HÀ TĨNH (NV) – Không chỉ xả chất thải ra biển, Formosa còn thuê chôn chất thải. Không phải chỉ ở Kỳ Anh mà còn tại nhiều nơi khác. Ðó là những thông tin mới nhất liên quan tới chất thải của Formosa.
Sau khi báo giới tố giác có 100 tấn chất thải của Formosa được đưa đến để vùi tại trang trại của ông Lê Quang Hòa, giám đốc công ty Môi Trường Ðô Thị của thị xã Kỳ Anh. Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh đã buộc phải tổ chức kiểm tra.
Kết quả kiểm tra cho thấy, Formosa đã giao cho công ty Môi Trường Ðô Thị của thị xã Kỳ Anh đến 260 tấn chất thải. Nói cách khác, còn 160 tấn chất thải nữa chưa rõ đang nằm đâu? Tại trang trại của ông Hòa hay nơi khác?
260 tấn chất thải vừa kể có chứa độc chất hay không? Mức độ nguy hại ra sao hiện chưa được xác định. Chỉ có một yếu tố đã rõ là trang trại đang chứa chất thải của Formosa nằm ở đầu nguồn nước!
Chôn ở nhiều nơi
Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó. Dân chúng và chính quyền nhiều xã, thị trấn thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, vừa lên tiếng tố cáo rằng chất thải của Formosa đã được đưa đến chôn tại nhiều nơi ở huyện này từ… lâu.
Ông Nguyễn Công Anh, xã đội trưởng thị trấn Thiên Cầm, kể với báo giới rằng, sau khi thấy có nhiều xe vận tải mang bùn đến đổ ở bãi rác Thiên Cầm, đổ xong, cào rác che lại, chính quyền thị trấn Thiên Cầm đã tổ chức kiểm tra và xác định đó là chất thải của Formosa. Ông Anh là một trong những người đầu tiên tham gia chặn bắt.
Theo lời khai của tài xế thì anh ta được hợp tác xã dịch vụ sinh thái biển Thiên Cầm thuê đến Formosa nhận chất thải đem đến bãi rác Thiên Cẩm đổ. Chính quyền thị trấn Thiên Cầm đã lấy mẫu, gửi cho Phòng Tài Nguyên-Môi Trường của Thiên Cầm đề nghị gửi kiểm nghiệm xem có ảnh hưởng đến môi trường hay không. Chuyện xảy ra từ tháng 5 năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả…
Ông Phan Duy Vĩnh, phó chủ tịch thị xã Kỳ Anh thì kêu oan về chuyện bị nghi ngờ tại sao xe tải chở cả trăm tấn chất thải đến huyện này chôn mà giới hữu trách không biết. Ông Vĩnh cho biết, các cơ quan hữu trách trong huyện đã bắt được hàng chục vụ xe chở chất thải từ Formosa đi đổ tại nhiều nơi ở huyện này sai với qui định.
Dân chúng Hà Tĩnh đã chỉ thêm hàng chục điểm nằm rải rác ở nhiều nơi mà họ tin là đang chứa chất thải của Formosa vì buổi chiều thì thấy xe đến múc đất lên tạo thành những hố lớn nhưng sáng hôm sau các hố vừa đào đã được san phẳng. Cũng có những chỗ nằm sát chân núi, gần sông suối từng là bãi chứa bùn đen nhưng theo thời gian, nước mưa đã cuốn bùn đi…
Theo một số chuyên gia, bùn đen – chất thải của Formosa – nếu có độc chất thì chúng sẽ lẫn vào đất, ngấm vào mạch nước ngầm, thẩm thấu ra suối, sông và hậu quả không thể lường hết.
Ông Nguyễn Văn Toàn, phó phòng Tài Nguyên-Môi Trường huyện Cẩm Xuyên, phân bua, do hợp tác xã dịch vụ sinh thái biển Thiên Cầm có chức năng thu gom, tập kết rác thải sinh hoạt ở địa phương nên khi nơi này đem bùn đến đổ, chôn lấp ở bãi rác Thiên Cầm, cơ quan của ông tin rằng, giới hữu trách đã cho phép thành ra mới không báo cáo.
Ông Võ Tá Ðinh, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh thì bảo với tờ Tuổi Trẻ là cơ quan của ông ta có biết về vụ mang chất thải của Formosa đến đổ, chôn lấp ở bãi rác Thiên Cầm nhưng chỉ lập biên bản, xử phạt hành chính, không lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra mức độ độc hại vì nghĩ đó là bùn thông thường!
Ðòi ‘xử’ nhà báo
Sau khi vụ chôn 100 tấn chất thải của Formosa tại trang trại của giám đốc công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh bị tờ Người Ðưa Tin phát giác, ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của chính phủ Việt Nam, bảo với một phóng viên rằng, ông đã chỉ đạo kiểm tra và “sẽ lấy thẻ của ‘thằng nhà báo’ loan tin này nếu chất thải không có chất độc hại.”
Cần nhắc lại rằng, tại cuộc họp báo do Bộ Tài Nguyên-Môi Trường tổ chức vào ngày 27 tháng 4 (ba tuần sau khi xảy ra hiện tượng cá chết trắng vùng biển phía Bắc miền Trung), sau khi khẳng định, thảm họa cá chết trắng biển là do: (1) Tác động của các độc tố thải ra từ hoạt động của con người; và (2) Do sự dị thường trong tự nhiên kết hợp với tác động của con người mà tạo thành hiện tượng tảo nở hoa thường được gọi nôm na là thủy triều đỏ, đồng thời nhấn mạnh “chưa tìm thấy bằng chứng nước thải từ Formosa khiến nước biển nhiễm độc,” ông Nhân cũng là người cảnh cáo một phóng viên của tờ Thanh Niên, tra vấn về khả năng cá chết do nhiễm kim loại nặng rằng câu hỏi kiểu như thế “gây tổn hại cho đất nước của mình.”
Ông Nhân, một người dạy sử-chính trị tại Ðại Học Quy Nhơn giờ đang chỉ đạo việc quản lý hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn Việt Nam!
Cần lưu ý rằng do kim loại nặng tồn tại rất lâu trong đất, nước, không khí nên khi vượt quá mức cho phép, chúng sẽ nhiễm vào con người qua đường hô hấp, niêm mạc da và chuỗi thức ăn. Kim loại nặng chính là yếu tố gây ung thư, nếu mức độ nhiễm cao, não sẽ tổn thương não, hệ cơ co rút, nạn nhân sẽ phát điên và tử vong sớm. Kim loại nặng có thể ảnh hưởng đến quá trình phân chia DNA, dẫn đến quái thai.
Khá nhiều chuyên gia tin rằng, chất thải của Formosa đã được đổ, chôn nhiều nơi tại Hà Tĩnh có chứa kim loại nặng. (G.Ð)
14-07-2016
No comments:
Post a Comment