Ông VŨ Tiến Lộc. Ảnh: motthegioi.vn
Sáng 26-7, bày tỏ sự thất vọng khi chương trình xây dựng pháp luật năm 2016 – 2017 mà Ủy ban thường vụ Quốc hội CSVN trình ra đã không có nội dung sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- nói rằng việc thực hiện các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh hiện nay đang quá nhiều điều vô lý.
Ông Vũ Tiến Lộc cho hay hiện nhiều quy định của các luật của CSVN về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng “ông chằng bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ, không tương thích, thiếu liên kết...
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng Luật Nhà Ở không thống nhất với Luật Đất Đai, Luật Doanh nghiệp. Rồi Luật Đầu Tư, Luật Doanh Nghiệp được thiết kế theo phương án chọn bỏ, trong khi Luật Chuyên Ngành lại làm theo cách chọn cho nên khác nhau. Luật Đầu Tư quy định bộ ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, nhưng luật chuyên ngành lại vẫn giao việc này cho bộ ngành…
Ông Lộc chia sẻ thêm, trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, cộng đồng kinh doanh, các cơ quan chức năng đã thống nhất phải bãi bỏ ít nhất 70 ngành nghề, và 10 ngành nghề khác phải được điều chỉnh cho phù hợp vì không thực sự cần thiết, không hội đủ các điều kiện theo quy định của Hiến pháp do chính CSVN đưa ra.
“Hiện nay môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phi kinh doanh cao, cả chi phí chính thức và phi chính thức, buộc các doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để khởi nghiệp thay vì trong nước”, ông Lộc nói.
Ông Lộc bức bối luật không rõ mục tiêu quản lý và thiếu tính khả thi. Nhưng chính phủ CSVN vẫn cứ phải thể chế hóa bằng các nghị định, chỉ bởi vì luật đã quy định như vậy.
Theo tổng hợp của VCCI, có khoảng 37 luật về đầu tư kinh doanh cần phải được sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp và để tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật chuyên ngành gồm có: Luật Thương Mại, Luật Đầu Tư, Luật Doanh Nghiệp, Luật Đất Đai, Luật Xây Dựng, Luật Bảo Vệ Môi Trường, Luật Khoa Học Công Nghệ, Luật Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp, Luật Thuế Giá Trị Gia Tăng, Luật Thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt, Luật Quản Lý Thuế, Luật Quản Lý, Sử Dụng Vốn Nhà Nước Đầu Tư Vào Sản Xuất Kinh Doanh, Luật Quảng Cáo, Luật Nhà Ở…
07/26/2016 - 09:08
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment