SÀI GÒN (NV) - Trong các thông báo liên quan đến tiền giả, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam luôn khẳng định, tiền giả không thể lọt vào ngân hàng, ngân khố nhưng thực tế không phải như vậy.
Một người đàn ông ngụ tại huyện Bình Chánh, thành phố Sài Gòn vừa yêu cầu báo chí lên tiếng can thiệp do ông phải thay ngân hàng gánh hậu quả từ một lỗi không phải của ông.
Tiền giả được trộn với tiền thật rồi cột thành bó để phát tán ở Quảng Nam hồi cuối tháng trước. (Hình: Công An Quảng Nam) |
Trước đó, người đàn ông này đến một ngân hàng mà báo chí Việt Nam không nêu tên để rút 280 triệu đồng rồi đem gửi ngay số tiền đó cho một ngân hàng khác trả lãi cao hơn. Khi đếm các cọc tiền còn nguyên niêm phong, ngân hàng nhận tiền mà người đàn ông gửi vào phát giác có một tờ bạc loại 200,000 đồng là tiền giả. Tờ tiền giả bị tịch thu.
Theo báo chí Việt Nam, người đàn ông bị thiệt thòi một cách vô lý đã quay lại khiếu nại với ngân hàng vừa giao tiền cho mình, song ngân hàng ấy từ chối bồi thường. Họ lập luận rằng, trách nhiệm kiểm tra thật-giả thuộc về người nhận tiền. Ngân hàng hết trách nhiệm nếu người nhận tiền rời khỏi ngân hàng mà không có thắc mắc, khiếu nại nào.
Thiệt hại dù nhỏ song sự kiện vừa kể khiến nhiều người lo ngại vì chính họ cũng có thể là nạn nhân và mức độ thiệt hại rõ ràng hết sức khó lường.
Hồi cuối tháng 3, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam loan báo, từ giữa năm 2015 đến nay, số lượng tiền giả thu hồi được đã tăng đột biến. Nếu so với năm 2013, lượng tiền giả mà hệ thống ngân hàng và ngân khố quốc gia thu giữ trong năm 2015 tăng khoảng 23%.
Trong thông báo liên quan đến tiền giả vào thời điểm đó, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết, các nhân viên ngân hàng, ngân khố có thể dễ dàng phát giác tiền giả khi kiểm tra những yếu tố bảo an trên tờ bạc (hình chìm, mực đổi màu,...). Tuy nhiên vì đa số công chúng không đủ hiểu biết về các đặc điểm bảo an của tờ bạc nên vẫn dễ nhận nhầm tiền giả. Cơ quan này khuyến cáo công chúng nên dành thời gian tìm hiểu về cách nhận biết các đặc điểm bảo an trên tờ bạc, kiểm tra kỹ những tờ bạc mà họ nhận từ các giao dịch hàng ngày.
Thực tế thì khác, tiền giả đã lọt qua khâu kiểm tra của hệ thống ngân hàng, ngân khố và được hệ thống này đưa vào lưu thông.
Có một thực tế mà Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam tránh đề cập đó là trước nay, toàn bộ tiền giả mà công an Việt Nam thu giữ từ các vụ mua bán, vận chuyển, cố tình tàng trữ và lưu hành tiền giả đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tiền giả đe dọa an ninh kinh tế nên quốc gia nào cũng xem việc sản xuất, mua bán, cố tình tàng trữ và lưu hành tiền giả là trọng tội. Chống tiền giả thường là một nỗ lực có tính cách quốc tế. Riêng với Việt Nam - nơi mà tất cả các vụ phạm tội liên quan đến tiền giả đều đã xác định được xuất xứ là từ Trung Quốc thì lại chưa bao giờ thấy yêu cầu Trung Quốc phối hợp ngăn chặn dòng tiền giả và xử lý từ gốc. Có thể cả chính quyền Việt Nam lẫn công an Việt Nam đều biết nguyên nhân vì sao và kết quả sẽ thế nào. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment