Friday, July 29, 2016

Tháng 7, tản mạn về thương binh, liệt sĩ - Phần II

07/29/2016 - 19:59 

Năm 1972, tôi còn nhớ rõ. Hôm đó trời âm u, mưa nhỏ, một trận bom tọa độ ngay gần làng tôi, mẹ tôi suýt chết bởi trận bom đó khi đi cấy thêm. Mẹ tôi bị bùn giập khắp người chạy được về báo tin có một người bị bom trên đê. Cả làng chạy ra thì người đó đã chết. Ông chết khi đang vận tải hàng hóa lên thị trấn và vợ ông đang mang thai sắp đến ngày sinh.
Hồ sơ liệt sỹ được lập từ ngày đó. Nhưng cho đến khi con gái ông sắp lấy chồng, thì hồ sơ và chế độ liệt sỹ vẫn chưa về với gia đình. Một lần gặp tôi, bà vợ nhờ tôi hỏi hộ vì đã năm lần bảy lượt hết ra Bộ lại về Sở mà không ai trả lời.
Tôi đến Bộ Lao động - TBXH hỏi thì vẫn câu trả lời: Về Sở, chúng tôi đã chuyển hết về sở từ lâu và hết trách nhiệm. Không thể nín lặng, tôi ầm ĩ ngay tại đó rằng: Khi lôi con người ta đi, các ông có bảo về chỗ nọ, chỗ kia không? Tại sao khi ra đi thì nhà nước này ngọt ngào thế mà giờ trở mặt? Người nông dân làm sao biết đến Bộ, đến Sở và lấy tiền đâu để đi đi về về năm lần bảy lượt?.
Một ông nghe ầm ĩ chạy sang, sau khi hiểu hết câu chuyện, lệnh cho anh chàng vừa bảo "đi về sở" là phải làm ngay. Quả nhiên, hơn tháng sau, gia đình được hưởng chính sách liệt sĩ đúng dịp con gái lấy chồng.
Kể câu chuyện này để thấy rằng: Đằng sau những đau đớn, khó khăn của các liệt sĩ và thân nhân họ, có sự đóng góp rất lớn của hệ thống quan chức vô cảm và vô tâm và vô ơn hiện nay.
(Một bộ đội ăn mặc dân thường phá vòng hoa tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Tỏ Quốc)
Vô cảm và độc ác hơn nữa, tủi nhục hơn nữa, là với những chiến sĩ đã hy sinh trên biên giới phía Bắc trong cuộc chiến 1979. Trong đó có những nơi như Vị Xuyên, Hà Giang hơn 4.000 người đã ngã xuống và hiện có hơn 2.000 liệt sỹ đang nằm phơi xương trong trận chiến 1984. Những chiến sĩ trong cuộc chiến đó cũng đã từng bị lãng quên như nhà nước đã từng cố tình lãng quên cuộc chiến đó cả chục năm nay. Những dịp kỷ niệm 30 năm, rồi 35 năm cuộc chiến đẫm máu đó, không một ai nhắc đến họ một lời.
Thế nhưng, khi những người yêu nước ra tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đó thì đám công an, an ninh đã dùng đủ mọi trò bẩn thỉu để phá đám. Thậm chí đám Dư luận viên còn được an ninh sử dụng dùng đủ mọi lời lẽ ngôn ngữ bẩn thỉu xúc phạm đến những người đã hy sinh và những người tưởng niệm.
Và đau đớn hơn, ngăn cản việc tưởng niệm họ lại chính là những "đồng đội, đồng chí" của họ thế hệ sau.
Bởi đơn giản là kẻ thù đã gây bao tội ác xâm lược và tàn sát kia, giờ đã là bạn vàng của Đảng Cộng sản.
Đó là vài câu chuyện của người đã chết. Người còn sống trở về thì sao?
Những thân phận trở về
Thời còn nhỏ, xã tôi là nơi tập trung một đơn vị thương binh người miền Nam. Những hình ảnh về những thương binh đó đối với chúng tôi - những trẻ con - là không mấy thiện cảm vì khiếp sợ.
