền mà máy bay đi qua những vùng Biển Đông là phải xin phép TQ, được gọi là hệ thống nhận diện hàng không. Tất cả những điều đó cho thấy, TQ vẫn chưa từ bỏ ý định giành chủ quyền không những ở trên biển mà còn giành quyền không phận trên vùng Biển Đông nữa. Nhưng điều này chắc chắn khó xảy ra vì các nước sẽ không đồng ý. Hoa Kỳ là nước đầu tiên đã phản ứng quyết liệt cách đây mấy năm và cho rằng, đó là những kế hoạch của TQ nhằm tuyên truyền và đe dọa các nước trong khu vực. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng, tất cả ý đồ của TQ muốn chiếm đặc quyền ở vùng Biển Đông, ở biển, mặt biển, dưới biển cũng như ở trên không thì chúng ta phải chú tâm và theo dõi những hành động trong tương lai của TQ sẽ như thế nào. Đây là những điều chúng ta cần phải lưu ý.
Huyền Trang, GNsP: Kính thưa Nhà báo Phạm Trần, về vấn đề Biển ĐôngVN cũng đang tranh chấp với Tàu Cộng, vậy phía nhà cầm quyền cộng sản VN đã có những phản ứng gì trước chiến thắng của Philippines, và liệu Hà Nội có theo chân kiện Tàu Cộng ra Tòa án Quốc tế như Philippines đã làm không?
Nhà báo Phạm Trần: Tôi nghĩ VN không thể làm được gì khác ngoài lời tuyên bố của Bộ Ngoại Giao vào ngày 12.07.2016. Lời tuyên bố của Bộ Ngoại Giao cho rằng, hoan nghênh Tòa trọng tài đã đưa phán quyết cuối cùng vào ngày 12.07.2016. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN cũng nói lại, một lần nữa VN tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN được xác định phù hợp với công ước của LHQ năm 1982, cũng như tất cả các quyền lợi, lợi ích khác của VN liên quan đến vấn đề cấu trúc, địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường của VN không có gì là mới lạ cả.
Vấn đề của VN đặt ra là VN phải đối xử với những vụ kiến tạo hay mở rộng những bãi đá thành đảo của TQ đã thực hiện mấy năm vừa rồi nó như thế nào. Liệu VN có nhờ vào phán quyết của Tòa án Quốc tế như là một bàn đạp pháp lý để đòi hỏi TQ rút ra khỏi khu vực của VN hay không? Khu vực đó gồm bảy vị trí và quan trọng nhất là ở những vùng như Gạc Ma – nằm ở giữa tỉnh Khánh Hòa – và khu vực đóng quân của VN ở Trường Sa. Nếu bên phía TQ mở một chiến dịch bao vây khu Trường Sa của VN, không để cho các tàu của VN tiếp tế đến đó nữa thì đó là một nguy cơ cho quân lính VN ở vùng Trường Sa.
Ở khu đảo Chữ Thập – chỉ cách Đà Nẵng có 400 cây số – TQ đã thiết lập một sân bay và tiếp tục thiết lập thêm các sân bay ở các khu vực chiếm đóng của VN cho đến bây giờ. Và, ngày hôm nay [ngày 13.07.2016], TQ tiếp tục đưa máy bay đến đó thử đáp xuống và cất cánh lên một cách an toàn, không có hề hấn gì. Các máy bay phản lực trong tương lai nếu xảy ra chiến tranh, thì họ có thể cất cánh ngay từ đảo Hải Nam đi xuống đảo Chữ Thập và ở các khu vực họ có sân bay ở Trường Sa, để tấn công quân VN ở Trường Sa cũng như tấn công vào đất liền của VN là điều hết sức nguy hiểm.
Thời điểm này là một lợi điểm về thời gian và VN có thể hành động được, nhưng tôi không tin VN dám làm chuyện này, bởi vì sự ràng buộc của Đcs VN với Đcs TQ cũng như sự nợ nần về vấn đề tiếp tế, tài chính của phía VN, cũng như sự lệ thuộc hoàn toàn vào chính trị ngoại giao của TQ. Thành ra với hàng ngũ lãnh đạo bây giờ, tôi không tin bên phía VN có thể làm được bất cứ một việc gì mà đem lại lợi ích cho quốc gia.
Huyền Trang, GNsP: Kính xin chân thành cám ơn Nhà báo Phạm Trần.
Huyền Trang, GNsP

No comments:

Post a Comment