Tuesday, July 26, 2016

Chủ trương, lịch làm việc của Quốc hội có gì thay đổi?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-07-26  
000_Hkg10109896-622.jpg
 Một phiên họp của Quốc hội Việt Nam trước đây, ảnh minh họa. AFP
Quốc hội khóa 14 đã khai mạc trong không khí nặng nề của Formosa và phán quyết PCA đè nặng lên vai trò của các tân đại biểu. Người dân chờ đợi những cuộc thảo luận cập nhật những vấn đề vừa nói nhưng những câu trả lời báo chí của bà chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm dư luận tranh cãi gay gắt vì cho rằng không thích hợp với vai trò của người lãnh đạo tổ chức cao nhất nước. Mặc Lâm phỏng vấn GS Nguyễn Minh Thuyết hai lần đại biểu Quốc hội để biết ý kiến của ông về vấn đề này.

Chẳng có gì thay đổi?

Mặc Lâm: Thưa GS là một cựu đại biểu Quốc hội hai khóa liền xin ông cho biết nhận xét về các tân đại biểu khóa này cũng như vai trò của bà Chủ Tịch Nguyễn Thị Kim Ngân?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Quốc hội hiện nay là một người có năng lực. Tuy nhiên vị chủ tịch nào khi mới nhậm chức đều có hứa hẹn cả. Họ hứa hẹn những điều người dân rất mong muốn nhưng đạt được lời hứa hay không thì lại là câu chuyện khác.
Tôi nghĩ là việc Quốc hội bầu ông Võ Kim Cự làm thành viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội là việc làm nó chỉ xuất phát từ hình thức thôi vì ông Võ Kim Cự hiện nay là chủ tịch Liên minh Hợp tác xã cả Việt Nam.
-GS Nguyễn Minh Thuyết
Về các đại biểu Quốc hội thì tôi thấy Quốc hội khóa 14 cũng mới được nhóm họp thôi và có những gương mặt quen thuộc được người dân tín nhiệm như ông luật sư Trương Trọng Nghĩa của thành phố Hồ Chí Minh, hay ông Dương Trung Quốc và một số người khác. Qua một vài ý kiến phát biểu của các đại biểu thì tôi thấy họ cũng thẳng thắn nêu lên được những gì mà người dân quan tâm. Đó cũng là những vấn đề mà người dân hiện nay nóng lòng muốn được biết ý kiến của Quốc hội thông qua đại biểu Quốc hội ví dụ như thảm họa môi trường ở miền Trung do công ty Formosa gây ra. Các đại biểu Quốc hội cũng đòi hỏi phải kiểm tra sâu sát hơn nữa, phải xác định trách nhiệm những người về phía Việt Nam đã tạo điều kiện cho Formosa phá hủy môi trường của Việt Nam như vậy.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng về phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế PCA về Biển Đông trong đó bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc. Tôi thấy những bước đầu như thế rất đáng khích lệ.
Mặc Lâm: Căn cứ theo những gì GS vừa nói thì Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã nhắc lại vấn đề Formosa rất mạnh mẽ và yêu cầu Quốc hội có quan tâm đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên vài ngày trước đây thì Ủy ban Thường Vụ đã đề cử ông Võ Kim Cự vào chức vụ thành viên của Ban Kinh tế. Ông Cự là người đang bị báo chí cho rằng chủ chốt trong việc cho Formosa thuê 70 năm cũng như ký những hợp đồng cho công ty này hoạt động. Theo GS thì việc đề cử này có thể làm hại tới việc điều tra mà quôc hội sẽ phải làm về Formosa hay không?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Vâng, tôi nghĩ là việc Quốc hội bầu ông Võ Kim Cự làm thành viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội là việc làm nó chỉ xuất phát từ hình thức thôi vì ông Võ Kim Cự hiện nay là chủ tịch Liên minh Hợp tác xã cả Việt Nam. Ông ấy vào Ủy ban kinh tế với tư cách là người đại diện cho tiếng nói của Liên minh HTX Việt Nam thôi.
Tuy nhiên nếu xét về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong vụ Formosa thì tôi thấy rằng không nên đưa một người như thế vào Ủy ban kinh tế của Quốc hội.

