Friday, July 29, 2016

Quan chức Việt khó xóa vết chàm Formosa

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-07-29  
vo-kim-cu-622.jpg
Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh, người đưa Dự án Formosa vào Vũng Áng. File photo
Trận bão số 1 của năm 2016 thổi vào miền Bắc gây nhiều thiệt hại, cũng là lúc dư luận Việt Nam đang có một trận bão khác với mắt bão là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh, người đưa Dự án Formosa vào Vũng Áng.

Trách nhiệm của toàn hệ thống

Trong những ngày qua ông Võ Kim Cự đã bị truyền thông báo chí nhà nước vùi dập tàn tệ, dù cha đẻ của dự án Formosa rõ ràng không thể là người đơn thương độc mã trao cho Formosa 3.000 ha đất và mặt nước ở Vũng Áng trong thời hạn 70 năm, để thành lập Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương với vốn đầu tư 10 tỷ USD.
Báo Tuồi Trẻ Online ngày 27/7 dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nói rằng, vụ Formosa, trách nhiệm không chỉ cá nhân ông Võ Kim Cự, ông Cự không phải là người quyết định và một mình ông cũng không thể quyết định cho cả tổ chức, hệ thống, các bộ ngành.
Trước đó vào sáng 25/7 Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đại diện cho cử tri Saigon, từ hành lang Quốc hội đã đề nghị Ủy ban kiểm tra Trung ương xem xét trách nhiệm cụ thể của ông Võ Kim Cự vì những sai phạm ở Formosa. Theo VTC News, LS Trương Trọng Nghĩa nói rằng cơ quan nắm cây roi kỷ luật của Đảng có thể mở điều tra ông Võ Kim Cự giống như cách làm với ông Trịnh Xuân Thanh nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và VTC News, sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng không nên chậm trễ vì có thể gây ra những dư luận bất lợi. Cần làm rõ ông Võ Kim Cự có sai phạm hay không, mức độ sai phạm như thế nào và có ảnh hưởng đến các cương vị hiện tại của ông Võ Kim Cự hay không.
Đây là về công tác quản lý nhà nước, những cán bộ nào liên quan đến quản lý lãnh vực này và quản lý trực tiếp Formosa thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Formosa là chủ thể trực tiếp thôi.
-LS Lê Văn Luân
Ông Võ Kim Cự thôi chức Bí thư, chủ tịch Hà Tĩnh trước thềm Đại hội Đảng 12. Ngày 16/10/2015 Bộ Chính trị đã điều động ông Cự về làm Bí thư Đảng đoàn Liên minh hợp tác xã Việt Nam, sau đó ông Cự tiếp tục trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 và được đưa vào Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Như vậy ông Võ Kim Cự vẫn là lãnh đạo cao nhất ở Hà Tĩnh cho tới giữa tháng 10/2015, ông không thể không biết việc Formosa thiết lập đường ống xả thải ngầm dài 1,5 km dưới đáy biển, cũng như việc Formosa chuẩn bị sản xuất thử. Những sự kiện này giải thích qui kết của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quảng Bình, khi ông cho rằng, ông Võ Kim Cự không thể chối bỏ trách nhiệm cá nhân của mình.
Trao đổi với chúng tôi vào tối ngày 28/7/2016,  Luật sư Lê Văn Luân thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội nói rằng, cần phân biệt hành vi Formosa xả thải chất độc chưa qua xử lý qua đường ống đặt ngầm không thể kiểm soát và trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, người ký giấy phép cho Formosa. LS Lê Văn Luân tiếp lời:
“… Không thể qui được cho ông Võ Kim Cự về hành vi nếu có xả thải độc. Đối với ông Cự là việc thẩm quyền cấp phép giấy đầu tư thôi, về Luật Đầu tư thôi. Còn việc xúc xả là hành vi trực tiếp, truy tố, khởi tố người trực tiếp gây ra những hậu quả nghiêm trọng đó. Và thứ hai là truy tố cả người có liên quan, ở đây là đầu tư và giám sát quản lý vì anh chịu trách nhiệm nên đã xảy ra việc đó. Đây là về công tác quản lý nhà nước, những cán bộ nào liên quan đến quản lý lãnh vực này và quản lý trực tiếp Formosa thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Formosa là chủ thể trực tiếp thôi.”
Báo Người Lao Động, bản tin trên mạng ngày 26/7 dẫn lời LS Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nói rằng, hiện nay vẫn chưa có quy trình nào được khởi động xem xét trách nhiệm của ông Cự liên quan đến Formosa Hà Tĩnh.  Về trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan trong vụ Formosa, LS Trương Trọng Nghĩa dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo kiến nghị của cử tri và nhân dân với Quốc hội tân nhiệm. Theo đó, cần phải xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc cấp phép, quản lý và giám sát Formosa vừa qua.
000_9Y4WA-400.jpg
Một phần nhà máy thép Formosa của Đài Loan tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm 4/12/2015. AFP PHOTO.
Như vậy về phía Chính quyền, ngoài ông Võ Kim Cự là người vận động cho dự án, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn có 14 Bộ trưởng và thuộc cấp cần phải xem xét trách nhiệm, khi cấp tốc phê duyệt để chỉ trong vòng 6 tháng, mà Formosa đã nhận được giấy phép đầu tư 70 năm ngược qui trình. Đó là nói về mặt chính quyền, về mặt Đảng sẽ dính líu tới nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tất cả các Ủy viên Bộ Chính Trị khóa 11.
Nhận định về vấn đề những ai phải chịu trách nhiệm và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất, khi chấp thuận cho Formosa đầu tư vào Vũng Áng với những ưu đãi ngoài sức tưởng tượng, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động dân quyền nguyên Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội phát biểu với RFA:
“Toàn bộ việc cho Formosa vào…quá trình hoạt động ấy hoàn toàn là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng …Ông ấy thực sự phải là một người chịu trách nhiệm cao nhất về cái thảm họa môi trường này, bất luận kể cả việc ông Cự ký sai lẫn ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Hoàng Trung Hải vi phạm pháp luật khi đã làm ngược với pháp luật. Tất cả các quan chức này đều là cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm pháp luật như thế thì người chịu trách nhiệm chính là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng… Nếu ông ấy tỉnh ra… lệnh là phải xử thì cũng giống hệt như ông ấy chỉ thị xử ông Thanh ở Hậu Giang, ông Cự cũng thế, nếu ông ấy quyết thì sẽ xử… khả năng này là ít…”
Theo dõi sát báo chí Việt Nam, có thể thấy rằng nhờ Quốc hội tân nhiệm khởi sự các phiên họp, nên báo chí mới có dịp cạy miệng ông Võ Kim Cự, sau khi Chủ tịch Quốc hội lên tiếng chê trách thái độ trốn chạy báo chí của đương sự. Cũng khá ngạc nhiên khi báo chí nhà nước được kiểm soát chặt bởi Bộ Thông tin Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian trước nhiều thông tin hậu thảm họa cá chết bị gỡ bỏ, nhưng nay lại hợp đồng tác chiến tấn công trực diện ông Võ Kim Cự và báo chí cũng tha hồ để các vị đại biểu Quốc hội thẳng thừng về sự dính líu của toàn hệ thống Chính trị, trong việc cấp phép cho Formosa vào Vũng Áng.

