Friday, July 29, 2016

Mối nguy từ những nhà hàng nổi

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2016-07-29
nhahangnoibenhotayhanoi.jpg
Nhà hàng nổi bên Hồ Tây Hà Nội, ảnh chụp hôm tháng 3 năm 2016. RFA photo
Trong kỹ nghệ du lịch Việt Nam hiện tại, những chiếc thuyền vốn dùng để chở cát, sạn và vật liệu xây dựng được độ thành tàu du lịch được dân trong nghề gọi là thuyền chuyển giới.
Song song với số lượng phát triển chóng mặt của thuyền chuyển giới là các nhà hàng nổi. Cho đến thời điểm hiện tại, thuyền chuyển giới và nhà hàng nổi ngầm chứa mối nguy chết người bởi tính năng hoàn toàn phi lý của nó. Những vụ lật nhà hàng nổi và chìm thuyền chuyển giới trong thời gian gần đây khiến người ta phải suy nghĩ về mối nguy hiểm của nó.
Tàu thuyền chuyển giới
Hiện tại, tuy chưa có con số thống kê của ngành du lịch Việt Nam về số lượng thuyền chuyển giới tham gia vận chuyển khách du lịch nhưng theo quan sát thực tế của chúng tôi, tỉ lệ thuyền chuyển giới ở các khu du lịch trên khắp đất nước khá cao, có thể vượt mức 50% số lượng tàu thuyền du lịch đang có. Vậy thuyền chuyển giới được hình thành và hoạt động như thế nào? Chia sẻ của ông Thung, một chủ thuyền chuyển giới tại Đà Nẵng:
“Bản thân thuyền độ thì chắc chắn tính năng phải khác hẳn thuyền du lịch rồi. Nhưng bây giờ người ta độ lại để chở khách nhiều lắm. Độ từ thuyền đánh cá, tàu đánh cá, tàu thuyền chở cát. Nói chung thì chẳng ai dám cấp phép cho loại thuyền này nhưng mà biết chung chi thì có thể hoạt động được. Thực ra chẳng ảnh hưởng chi hết. Từ tàu cá, người ta làm một sàn giống như lầu rồi cho ghế lên trên để chở khách. Mức độ an toàn thì tàu này không an toàn bởi cái be của nó nhỏ, chỉ phù hợp với chở cát, chìm đáy đằng này khách thì đòi hỏi be rộng để phù hợp nổi…”.
Tàu đánh cá người ta sơn sửa lại, đóng thêm mui bỏ ghế để chở khách. Bây giờ bị cấm cũng nhiều rồi. Chiếc nào chưa bị cấm thì chạy trên sông chứ không cho ra biển nữa đâu…
- Bà Ngọc
Ông Thung chia sẻ thêm rằng hiện tại, có ba hạng tàu du lịch mà ông có thể nhìn thấy rõ tại Việt Nam, đó là tàu du lịch của tư nhân, các đại gia, quan chức nhiều của lắm tiền sắm những chiếc tàu du lịch hạng sang, đầy đủ hệ thống cứu hộ, báo động và độ an toàn rất cao. Những tàu du lịch hàng sang này không tham gia vận chuyển khách du lịch. Tiếp đến là tàu du lịch của các khách sạn cao cấp, họ tự sắm tàu để đưa khách đi du lịch, những tàu này khá an toàn. Những tàu du lịch khác thì chủ yếu là của tư nhân mua tàu, thuyền chở cát về độ lại thành tàu du lịch và sau đó đăng ký lưu thông, đóng cổ phần hoặc đặt tiền cược với các tổ hợp du lịch theo mô hình hợp tác xã để hoạt động ăn chia.
Loại tàu, thuyền du lịch độ từ tàu thuyền vận tải xuất hiện khá nhiều bởi giá đầu tư của nó thấp có thể bằng 10% giá của một tàu du lịch đúng nghĩa, còn gọi là hàng hiệu. Mà trong môi trường kinh doanh du lịch hiện tại quá khốc liệt, nếu chủ tàu chọn mua một tàu chuyên dụng để chở khách du lịch thì chắc chắn là thua lỗ. Chọn giải pháp mua tàu chuyển giới là giải pháp chung của những chủ tàu du lịch hiện tại.
Bà Ngọc, chủ một tàu du lịch chuyển giới khác ở Đà Nẵng, chia sẻ thêm: “Nói chung cũng không độ gì bao nhiêu đâu. Tàu đánh cá người ta sơn sửa lại, đóng thêm mui bỏ ghế để chở khách. Bây giờ bị cấm cũng nhiều rồi. Chiếc nào chưa bị cấm thì chạy trên sông chứ không cho ra biển nữa đâu…”.
Theo Bà Ngọc, nếu mua một tàu du lịch hàng hiệu để kinh doanh du lịch theo mô hình hợp tác xã thì chắc chắn bà sẽ không đầu tư vì số tiền quá cao. Một chiếc tàu du lịch cùng hạng, nếu mua tại châu Âu hoặc Mỹ chỉ có giá chưa bằng nửa so với mua tại Việt Nam, mức thuế nhập khẩu quá cao, trong khi đó nó không hứa hẹn lợi nhuận cao nên ít tai dám chọn phương án này.