Khi lớn lên, hình ảnh những thương binh phải đi buôn lạc, đậu trên các đoàn tàu Vinh - Hà Nội với những chiếc nạng gỗ có thể kéo tàu dừng bất cứ lúc nào, đã để lại những ấn tượng khó quên.
Khi sống ở Hà Nội, những chiếc xe thương binh chở nhiều hàng hóa cồng kềnh đi nghênh ngang giữa phố mà thành phố đã nhiều lần muốn dẹp bỏ nhưng không thể được, đã làm tôi có nhiều suy nghĩ.
Tại sao, những người thương binh kia lại còn phải lăn lộn với cuộc đời trong gian nan của bản thân khi họ đã bỏ một phần máu xương cho đất nước?
Thực tế đã trả lời câu hỏi và những băn khoăn của mình.
Viết đến đây, tôi chợt rùng mình nhớ câu thơ:
Anh bước đi giữa trời đất Bắc
Hà Nội mưa phùn lạnh kẽ xương
Chiếc nạng gỗ khua từng tiếng nấc
Gõ nhịp thương đau xuống mặt đường
(Nỗi buồn chiến thắng - Trần Trung Đạo)
Tôi lớn lên cùng xóm với hai anh em ruột đều là cựu chiến binh, ông Nguyễn Huy Hồng và ông Nguyễn Huy Hoàng. Người anh là chiến binh chống Pháp, người em đã là chiến binh của cả hai cuộc chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Ông Nguyễn Huy Hoàng, đã từng tham gia trận đánh Bình Giã nổi tiếng.
Thế nhưng, khi họ trở về quê hương, cả hai gia đình đều phải sống trong nghèo nàn và đói khổ đến cùng cực, không hề được bất cứ một đồng tiền nào của chế độ. Cực chẳng đã, ông Hoàng phải đưa vợ con tự di cư vào Miền Nam, lại trở lại chiến trường xưa là vùng Bình Giã để kiếm sống và rồi chết ở đó, còn ông anh, dặt dẹo đói khổ ở quê, bệnh tật rồi chết đầu năm nay.
Nguyên nhân duy nhất là vì họ đã không giữ được giấy tờ khi trở về.
Quái lạ, một đất nước mà khi người lính "ra đi, đầu không ngoảnh lại", xông mình giữa trận tiền coi mình như chẳng có lại luôn luôn phải nhớ giữ bằng được cái giấy tờ, kẻo nhỡ còn sống thì khi về không được làm người. Còn nhà nước kéo họ ra khỏi gia đình, đưa họ vào nơi chiến trận lại chẳng chịu trách nhiệm gì về hồ sơ, giấy tờ của họ.
Hẳn là vì thế, đã có những vở kịch chảy ra nước mắt như "thủ tục làm người còn sống", chắc là chỉ có ở Việt Nam.
Trong khi đó, nạn thương binh giả đã lan tràn khắp mọi miền đất nước. Theo con số của Bộ Lao động - TBXH, năm 2013 đã phát hiện ra 7.000 trường hợp thương binh giả.
Nhà nước cứ lấy tiền dân trả lương cho những kẻ đã không hề có một đóng góp máu xương, sức lực nào cho cuộc chiến cũng chẳng hề có chút tinh thần nào vì đất nước, quê hương. Trong khi đó, những người cống hiến máu xương, sức khỏe và tính mạng cho đất nước (nói đúng hơn là cho nhà nước) thì chỉ có... nhịn, vì không giữ được giấy tờ!
Nói một cách dân giã, thì nhà nước đã hành động theo kiểu "mồ cha không khóc, khóc tổ mối" hoặc "bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng".
Vấn đề đặt ra là ai đã có thể làm được giấy tờ thương binh giả?