Ông Cự có thể ngồi tù 20 năm

Giả dụ ông Võ Kim Cự bị làm dê tế thần thì ông và các cấp lãnh đạo có lien quan có thể bị truy tố về tội gì. LS Lê Văn Luân trả lời câu hỏi này:
Ông Cự đã làm ngược, nói qui trình thì quan trọng nhất không phải là qui trinh nào mà vấn đề trình tự thủ tục theo luật định. Nếu ông ấy làm sai, sai ở đây là đảo ngược qui trình 50 năm và vượt quá thẩm quyền, ông ấy phê duyệt 70 năm trước khi chính phủ chấp thuận là hoàn toàn sai.
-LS Lê Văn Luân
“Trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó, theo thông tin cung cấp thì ông Cự đã làm ngược, nói qui trình thì quan trọng nhất không phải là qui trinh nào mà vấn đề trình tự thủ tục theo luật định. Nếu ông ấy làm sai, sai ở đây là đảo ngược qui trình 50 năm và vượt quá thẩm quyền, ông ấy phê duyệt 70 năm trước khi chính phủ chấp thuận là hoàn toàn sai. Sau đó được chấp thuận khi xin ngược lại thì đó hoàn toàn là một chuyện khác. Bây giờ gây ra hậu quả thì đó là hậu quả của hành vi sai. Hành vi hợp thức hóa hoàn toàn khác với việc đúng luật, cái đấy ông Cự phải chịu trách nhiệm. Còn quy trình ở đây là mơ hồ chung chung, quy trình là người ta tự đặt ra. Giới luật sư gọi là trình tự thủ tục theo luật định trong đó vấn đề thẩm quyền rất quan trọng, nếu mà đã sai, sai ở đây có thể hiểu là ngược, hoặc đứt đoạn, không chấp hành đúng thì đều là hành đông vi phạm nghiêm trọng. Tất cả những cái đó đều phải bị xét xử  trước pháp luật về tội cố ý làm trái qui định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Theo Luật hình sự về tội cố ý làm trái qui định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, điều 165 khoản 3 qui định phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. Khoản 4 ghi rõ, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.
Như vậy ông Võ Kim Cự và các cấp thẩm quyền cao hơn ở Trung Ương bị chi phối bởi điều luật vừa nêu. Bởi vì phần trách nhiệm về thẩm quyền quản lý nhà nước trong vụ Formosa gây thiệt hại tới mức độ không thể tính được thành tiền.
LS Lê Văn Luân tiếp lời:
“Như ông Trần Hồng Hà nói, dự án này không đơn giản là một dự án kinh tế mà liên quan ảnh hưởng cả an ninh quốc phòng. Thế thì chuyện này là vội vàng xảy ra từ thời điểm trước, chính phủ trước, bắt đầu từ năm 2008 thời ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó có một loạt dự án khác đưa về chứ không chỉ có Formosa. Cái này là vội vàng mà bây giờ gây ra hậu quả tiền lệ chưa từng có. Đúng là nó ảnh hưởng đến cả an ninh quốc gia.”
Luật sư Lê Văn Luân nói với chúng tôi, qua vụ Formosa để lấy lại niềm tin của nhân dân thì chính quyền Việt Nam phải thượng tôn pháp luật, đây là mục tiêu của bất cứ quốc gia nào kể cả nhà nước Việt Nam. Đương nhiên phải sử dụng pháp luật để điều chỉnh xã hội và không nhân nhượng với bất kỳ ai, đặc biệt là quan chức, bởi vì quan chức mới là người có cơ hội, có quyền lực có khả năng để tham nhũng, để lạm dụng những kẽ hở.
Cho tới ngày 28/7/2016, chính quyền Việt Nam chưa truy tố Formosa ra tòa, cũng chưa có quy trình xem xét trách nhiệm quản lý của ông Võ Kim Cự và các giới chức có lien quan ở Trung uơng cũng như địa phương.

No comments:

Post a Comment