Monday, June 27, 2016

'Trùm' ngoại giao Bắc Kinh đến Hà Nội họp song phương

Nguyễn Phú Trọng: 'Xử lý vấn đề Biển Ðông theo luật pháp quốc tế'


HÀ NỘI (NV) “Ðề nghị Trung Quốc 'xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Ðông phù hợp với luật pháp quốc tế' và DOC, sớm xây dựng COC, không làm phức tạp tình hình, duy trì cục diện hòa bình, ổn định.”

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) thuật lời ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN nói như vậy với ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc đặc trách đối ngoại, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tới Việt Nam “tham dự phiên họp thứ 9 ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.”



Người dân biểu tình chống Trung Quốc nhân ngày kỷ niệm bãi đá ngầm Gạc Ma bị Trung Quốc cưỡng chiếm, giết 64 lính Việt Nam hồi tháng 3, 1988. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Lời đề nghị được tường thuật như trên của ông Nguyễn Phú Trọng với đại diện Trung Quốc cũng chỉ lập lại nội dung cuộc trao đổi ý kiến giữa ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao CSVN với ông Dương Khiết Trì.

TTXVN kể rằng trong cuộc họp của ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc hai bên “cũng trao đổi những vấn đề quan trọng như việc không hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Ðông (COC); giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.”
Tân Hoa Xã tường thuật lời nói của ông Dương Khiết Trì với ông Phạm Bình Minh trong cuộc họp nói trên là hai nước phải “xử lý đúng cách các tranh chấp và các vấn đề.” Nhưng “xử lý đúng cách” lại được hiểu hoàn toàn khác nhau.

Các lời lẽ tổng quát có tính cách nguyên tắc như thế chứng tỏ quan điểm về tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông không có gì thay đổi. Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” với các bằng chứng lịch sử và thực tế đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù hiện nay có phần bị Bắc Kinh cưỡng chiếm.

Trong khi đó, Bắc Kinh, cậy thế kẻ mạnh, vẫn từ chối những đòi hỏi thảo luận của Hà Nội về biển đảo vì coi đó là thuộc chủ quyền của mình “từ cổ xưa” dù mới đi cướp ở thập niên 70 và 80.

Chuyến đi Việt Nam của Dương Khiết Trì vào lúc tòa án quốc tế ở The Hague sắp sửa đưa ra phán quyết của vụ Philippines kiện Trung Quốc mà giới bình luận thời sự hầu như tin rằng sẽ bất lợi cho Bắc Kinh. Cũng dự đoán được phần nào, Bắc Kinh từng tuyên bố nhiều lần là không công nhận tính pháp lý của phán quyết dù Trung Quốc cũng là một trong những nước ký tên vào Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).

Tuy Việt Nam không kiện Trung Quốc như Philippines nhưng sẽ được hưởng lợi nếu phán quyết nghiêng về phía Philippines.

Trong khi Việt Nam và Philippines chỉ tuyên bố chủ quyền một phần chủ quyền biển đảo nhưng Trung Quốc ngang ngược vẽ đường “lưỡi bò” tuyên bố chủ quyền hơn 80% Biển Ðông. Nhiều khu vực cái “lưỡi bò” này liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines.


Theo hãng thông tấn AP thuật lời ông Trần Công Trục, nguyên trưởng phái đoàn của Việt Nam đàm phán biên giới với Trung Quốc, có thể Dương Khiết Trì có thể vận động Hà Nội về phán quyết của Tòa Quốc tế nhưng quan điểm của Việt Nam đối với cái đòi hỏi đường “lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc cũng không thay đổi. (TN)

No comments:

Post a Comment