Thư cho người bạn trẻ,
Khi bạn hỏi tôi về sự kiện liên quan đến ông Bob Kerry, tôi nghĩ mình phải trình bày dài hơn dự định.
Việc cựu quân nhân Bob Kerry có trở thành người đứng đầu của trường ĐH Fulbright VN (FUV) hay không, hôm nay chắc đã không còn là điều quan trọng nữa rồi. Những cuộc tranh luận gay gắt từ phía chống và phía thuận, đang cho thấy một Việt Nam đang bị xâu xé bằng ý thức hệ ngay trên thân thể của mình. Những mất mát và đau thương và chính Nhà nước Việt Nam sau 1975 vẫn luôn kêu gọi hãy khép lại, mở ra một chương mới hòa bình, đang bị một nhóm người mở lại, rạch ra: Không ai không thấy đang có một cuộc nội chiến khác còn ghê sợ hơn cả cuộc chiến 20 năm Bắc-Nam Việt Nam. Vết thương chưa bao giờ lành, nhưng đó không phải là vết thương của bên ngoài mang đến, mà vết thương của tự mình cào cấu.
Ngôn ngữ của những người chống việc ông Bob Kerry làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác (FUV) ngày càng rộ lên, mọi cách dẫn giải, vận dụng đủ các hình tượng, thủ pháp gây ảo giác, để lôi kéo thêm những người chống lại việc một trường đại học có một đại diện mà họ không muốn. Thật ra, Chủ tịch Hội đồng tín thác tức là người chịu trách nhiệm tìm nguồn lực tài chính, không phải là nhân vật giữ vai trò điều hành hay trực tiếp giảng dạy. Việc đánh vào người có khả năng vận động tài chính cho nhà trường vào phút chót, không khác nào ngụ ý việc muốn cản trở tiến trình hình thành trường FUV tại Việt Nam.
Mỗi người đều có sự không muốn rất riêng tư của mình. Có những cái không muốn dễ bộc lộ cho thấy tư cách và vụ lợi. Có những cái không muốn im lặng lùi vào hành động trong bóng tối, kể cả việc rút các bài phát biểu của ông Đinh La Thăng, bí thư thành ủy “Vượt lên thù hận, chúng ta mạnh mẽ hơn”. Có những cái không muốn rất công khai như “tôi sẽ không đem con của mình đến học ở trường của một tên sát nhân”, hay “đừng nhân danh người chết để đòi tha thứ”.
Dĩ nhiên, nhìn ở một góc khác, thật đáng sợ khi có loại phụ huynh mang con mình đến trường, khởi đầu cuộc sống thơ ngây của nó bằng cách dạy đứa trẻ biết căm ghét một người hiệu trưởng, cũng như không ai có quyền nhân danh người chết để phất ngọn cờ cơ hội về thù hận, mà sự thù hận đó không đại diện cho truyền thống nhân nghĩa và hòa ái của người Việt Nam từ ngàn năm.
Lịch sử trên sách giáo khoa của Việt Nam không có bài học rõ ràng. Ẩn dưới những con chữ khéo léo che đậy là phần lời giải tự thân của mỗi con người, mỗi gia đình. Ngoài những câu chuyện về thảm sát Thạnh Phong 1969 mà ông Bob Kerry có liên quan – luôn được tô đậm, thì các câu chuyện về chiến tranh Bắc Kinh xâm lăng 1979, Trung Quốc thảm sát ở Lão Sơn 1984, giết người và chiếm đảo Gạc Ma 1988… vẫn mù mờ như một bức tranh chuyển động theo vui buồn của người cầm quyền, dù sự kiện tươi mới nhất.
Bạo lực cách mạng trong chiến tranh và cả thời bình là điểm quan yếu cốt lõi của tư tưởng Marx-Lenin. Trong thời bình, bạo lực cách mạng là phải tạo ra một kẻ thù ngay trong ý thức để xây dựng sức mạnh của chính quyền. Và dĩ nhiên, bất chấp việc xâm lược, tấn công ngư dân Việt, phong tỏa biển… của Trung Quốc, Tập Cận Bình vẫn là được vỗ tay chào đón ở Quốc Hội Việt Nam như người bạn cao cả, và người Mỹ bị chọn trở thành kẻ thù, dù lúc này chỉ còn là kẻ thù trong tư tưởng. Thực tế cho thấy kẻ thù là một phép tính chứ không dựa vào giá trị hiện thực.
Vì thế, hôm nay người Việt bị phân hóa trong câu chuyện của Bob Kerry cho thấy: Một lớp người đứng về quan điểm kẻ thù được chỉ định, và một lớp người sống với hiện thực. Dĩ nhiên, quyền lựa chọn ở phía nào, là tự do tối thiểu của mỗi người, tùy theo nhận thức.
Đó không phải là ngoại lệ đầu tiên, ngay trong lịch sử dân tộc, những người soạn sách giáo khoa ăn lương nhà nước cũng đã sống với bạo lực tư tưởng khi dạy cho trẻ nhỏ phải biết căm ghét ngay vua Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà”, mà xóa mờ giá trị thống nhất đất nước đầu tiên của ông trong lịch sử. Bạo lực tư tưởng cũng ám thị người ta phải chọn yêu bằng việc nhập tâm “tiếng đầu đời con gọi Stalin”, bất chấp đó là nhà độc tài lừng danh của thế kỷ 20.
Trên thực tế, dân tộc Việt Nam thông minh hơn mọi lời tuyên bố, phát biểu hay áp đặt trên truyền thông nhà nước mà lâu nay vẫn diễn ra. Sự im lặng của họ chứa đầy hiểu biết và chọn lựa riêng. Nếu phải cầm súng hôm nay, họ biết kẻ thù là Bắc Kinh. Nếu phải lựa chọn từ sự kiện của ông Bob Kerry, chắc chắn người dân Việt Nam tỉnh táo sẽ không gieo hạt giống tương lai trên mảnh đất bị ghim giữ bằng thù hận – thậm chí có thể là thù hận chỉ định.
Nhưng đáng tiếc, như lâu nay, mọi lựa chọn và quyết định vẫn chưa bao giờ thực sự là của nhân dân.
Có ai đó đã nói đừng lợi dụng chuyện Bob Kerry để khuấy động lịch sử - nhưng không có lửa làm sao có khói. Lịch sử đời của Bob Kerry rất ngắn ngủi nhưng ông ta minh bạch về tội lỗi của mình trước hàng triệu người. Còn Lịch sử vĩ đại của chúng ta vẫn bị gói buộc bằng những sợi chỉ đỏ tư duy, chỉ bởi với một ít người. Minh bạch thì chỉ có thể tái hiện, còn che giấu mới thật sự bị khuấy động.
Vậy thì tôi và bạn, chúng ta, sẽ chọn đứng đâu trong thế giới này? Chúng ta nên sống với thù hận hay với thứ tha?
Ngoài lẽ phải và sự thật mà chúng ta suốt đời cần đeo đuổi, còn một thứ nữa giúp chúng ta vượt qua sự thấp hèn của chính mình: đó là lòng vị tha.
Nếu không có sự tha thứ, làm sao Nelson Mandela (1918-2013) có thể duy trì được quốc gia Nam Phi lớn mạnh, thoát khỏi bóng ma thù hận về chế độ aparthied suốt từ năm 1948 đến 1990? Nhân cách của một người làm chính trị lớn, đã giúp cho ông Nelson Mandela hiểu rõ rằng muốn đi tới ngày mai, chỉ có thể tha thứ để cùng nhau xây dựng, giáo dục và phát triển.
Nếu không có sự tha thứ, làm sao đất nước Miến Điện với Aung San Suu Kyi có thể trở thành một quốc gia dân chủ hòa ái sáng chói, sau khi lật đổ chế độ độc tài quân sự sau 25 năm cai trị bằng súng và nhà tù, chỉ bằng những lá phiếu (tháng 11/2015). Ý nguyện cao cả và quyết định tha thứ của nhân dân đã dẫn đến một tương lai rực rỡ cho Miến Điện. Nếu không được tha thứ, chắc chắn người cầm nắm quyền lực, tướng Min Aung Hlaing sẽ không ngại mở ra một cuộc nội chiến mới với 500.000 quân trong tay, trong một đất nước chỉ có 50 triệu dân.
Chúa Jesus dạy rằng “hãy yêu kẻ thù của mình, để mặt trời có thể mọc trên cả cái ác và điều lành, để mưa có thể xuống nơi có lẽ phải và cả nơi bị bất công”.
Đức Phật dạy “Con người tự hủy hoại mình khi nuôi dưỡng hận thù”.
Không có tha thứ, loài người không thể bước vào thế giới văn minh với bình an cho mình và cho cả người khác. Không nhân danh lý tưởng để che đậy quyền lợi cá nhân, con người mới có thể chân thành với chính mình và đồng loại. Chỉ với tuệ giác, con người mới có thể nhận ra và tự tận diệt trăm lần bản thân mình hôm qua để tái sinh ngày hôm nay. Kẻ tội đồ có thể tái sinh làm Bồ tát. Kẻ tự xưng mình là Bồ tát thì mãi mãi trầm luân.
Và trên một mảnh đất bị cài đặt bởi hận thù và tuyên ngôn trá mị, làm sao chúng ta có thể tái sinh và tìm thấy một tương lai?
No comments:
Post a Comment