Những vấn đề thường né tránh tại nghị trường?

000_DD9N5-622.jpg
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại kỳ họp đầu tiên quốc hội khóa 14 hôm 20/7/2016.
Mặc Lâm: Về vấn đề Biển Đông xin bỏ qua một bên về những ý kiến có vẻ không được phù hợp lắm của bà Kim Ngân về chuyện gây rối và hỏi người phản biện có làm gì cho đất nước chưa, xin GS cho biết khi ông còn làm việc tại Quốc hội thì nguyên do nào Nghị Quyết Biển Đông luôn bị trì hoãn, nếu không muốn nói là né tránh tại nghị trường?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng nếu xét về nguyện vọng của người dân thì hiện nay họ mong muốn Chính phủ, Quốc hội Việt Nam ra những tuyên bố về phán quyết của Tòa trọng tài PCA về Biển Đông nhưng nói thật, tôi không có kỳ vọng vào khả năng đó. Tôi chỉ mong vào một điều ít hơn, tức là trong nghị quyết của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội thì sẽ có những đoạn nói về phán quyết của Tòa PCA về Biển Đông. Ngay cả mong muốn này dù ít ỏi, rất khiêm tốn theo cách nói của Việt Nam như thế thì tôi vẫn nghĩ rất khó thành hiện thực bởi vì chúng ta thấy phản ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông nói chung cũng như phán quyết của Tòa quốc tế vừa qua có lẽ nó có chỉ dấu cho thấy chắc là khó có thể ra một nghị quyết như thế.
Mặc Lâm: Vâng, thưa GS còn một luật nữa bị ách tắc quá lâu đó là Luật Biểu tình. Trong thời gian GS còn làm việc thì chúng tôi nhớ đã có tranh cãi nên thông qua Luật Biểu tình hay chưa nhưng cuối cùng vẫn chưa đạt được luật Biểu tình. Khi được báo chí hỏi về Luật này thì bà Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải cẩn thận vì nếu thông qua mà gây bất ổn chính trị thì không nên. Vấn đề này được ông đánh giá ra sao?
Qua phát biểu của Chủ tịch Quốc hội và qua phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm khai mạc Quốc hội thì tôi thấy triển vọng thông qua được luật Biểu tình trong một vài năm tới là rất khó.
-GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết: Luật Biểu tình đã được chính phủ giao cho Bộ Công an và một số Bộ đứng ra soạn thảo. Tôi cũng là một trong những người được tham gia góp ý cho bản thảo ấy. Tôi thấy về cơ bản thì bản thảo ấy tốt, nó phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và nó cũng đảm bảo an ninh trật tự như mong muốn của chính quyền. Thế nhưng không hiểu vì sao cái luật này cứ bị hoãn mãi. Nhiều cử tri hy vọng trong khóa mới này, ngay trong năm đầu tiên hay cùng lắm là năm thứ hai thì Luật Biểu tình sẽ được Quốc hội thông qua.
Bời vì đó cũng là quy định của Hiến pháp mà Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội. . . và những quyền này phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Hiến pháp đã quy định như vậy thì phải có luật, nếu không thì đã làm không đúng hiến pháp.
Qua phát biểu của Chủ tịch Quốc hội và qua phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm khai mạc Quốc hội thì tôi thấy triển vọng thông qua được luật Biểu tình trong một vài năm tới là rất khó.
Bởi vì ngay trong phát biểu thì ông Tổng bí thư cũng nói phải cảnh giác với âm mưu của thế lực thù địch chống phá Việt Nam, đặc biệt ông lưu ý Quốc hội rằng các thế lực thù địch có thể lợi dụng việc thay đổi pháp luật để tác động xấu vào thể chế. Tôi nghĩ rằng đây có cả sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam rồi cho nên có thể nói chắc là Quốc hội sẽ còn nợ Luật Biểu tình này còn lâu.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

No comments:

Post a Comment