Friday, July 29, 2016

Những dinh thự ‘ấn tượng’ của quan chức Việt Nam

Căn nhà của ông Võ Kim Cự được xây dựng trên diện tích hàng trăm m2 nằm ngay trung tâm thành phố Hà Tĩnh. (Hình: Báo điện tử Pháp Luật Việt Nam)
Căn nhà của ông Võ Kim Cự được xây dựng trên diện tích hàng trăm m2 nằm ngay trung tâm thành phố Hà Tĩnh. (Hình: Báo điện tử Pháp Luật Việt Nam)
VIỆT NAM (NV) – Những ngày qua, dư luận xôn xao trước hàng loạt tư dinh gây “ấn tượng” từ Tây Nguyên đến Hà Tĩnh của các cán bộ CSVN, thể hiện sự giàu có đến khó tưởng.
Theo mô tả của phóng viên báo điện tử Pháp Luật Việt Nam, kiến trúc căn nhà của ông Võ Kim Cự, cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, có mặt tiền hướng ra quốc lộ 1A, tọa lạc tại khu đất vàng, thuộc khu phố 5, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh, được thiết kế theo phong cách biệt thự cao cấp đặc biệt, màu trắng xám, đẹp kiêu sa, lộng lẫy, cao ba tầng, tường gạch và ngói màu xám rất giá trị.
Một người dân ở đối diện cho biết, căn nhà trên được xây dựng từ trước năm 2010, sau đó thì tiếp tục được cơi nới, tu bổ thêm. Bên ngoài có kiến trúc phương Tây, bên trong có nhiều loại gỗ quý, đá quý giá trị. Ngoài ông Cự, chủ ngôi nhà thỉnh thoảng mới về, và người thân đang ở, quản lý căn nhà, thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập.”
Để mong tìm hiểu rõ hơn bên trong, phóng viên báo điện tử Pháp Luật Việt Nam liên lạc với lãnh đạo chính quyền địa phương, nhưng những vị này luôn né tránh, chưa đưa ra lịch hẹn làm việc cụ thể để có câu trả lời thỏa đáng.
Tư dinh của ông Cự là vậy, nhưng chỉ là “muỗi” so với quần thể “siêu nhà gỗ“của con gái ông Trần Kỳ Rơi (58 tuổi), giám đốc công an kiêm ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy Đắk Lắk, và của ông Trần Ngọc Quang, cựu chủ tịch huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
So với một số căn nhà gỗ của nhiều doanh nghiệp, quan chức và cựu quan chức các địa phương, có thể nói “phủ ông Quang” ở huyện nghèo Ea Súp, khá nổi bật trong huyện. Căn nhà nằm sát bên hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, bất cứ ai đến hạt làm việc cũng thấy.
Tiếp phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Quang cho biết, ông làm căn nhà này mất ba năm và vừa hoàn thành. Hơn 80% thiết kế của biệt thự toàn là từ gỗ quý như căm xe, cẩm chỉ trăm tuổi. Trong nhà, ông Quang còn bày trí nhiều đồ nội thất bằng gỗ, trong đó có bộ bàn ghế rất to, trị giá cả tỷ đồng. Theo ông Quang, có được cơ ngơi này là “nhờ gỗ đã mua từ trước.”
Ngoài nhà ông Quang và rất nhiều nhà gỗ của quan chức có giá trị lớn vào loại hoành tráng của Tây Nguyên, đáng kể nhất là quần thể nhà gỗ của bà Trần Thị Thúy Hằng (27 tuổi), trung úy cảnh sát kinh tế công an tỉnh Đắk Lắk, con gái ông Rơi, tại đường Ymoan, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột.
Theo báo Dân Việt, hiện chủ nhân vẫn đang cho xây dựng thêm, nên chưa ai có thể định được tổng giá trị của khu dinh thự này.
Bên trong khuôn viên, nhiều quần thể nhà gỗ với những cột gỗ “trẻ nhỏ ôm không hết,” vách ngăn được làm từ các loại gỗ quý, được chạm khắc tinh vi. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có những cây gỗ quý cổ thụ trồng làm cảnh, không thể định giá.
Theo dân buôn gỗ, từ ngày thủ tướng CSVN chỉ đạo đóng cửa rừng, gỗ quý ở Tây Nguyên tăng giá đột biến. Trong thời gian tới, quần thể biệt thự gỗ của bà Hằng sẽ trở nên vô giá vì gỗ quý bị siết chặt.

Tuy nhiên, sau khi truyền thông loan tin, gây chú ý dư luận, nói với báo Dân Việt ngày 25 Tháng Bảy, bà Hằng khẳng định, đây là sự nhầm lẫn. Các khu vườn, nhà lân cận mà trước đó báo Dân Việt đăng tải là của những chủ khác, bà hoàn toàn không liên quan. Bà Hằng chỉ sở hữu mảnh đất 4,000 mét vuông, còn toàn bộ tài sản trên đất là của người khác thuê đầu tư. (Tr.N)
29-07-2016

No comments:

Post a Comment