Giải pháp mua tàu thuyền chuyển giới để làm du lịch vẫn là giải pháp chung của dân kinh doanh tàu thuyền du lịch. Và loại tàu chuyển giới có một điểm yếu rất cơ bản so với tàu du lịch chuyên dụng là khả năng lật của nó rất cao. Bởi nó chỉ dùng để chở cát, sạn, hàng hóa, độ rẽ nước của nó tốt nhưng khả năng thăng bằng của nó thì không bằng tàu du lịch chuyên dụng. Cho dù có độ cỡ nào thì loại tàu chuyển giới cũng không thể an toàn bằng tàu chuyên dụng. Nhưng bù vào đó, mức độ đốt nhiên liệu của tàu chuyển giới lại thấp hơn tàu chuyên dụng bởi khả năng rẽ nước rất tốt của nó. Chính vì tính năng tiết kiệm nhiên liệu cao của tàu chuyển giới mà đa phần người ta chọn nó để kinh doanh.
Nhà hàng nổi
cancanhmotchiecthuyenchuyengioi.jpg
Cận cảnh một chiếc thuyền chuyển giới. RFA photo
Về vấn đề nhà hàng nổi, số lượng nhà hàng mọc lên trên các đầm, phá, bến sông, bờ hồ với tốc độ chóng mặt. Chỉ riêng hồ Tây, Hà Nội đã có đến 10 nhà hàng nổi, trong đó có cả một quần thể nhà hàng nổi mọc lên ngay gần công viên Lý Tự Trọng và vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Quá trình xây dựng nhà hàng nổi cũng không có giám sát mức độ an toàn từ phía nhà nước vì đây là một loại hình kinh doanh chui, dựa vào thế lực gia đình, dòng tộc là chủ yếu chứ không có cơ quan nào dám cấp phép xây dựng nên cũng chẳng có ai đứng ra giám sát xây dựng.
Một cán bộ quản lý du lịch tại Hà Nội, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Cái cấu trúc nhà hàng nổi thì nó không an toàn. Hệ thống phao nổi không cho cảm giác an toàn đầu. Người ta giấu vào bên trong bè nên không thể nhìn thấy được. Nó hàn các thùng phuy vào dưới đó. Cũng có nơi dùng vật thể của cầu phao để hàn xuống bên dưới nhà hàng. Nói chung thì không thể an toàn được”.
Vị này cho rằng chính sự bất minh của những nhà hàng nổi đã khiến cho nó thiếu an toàn. Bởi không được cấp phép xây dựng, cũng không đuộc giám sát an toàn, không có bất kì tiêu chuẩn nào trong xây dựng để đảm bảo an toàn cho khách thì không thể nói dài hơn được về tính an toàn của nó. Và đáng sợ nhất là những nhà hàng có thời hạn sử dụng trên một năm, bởi các phao nổi của nhà hàng chủ yếu làm bằng thùng phuy sắt, hàn kín mối để giữ hơi tạo nổi. Qua thời gian, những thùng phuy này hoen gỉ, khó mà lường được mức độ nguy hiểm khi số lượng khách bên trên đông đột xuất và dòng nước bên dưới có biến động.
Cái cấu trúc nhà hàng nổi thì nó không an toàn...Người ta giấu vào bên trong bè nên không thể nhìn thấy được.
- Một cán bộ tại Hà Nội
Gần đây, người ta dùng các phuy nhựa, phao nhựa để làm phao cho nhà hàng nổi. Nhưng các phao nhựa, phuy nhựa này hoàn toàn không có tính chịu lực bởi nó không phải là phao chuyên dụng làm đế nhà hàng. Chính vì vậy, khi lượng khách đông đột ngột cũng sẽ nguy hiểm, nguy cơ lật nhà hàng sẽ rất cao.
Anh Tiệm, sống ở Hải Phòng, là thợ chuyên gia cố và độ các thùng phuy sắt làm phao bán cho các nhà hàng nổi, chia sẻ là anh không dám tin tưởng về mức độ an toàn của các nhà hàng nổi có thời hạn sử dụng trên một năm. Bởi lẽ, kim loại gặp nước lâu ngày sẽ hoen gỉ, hư hỏng, khả năng chứa khí sẽ mất và khả năng nổi cũng không còn. Chính vì vậy, muốn an toàn, người ta phải thay phao hoặc gia cố cho nó hằng năm. Tuy nhiên, từ lúc làm các nhà hàng nổi cho khách đến nay đã hơn mười năm, số lượng nhà hàng mà anh bán phao có thể lên đến hàng trăm. Nhưng chưa có nhà hàng nào gia cố phao cả. Anh cho rằng đó là một mối nguy hiểm tiềm tàng.
Việt Nam là nước chọn du lịch làm mũi nhọn kinh tế. Trong khi đó, mọi thứ dịch vụ du lịch tại Việt Nam đều thiểu hẳn sự an toàn cũng như bề dày văn hóa của nó. Như vậy, thật là khó nói khi bàn về vấn đề du lịch sông nước tại Việt Nam hiện nay. Mỗi ngày, thông tin về các vụ lật nhà hàng nổi hay chìm tàu thuyền du lịch gây chết người càng gia tăng. Điều này không phải không có nguyên nhân và lý do.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/the-risky-of-floating-restaurants-ttvn-07292016143418.html/07292016-ttvn.mp3

No comments:

Post a Comment