Mới gần đây, khi Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bị đồng đội tố cáo và bị tước danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nội vụ được báo chí và đơn từ vạch ra, người ta mới biết rằng ngay cả những tước hiệu "cao quý" nhất cũng có thể làm giả. Không chỉ có việc khai man, mà việc tặng các danh hiệu, làm giả các bằng chứng, xác nhận và đóng dấu cũng rất "đúng quy trình". Ở đó, tội ác được coi là thành tích, không biến thành có, sai biến thành đúng... để trở thành anh hùng.
Oái oăm thay, cái vị anh hùng dởm đó, đã từng ngồi chễm chệ ngôi vua của vùng cố đô rộng lớn, tác oai tác quái đến tận khi sức cùng lực kiệt mới buông tha sau khi kịp để lại một đám hậu sinh "học tập và làm theo tấm gương" của... mình. Thử hỏi trong quãng thời gian ngự trị trên ngai vàng, với bản chất của mình, kẻ dối trá đó đã làm nên biết bao "thành tích" man rợ khác nữa?
Điều khá hài hước, là khi bị vạch mặt, thì đám báo chí kền kền như Đại Đoàn Kết và một số tờ báo khác đã đứng ra bảo vệ thật lực. Thế nhưng, sau khi bị tước danh hiệu, đám báo chí coi như... vô can.
Trong một xã hội mà thật giả lẫn lộn, kẻ lưu manh sống bằng thân xác người chết vì nghĩa khí, vì đất nước, chễm chệ trên ngai vàng, những người dám bỏ mình vì đất nước, quê hương sống trong đói nghèo và tủi nhục, thì sức mạnh dân tộc sẽ đi về đâu? Ai sẽ dám xả thân vì đất nước, dân tộc này?
Trong khi quan chức nhà nước chi tiêu riêng về xe công, đã ngốn số tiền 13.000 tỷ đồng tiền dân mỗi năm thì các liệt sỹ vẫn còn hàng trăm ngàn người đã ngã xuống không có tin tức. Các thân nhân các gia đình liệt sỹ vẫn ngày đêm mong ngóng tin người thân của mình và tự lần mò khắp nơi, thậm chí bị lừa đảo trắng trợn.
Thế nhưng, người ta không thể tìm thấy một trang thông tin tổng hợp các nghĩa trang liệt sĩ, các ngôi mộ và những thông tin cần thiết để tìm kiếm từ Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Lao động - TBXH. Phải chăng việc này là quá khó?
Xin thưa là không.
Khi mạng Internet đã đến mọi ngõ ngách gia đình, việc không chịu đưa các thông tin đầy đủ cho người dân về các thân nhân của mình cũng như các thông tin về các phần mộ liệt sĩ, đẩy các thân nhân của họ tự mò mẫm và bị lừa đảo, chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm. vô cảm của các cơ quan nhà nước mà thôi.
Tại sao dù đã có con số khủng khiếp lực lượng công an các loại, nhà nước vẫn còn chi hàng đống tiền dân vào các lực lượng như dân phòng, tự vệ... nhằm trấn áp người dân, tiêu hết số tiền khổng lồ vào đó mà vẫn để hàng loạt thương bệnh binh không có việc làm và đời sống ổn định, để họ phải bôn ba kiếm sống bằng mọi cách khác nhau.
Câu hỏi này, chỉ có một cách trả lời và giải đáp, khi hệ thống chính trị không chỉ lo cho chỗ đứng, vị trí cai trị và vị thế độc tài bảo vệ lợi ích phe nhóm mà lấy đất nước, dân tộc và nhân dân làm trọng.
Bởi, một chế độ mà không biết ơn người đã hy sinh cho đất nước, tổ quốc mình, thì điều tất yếu là sớm muộn cũng sẽ bị diệt vong.
Hà Nội, cuối tháng 7/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh

No comments:

Post a Comment