Monday, June 27, 2016

Im lặng sau cá chết hàng loạt: bình yên hay sự giả tạo?

Phong Linh (VNTB) Sau những cuộc tuần hành rầm rộ vào cuối tháng tư, rải rác đến tháng năm và tháng sáu, giờ đây, các phố phường Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh khác có dấu hiệu “bình yên” hơn. Người ta không còn đổ xô ra ngoài đường để yêu cầu minh bạch - “Vì sao cá chết?”, cũng không còn rầm rộ đưa tin bài phẫn nộ trên Facebook về tình trạng người tuần hành bị đánh đập, giam giữ tại các đồn. Người dân có vẻ bớt “kích động” hơn, và dường như đã trở lại cuộc sống hối hả thường ngày. 

Nhưng trước sự bình yên này, liệu có cần đặt ra câu hỏi: Bình yên này thực hay hư?



Người Việt khi được hỏi, không ai là không biết đến thảm họa cá chết trắng các tỉnh miền Trung, và hỏi ngư dân, họ đều cho rằng hiện tượng không hề bình thường chút nào trong cả mấy đời làm ngư. Bao nhiêu năm ròng, cái nắng có chói chang đến đâu, biển có lạnh, có dậy sóng, thiên tai đến chừng nào, thì đại dương cũng không bạc mà hất lên bờ lượng cá chết khổng lồ đến vậy. 

Biển vốn không bình thường, nhưng ngay cả các nhà chức trách Việt Nam cũng không bình thường nốt. Kể từ ngày “cá chết vì không biết bơi”, công tác xử lý và minh bạch thông tin cá chết diễn ra cực kỳ chậm chạp, thậm chí thông tin bị hạn chế gắt gao trên mặt báo nhà nước. Trong khi đó, hiện tượng cá chết lại được chia sẻ liên tục và rầm rộ bởi các tài khoản Facebook cá nhân cũng như các trang báo tư nhân. 

Nguyên do vì đâu mà các bộ ngành không thể tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng, gấp rút tìm ra nguyên nhân cá chết? 

Nguyên do vì đâu mà chính quyền liên tục phủ bỏ lời kêu gọi hỗ trợ từ Liên Hiệp Quốc và Mỹ trong điều tra nguyên nhân cá chết?

Nguyên do vì đâu mà không có một thông tin nào về cá được khai thác và cung cấp cho người dân cả nước cùng biết thực trạng?

Chỉ biết, với năng lực điều tra của mình, chính quyền đã hơn 80 ngày không trình rõ nguyên nhân, hơn 20 ngày phản biện chưa ra được kết quả.


Một biếm họa trên mạng internet
Chỉ biết, đến giờ, vấn đề cá chết nó vẫn luẩn quẩn, tối mịt mờ với câu tuyên bố “đầy biện chứng” của ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó”.

Trong khi cá vẫn dạt bờ, lòng dân “vẫn bình yên” theo cái cách tin tưởng vào sự xử lý của Đảng và Chính phủ mà báo Nhân Dân, QĐND thường hay tự hào nhắc đến.

Có thể bình yên đó xuất phát từ một bộ phận tin tưởng vào lời hứa của “quan phụ mẫu” - “sẽ có câu trả lời trong tháng sáu”. Cũng có thể, họ bị bắt buộc phải bình yên, khi nhận thấy sự an toàn & tính mạng của họ sẽ bị đe dọa nếu cứ tiếp tục bày tỏ nguyện vọng được biết nguyên nhân cá chết, bằng việc xuống đường, hay lên tiếng trên các trang tin xã hội.

Vì rằng, khi lên tiếng, ngoài những tiếng nói ủng hộ, quan ngại chung của cộng đồng, điều mà họ nhận được còn là những lời phán xét: “lên tiếng cũng có được gì đâu?”, “phản động à?” “Việt Tân cho mày bao nhiêu tiền?” hay thậm chí, nếu có sức ảnh hưởng lớn hơn, họ còn được cử người bảo vệ nghiêm ngặt từ các ngõ hẻm. 

Nhưng “sự bình yên” đến từ vũ lực và các biện pháp ngăn cấm, che giấu thông tin liệu và sự vô cảm đó có phải là “bình yên” thực sự?

Hay mọi thứ chỉ là sự bình yên giả tạo của một xã hội được điều hành bởi nhóm nhà lãnh đạo bàng quan?

27-06-2016

No comments:

Post a Comment