Monday, June 27, 2016

Việt Nam đang ‘nhập cảng ô nhiễm’

HÀ NỘI (NV) Những con số mà Trung Tâm Thiên Nhiên Con Người công bố mới đây về mặt trái của thu hút FDI và hậu quả ô nhiễm môi trường Việt Nam phải gánh chịu khó mà đong đếm.

Báo Diễn Ðàn Doanh Nghiệp dẫn phúc trình của Trung Tâm Thiên Nhiên Con Người (PanNature), tại hội thảo thương mại tự do “Dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam” do trung tâm này tổ chức tại Hà Nội ngày 26 tháng 6, cho biết, hiện nay 67% doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (Foreign Direct Investment) hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất có giá trị thấp.


Khai thác đất trái phép tại xóm Hạnh, xã Ðông Nam, huyện Ðông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Hình: báo Ðời Sống và Pháp Luật)

Theo bà Trần Thanh Thủy, Phòng Nghiên Cứu Chính Sách, PanNature, một nghiên cứu mới đây cho thấy, 80% khu công nghiệp ở Việt Nam vi phạm quy định về môi trường; 23% DN FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Về chi phí đầu tư cho môi trường, 68% DN FDI cho rằng, đầu tư ở Việt Nam sẽ tiết kiệm được từ 10-15%, thậm chí 12% cho rằng sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí so với đầu tư ở nước mẹ.

Ông Bùi Cách Tuyến, cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên cho rằng, rất nhiều dự án FDI đều giống nhau ở một điểm quan trọng là hướng đến việc khai thác tài nguyên giá rẻ của Việt Nam. Tài nguyên này có thể là đất, là nước, là môi trường... tất cả đều với chi phí quá thấp.

“Xu hướng xuất cảng ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập cảng ô nhiễm cao,” ông Tuyến cảnh báo.

Trong khi đó, ông Lê Ðăng Doanh, chuyên gia kinh tế dẫn chứng: “Thậm chí, để thu hút đầu tư nước ngoài vào, các tỉnh cạnh tranh đua nhau miễn tiền thuê đất, chi phí tài nguyên rừng, biển...,” ông Lê Ðăng Doanh, chuyên gia kinh tế dẫn chứng.

“Các nhà đầu tư nước ngoài xuất cảng ô nhiễm vào Việt Nam, đưa sang Việt Nam công nghiệp luyện kim, xi măng, dệt nhuộm lạc hậu. Trong khi, Ðài Loan không có nhà máy xi măng hoặc núi vẫn còn y nguyên, thì núi tại Việt Nam không những bị cạo trọc, lâu lâu còn biến mất do khai thác đá, sản xuất xi măng,” ông Doanh cho biết thêm.

Tương tự, ông Ðỗ Thanh Bái, Viện Hóa Học Việt Nam cũng nhận xét, trong làn sóng đầu tư mạnh của các doanh nghiệp FDI như hiện nay, Việt Nam chưa nhìn nhận hết khả năng ô nhiễm, vẫn tiếp nhận chất thải trong công nghiệp, trong khi năng lực tiếp nhận của môi trường đã chạm mức cao nhất. (Tr.N)

 27-06-2016 3:28:39 PM 

No comments:

Post a Comment