Tuesday, June 21, 2016

Xử lý sai phạm tại Công ty Tân Quang Cường, các cơ quan chức năng liệu có vô can?

Photo: N.Nam
Mẹ Nấm (Danlambao) - Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường khai thác quặng titan tại khu vực Nam Suối Nhum (Bình Thuận) theo Giấy phép khai thác số 1019/GP-BTNMT do Bộ TN&MT cấp.

Ngày 16/6/2016, sự cố vỡ hồ chứa nước trong khu mỏ titan-zircon Nam Suối Nhum của công ty nằm trên địa bàn xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) khiến khu sân vườn, nhà ở, quán ăn của người dân trong khu vực và gần 300m đường ĐT 719 bị vùi lấp.

Báo chí vào cuộc và chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác titan của công ty này.

Kết quả Bộ TNMT đình chỉ hoạt động khai thác 3 tháng đối với công ty TNHH Tân Quang Cường.

Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1019/GP-BTNMT ngày 27-4-2015 do Bộ TNMT cấp, khu vực được Cty Tân Quang Cường được khai thác với diện tích 515ha. Thời hạn khai thác đến năm 2038.

Trên thực tế, Công ty này không có bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định tiền cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi lập hồ sơ xin thuê đất. Đặc biệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án và lập hồ sơ xin thuê đất chưa được thực hiện.

Ở thời điểm kiểm tra sau sự cố, ba vị trí đã được công ty này khai thác với tổng diện tích khoảng 6 héc-ta, vị trí các moong khai thác phù hợp với thiết kế mỏ đã duyệt và đều nằm trong diện tích khu vực được phép khai thác.

Vấn đề đặt ra ở đây, ai tiếp tay cho các sai phạm cơ bản tại công ty này?

Với thời hạn 3 tháng đình chỉ mà Bộ TNMT đặt ra liệu Công ty Tân Quang Cường có đủ thời gian để “chạy” được Giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức do chính Bộ TNMT phê duyệt. Và quan trọng nhất có “chạy” được giấy phép thuê đất để khai thác khoáng sản hay không?

Khi báo chí hăng hái chỉ ra hàng loạt sai phạm cơ bản tại công ty Tân Quang Cường, người đọc hoàn toàn có quyền hỏi: Các cơ quan chức năng đã ở đâu trong suốt thời gian ấy? Tại sao một dự án lớn với các hoạt động ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân lại bị xem nhẹ khâu đánh giá tác động, bảo vệ môi trường? Và lẽ nào chỉ đợi đến khi sự cố xảy ra thì các cơ quan chức năng mới hò nhau đi bảo vệ môi trường?

Doanh nghiệp sai phạm là lẽ đương nhiên, nhưng ai tiếp tay và làm ngơ trước các sai phạm ấy để hậu quả nghiêm trọng xảy ra?

Đừng để sự cố xảy ra, ảnh hưởng thiệt hại đến nhân dân thì mới rủ nhau đi khắc phục và sửa sai trên lưng họ.

Đừng cấp giấy phép vô tội vạ rồi vội vã thu hồi khi sai phạm xảy ra.

Các cơ quan chức năng không thể vô can trong sự cố vỡ hồ chứa chất thải titan tại Bình Thuận.

Ai sẽ xử lý những sai phạm mang tính hệ thống này?

22.6.2016

Mẹ Nấm
danlambaovn.blogspot.com

No comments:

Post a Comment