Friday, July 29, 2016

Chất thải của Formosa ở Hà Tĩnh ảnh hưởng hơn 200 ngàn người

RFA 2016-07-29 
000_9Y4WA-622.jpg
Thảm họa quốc gia về ô nhiễm môi trường đã hiển hiện qua sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung. Giới khoa học cho rằng đây là hậu quả của nhiều thập niên phát triển kinh tế bằng mọi giá và xem nhẹ việc hủy hoại môi trường. AFP
Chính phủ Việt Nam cho rằng chất thải mà nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh thừa nhận thải ra biển tác động đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân.
Hãng thông tấn AP loan tin này hôm nay dẫn nguồn từ một báo cáo của chính phủ trình trước quốc hội mà tờ Thanh Niên loan đi.
Theo nguồn tin thì chính phủ Hà Nội cho biết sẽ bắt đầu bồi thường cho người dân vào tháng tới.
Thiệt hại cụ thể do những chất mà Formosa thải ra biển khiến chừng 115 tấn cá chết dạt vào dọc dải bờ biển dài hơn 200 kilomet thuộc 4 tỉnh miền trung hồi tháng tư vừa qua.
Ngoài ra còn có 140 tấn cá và 67 tấn ngao nuôi bị chết.
Một đánh giá sơ bộ về thiệt hại do chất thải Formosa đổ ra biển miền Trung còn cho thấy có 450 héc ta rạn san hô bị hủy hoại từ 40 đến 60%. Một số loài sinh vật biển tại vùng chịu tác động suy giảm đến phân nửa.
Ông bộ trưởng Tài Nguyên - Môi trường, Trần Hồng Hà, trong phát biểu được cho là đầu tiên với tư cách người đứng đầu ngành môi trường Việt Nam trước quốc hội, hôm nay nói rằng sắp đến Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn sẽ có báo cáo trước quốc hội vấn đề tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân tại các vùng chịu tác động.
Ông Trần Hồng Hà báo cáo trước quốc hội là Formosa Hà Tĩnh đến ngày hôm qua 28 tháng 7 đã chuyển 250 triệu đô la tiền bồi thường bước đầu nằm trong số 500 triệu đô la mà tập đoàn này hứa với chính phủ Hà Nội khi thừa nhận xả thải làm cá chết hằng loạt tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên - Huế.
Bộ trưởng Tài Nguyên - Môi trường Việt Nam còn thông báo dự kiến đến khoảng giữa tháng 8 sẽ thông qua hội đồng các nhà khoa học để đánh giá về mức độ hiện nay cùng với giải pháp cụ thể nhằm có thể khắc phục ô nhiễm nếu còn. Ngoài ra hội đồng các nhà khoa học cũng xác định các giải pháp để phục hồi hệ sinh thái môi trường.
Trong khi đó đại biểu Trần Công Thuật, phó bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, một trong 4 tỉnh chịu tác động bởi thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây nên, vào sáng nay phát biểu trước quốc hội là cử tri trong tỉnh ông đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong vụ việc cá chết hằng loạt ở 4 tỉnh miền Trung vào tháng tư vừa qua.
Ông Trần Công Thuật lặp lại đánh giá của cử tri tỉnh Quảng Bình là thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên rất nặng nề, hết sức nghiêm trọng. Thảm họa đó kéo lùi sự phát triển của tỉnh Quảng Bình cả về kinh tế, xã hội. Nó gây ảnh hưởng đến an ninh- trật tự và làm lòng tin của người dân vào nhà nước giảm sút.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Bình lặp lại yêu cầu của cử tri trong tỉnh là phải công khai, minh bạch những gì dân được đền bù, hỗ trợ; xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ việc.
Ông Trần Công Thuật cũng nêu ra tình trạng chất thải Formosa được phát hiện chôn lấp bừa bãi, trái phép tại một số xã; vấn đề này cũng phải được xử lý một cách kiên quyết.
Một số thắc mắc khác mà cử tri tỉnh Quảng Bình nêu ra thông qua đại biểu Trần Công Thuật là khi nào hoạt động đánh bắt gần bờ được thực hiện trở lại, khi nào có thể ăn cá và hải sản nhờ môi trường biển đã an toàn.

No comments:

Post a Comment