Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-07-29
Ngư dân Đài Loan chuẩn bị cờ và băng-rôn để mang ra đảo Ba Bình hôm 20/7/2016. AFP photo
Trước thông tin Đài Loan đưa người và tàu ra đảo Ba Bình mà Đài Bắc nói là thuộc chủ quyền của họ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam khẳng định mọi hoạt động không có sự chấp thuận của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa đều là bất hợp pháp.
Ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới chính phủ, cho rằng Việt Nam có toàn quyền lên tiếng phản đối bất cứ bất cứ lúc nào và bất cứ thế lực nào xâm phạm chủ quyền của mình:
Ba Bình tức đảo Itu Aba là đã lớn nhất khu vực Trường Sa, Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà hoàn toàn phủ hợp nguyên tắc của Luật Pháp Quốc Tế. Nước khác xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam phải lên tiếng phản đối. Đấy là hành động chính đáng và có giá trị pháp lý.
Đứng về mặt quốc gia mà nói thì Đài Loan vẫn là Trung Quốc, dù muốn hay không muốn thì bao giờ Trung Quốc cũng nhảy vào tranh giành chủ quyền ở Trường Sa của Việt Nam. Chuyện Đài Loan chiếm đảo Ba Bình không phải bây giờ mà thời kỳ đại chiến lần 2, do việc Đồng Minh giao nhiệm vụ cho Trung Hoa Dân Quốc đưa tàu ra để giải giáp Nhật, lợi dụng cái đó Đài Loan đã nhảy lên chiếm đảo Ba Bình và cho đến giờ thì họ tiếp tục sử dụng như một vùng lãnh thổ mà họ có mặt ở đấy. Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự có mặt bất hợp pháp đó của Đài Loan.
Đứng về mặt quốc gia mà nói thì Đài Loan vẫn là Trung Quốc, dù muốn hay không muốn thì bao giờ Trung Quốc cũng nhảy vào tranh giành chủ quyền ở Trường Sa của Việt Nam.
- Ông Trần Công Trục
Vẫn lời ông Trần Công Trục, trong bối cảnh hiện nay thì chính đáng nhất vẫn là bày tỏ thái độ phản đối quyết liệt về mặt ngoại giao chứ không thể có hành động nào mà có thể dẫn đến xung đột và không phù hợp với quan điểm duy trì hòa bình ổn định cho khu vực.
Từ Sài Gòn, thạc sĩ Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu Biển Đông:
Trên nguyên tắc, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Cộng Hoa Nhân Dân Trung Hoa đã quan hệ ngoại giao từ 1950 cho tới nay. Một trong những nguyên tắc bất di bất dịch là bất cứ thông cáo chung nào giữa Trung Quốc cũng như Việt Nam đều nói Việt Nam chỉ thừa nhận một nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, quan hệ giữa Đài Loan và Việt Nam là quan hệ phi chính phủ.
Ở đây vướng một vấn đề là Việt Nam đã không công nhận có quan hệ chính thức và Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, mà nếu phản đối như vậy thì vô hình chung tạo ra rất nhiều tranh chấp chủ quyền đa phương trong đó có các quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ý kiến của tôi thì chúng ta tập trung vào phản đối Trung Quốc, khi phản đối Trung Quốc là bao gồm cả Đài Loan, là lãnh thổ Trung Quốc, để hạn chế đi vấn đề đối tác tranh chấp khi cần giải quyết đa phuong vấn đề Trường Sa trên Biển Đông.
Nhìn lại tất cả những xung đột trên Biển Đông, ông Đinh Kim Phúc dẫn giải tiếp, bất cứ động tác leo thang nào trên Biển Đông thì đi liền sau đó trong một thời gian rất ngắn là động thái khiêu khích của Đài Loan khiến nguy cơ căng thẳng tăng thêm một bước.
Ông cũng không quên nhắc lại là từ năm 1947, nghĩa là trước 2 năm quân cộng sản chiến thắng ở Hoa Lục, thì Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã công bố bản đồ có đường 9 đoạn trên Biển Đông, còn gọi là đường lưỡi bò:
Đây là một âm mưu xuyên suốt và tôi nghĩ rằng Trung Quốc thắng hay Đài Loan thắng trên vấn để Biển Đông nếu có, thì cũng là Trung Quốc hưởng lợi mà thôi. Do đó yêu sách chủ quyền dù là Trung Quốc hay Đài Loan ngày nay thì đó là sự tiếp nối của truyền thống bá quyền Trung Hoa đi về phương Nam, hướng xâm lược truyền thống của họ từ ngàn xưa đến nay.
