Tuesday, July 26, 2016

Tai nạn chực chờ bên ‘cầu tử thần’ giữa lòng Hà Nội

Trụ cầu ở giữa sông đã bị xô lệch khiến cây cầu nghiêng về một bên. (Hình: báo Lao Ðộng)
HÀ NỘI (NV) – Cầu hư hỏng gần 10 năm, nhiều người qua cầu té ngã bị thương tích, rớt xuống sông nhưng vẫn phải liều mình qua lại vì đây là con đường chính, ấy vậy mà chính quyền vẫn không sửa chữa.
Ðó là cầu Ðồng Hoàng, bắc qua sông Ðáy, dài 50 mét, nối liền 2 tổ dân phố số 18 và 15 của phường Ðồng Mai, quận Hà Ðông. Ðây là con đường chính và nhanh nhất để vào trung tâm phường và tỏa đi các nơi. Song, hiện cây cầu đang hư hỏng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của hàng ngàn người dân địa phương.
Theo mô tả của phóng viên báo Lao Ðộng, ngày 26 tháng 7, hiện trụ cầu ở giữa sông đã bị xô lệch khiến cây cầu nghiêng về một bên. Những thanh sắt trên thành cầu bị gãy, bong ra khỏi trụ nhưng không được thay thế, tạo ra những khoảng trống, nhiều đoạn được người dân lấy tre buộc tạm.
Trên mặt cầu và dầm cầu nhiều chỗ đã hoen rỉ, đứng trên cầu có thể nhìn xuyên xuống dưới lòng sông. Bèo khô bám đầy vào trụ cầu và ngay cả lan can. Chưa hết, những dầm cầu bằng sắt bên dưới cũng đang hoen rỉ nghiêm trọng. Các mố, trụ ở hai đầu cầu được xây bằng gạch bị nứt toác đầy “vết chân chim.” Mỗi lần có xe đi qua là cây cầu rung lên bần bật.
Một người dân bị té gãy chân khi qua “cầu tử thần.” (Hình: báo Lao Ðộng)
Một người dân bị té gãy chân khi qua “cầu tử thần.” (Hình: báo Lao Ðộng)
Ông Ðặng Văn Quân (41 tuổi), tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố 18 với khoảng hơn 1,000 người cho biết, cây cầu này được xây dựng cách đây khoảng một thế kỷ. “Ngày trước, cây cầu được làm hoàn toàn bằng tre. Khoảng năm 2010, cây cầu bị sập và được chính quyền cơi nới, sửa sang lại bằng sắt. Tuy nhiên, do cây cầu là tuyến giao thông huyết mạch, nếu không đi, người dân phải đi vòng qua cầu Mai Lĩnh, cách đây 10 cây số mới sang được bờ bên kia. Do vậy lưu lượng xe cộ đông nên cầu hư hỏng nhanh chóng,” ông Quân nói.
Theo người dân nơi đây, lòng cầu chỉ rộng hơn 1 mét, thông thường bên này cầu đi thì bên kia đứng lại. Vào mùa mưa bão, cây cầu bị ngập hoàn toàn, trẻ em phải nghỉ học, người lớn thì nghỉ làm.
Ðặc biệt, rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trên cây cầu. Nhiều người bị ngã xe gãy răng, gãy chân, tay… Có người thì phi cả xe xuống dưới lòng sông ướt sũng nhưng may mắn thoát khỏi miệng hà bá. Ðể khắc phục người dân dung tre, nứa buộc tạm vào cầu.
Tin cho biết, sau nhiều lần người dân kiến nghị, đầu tháng 3 năm 2016, chính quyền đã cho cắm biển cảnh báo “Cầu sắp sập,” nhưng không sửa chữa hay làm mới nên người dân vẫn liều mình qua lại cầu trong sự chực chờ của tử thần. (Tr.N)
26-07-2016

No comments:

Post a Comment