Thái độ của Việt Nam
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, nguyên tổng biên tập Tuần Báo Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam, cho rằng cái mới lần này là Việt Nam phản đối Đài Loan trong một thời điểm nhạy cảm:
Tôi muốn nói toàn bộ sự kiện diễn ra sau khi Tòa Trọng Tài The Hague bác bỏ quyền lịch sử trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Phán quyết còn nói rằng đảo Ba Bình chỉ là một đảo đá, không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế ở trong đấy. Vậy thì bất kể Đài Loan hay Trung Quốc mà tiếp tục những hành động đơn phương như vậy thì rõ ràng là không tuân thủ phán quyết.
Tôi nhận thấy Việt Nam có thái độ rất cương quyết. Có thể Đài Loan sẽ lên tiếng, chuyện đó thì chưa rõ nhưng người ta nói vòng tranh chấp 5 nước 6 bên thì bên thứ 6 chính là Đài Loan tức là vùng lãnh thổ thì cái này nó có sự thỏa thuận. Nếu Trung Quốc công nhận Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc thì ở đây phải phân biệt 2 cái. Việc Việt Nam phản đối Đài Loan là phản đối bên thứ 6 vi phạm, hiệu lực của nó đến mức nào thì cái này là một cuộc đấu tranh lâu dài.
Triết lý của Việt Nam là đảo bị chiếm không thể là đảo bị mất. Việt Nam duy trì nguyên tắc đó và phản đối không chỉ Đài Loan mà tất cả các nước vi phạm. Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam nhưng có nước nào trên thế giới công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc không? Không có! Tương tự Ba Bình cũng thế, phản ứng của Việt Nam đối với Đài Loan thì Đài Loan phải suy dẫn, còn việc họ có ra tuyên bố hay không là cái chuyện khác.
Triết lý của Việt Nam là đảo bị chiếm không thể là đảo bị mất. Việt Nam duy trì nguyên tắc đó và phản đối không chỉ Đài Loan mà tất cả các nước vi phạm.
- Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng
Sự kiện Đài Loan điều quan chức và tàu thuyền ra đảo Ba Bình nhiều phần do động lực chính trị, là nhận định của một nhà nghiên cứu khác, thạc sĩ Hoàng Việt Đại Học Luật Khoa Sài Gòn:
Hiện nhiều quốc gia công nhận nguyên tắc Một Trung Quốc One China, Hoa Kỳ cũng phải công nhận và đương nhiên Việt Nam cũng phải thừa nhận. Với nguyên tắc đấy thì Đài Loan không phải là một quốc gia, không phải một thành viên của Liên Hiệp Quốc cũng như không phải thành viên của Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển. Nhưng mà trong thực tế thì Đài Loan là một quốc gia, đó là thực tế.
Chính vì vậy Đài Loan cảm thấy có những thiệt thòi của riêng mình, là vì trong tất cả những đàm phán về Biển Đông như DOC hay COC thì Đài Loan đều không được tham dự. Cho nên Đài Loan rất muốn nhắc nhở là Đài Loan phải được tham gia như một bên.
Trên thực tế thì Đài Loan chỉ chiếm giữ duy nhất một đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa mà nhiều quốc gia cùng tranh chấp. Thạc sĩ Hoàng Việt lý giải tiếp là phán quyết của Tòa Trọng Tài ngày 12 tháng Bảy đã khiến cho Đài Loan sửng sốt:
Trong buổi điều trần từ ngày 24 đến ngày 30 tháng Mười Một 2015 thì Philippines đã đưa ra nhiều lập luận và bằng chứng tỏ Ba Bình chỉ đạt tiêu chuẩn là đá thôi chứ không phải là đảo, và như vậy nó không phải vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Đầu tháng Ba năm 2016 một nhóm tên là Hội Luật Quốc Tế Đài Loan đã gởi một báo cáo cho Tòa Trọng Tài để chứng minh Ba Bình là đảo chứ không phải đá.
Và như chúng ta đã biết Tòa Trọng Tài ngày 12 tháng Bảy 2016 đã phán quyết rằng không thực thể nào của Trường Sa, trong đó cả Ba Bình, đáp ứng được yêu cầu là đảo. Chính vì vậy Đài Loan, đang chiếm giữ Ba Bình, rất là bực bội, lúng túng, đã điều tàu chiến tới khu vực Ba Bình, mời các học giả quốc tế tham quan Ba Bình để bảo vệ lợi ích chính trị của họ.
Đó là ý kiến của một số chuyên gia và nhà nghiên cứu về Biển Đông ở trong nước, đặc biệt vào khi Đài Loan, một đối tượng của vòng tranh chấp chủ quyền 5 nước 6 bên ở Biển Đông mà Việt Nam vừa yêu cầu ngưng mọi hoạt động của họ trên đảo Ba Bình.
No comments:
Post a Comment