Wednesday, June 8, 2016

Nhiều trẻ em ở Huế băng rừng sang Lào làm thuê

Liêu Thái/Người Việt
08-06-2016 4:16:52 PM 

HUẾ (NV) - Sau vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung và do thiếu thốn, nghèo đói, nhiều trẻ em ở Thừa Thiên-Huế bỏ học, theo người lớn sang Lào làm thuê. Cái giá mà các em phải trả cho việc kiếm tiền lúc tuổi còn nhỏ chính là tương lai mù mịt bởi không được học hành và thiếu sự kèm cặp, dẫn dắt của cha mẹ, gia đình.

Một bé trai đang bán bánh bột lọc tại cây xăng thuộc huyện Phú Lộc - Huế. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Mặc dù đã ba lần liên lạc với cán bộ Sở Lao Động và thương binh xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm hiểu vấn đề trẻ em ở các xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn... huyện Phú Lộc bỏ học sang Lào làm thuê thì chỉ nhận đúng một câu trả lời là “hoàn toàn không có.”

Phú Lộc là một huyện nằm bên cạnh dãy núi Bạch Mã và biển Lăng Cô, có thể nói đây cũng là một trong các huyện có bề ngang hẹp nhất và chịu thiên tai nhiều nhất Việt Nam. Theo các giới chức thì “tỉ lệ trẻ em đến trường 100%,” nhưng trên thực tế thì mọi chuyện lại khác.

Cá chết thì kiếm cơm chỗ khác

Bởi chỉ trong một xã nhỏ, đã có đến ba em học sinh bỏ học theo cha sang Lào làm thuê cùng với người thân. Khi hỏi những người trong xóm cũng như hỏi cán bộ xã thì nhận được chung một câu trả lời là “mấy đứa đó nó học không nổi bỏ học để học nghề chứ có làm thuê gì đâu.” Và với cái kiểu lý luận “học không nổi thì bỏ trường đi học nghề, tốt thôi, không có gì là sai.”

Trong khi đó, nguyên nhân để dẫn đến tình trạng các em bé bỏ học theo người thân sang Lào làm ăn đều là do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, mùa màng thất bát và nhiều em trong số này có cha mẹ làm nghề đánh cá gần bờ trên biển Thuận An, phá Tam Giang. Và trong suốt hai tháng qua, nhiều gia đình rơi vào tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng nhưng lại không được nhà nước cứu trợ bởi họ không được xếp vào diện làng chài và họ cũng không sống ở khu vực sát biển.

Những ngôi nhà trở nên buồn bã sau khi trẻ em băng rừng sang Lào làm thuê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Chúng tôi tìm đến nhà ông Sự, gia đình có sáu người thì hết bốn người đã sang Lào làm thuê, đến nhà chỉ gặp được một cụ già và một phụ nữ ở nhà. Cụ già chính là bà nội của ba đứa trẻ đã sang Lào làm thuê, còn người phụ nữ là mẹ của ba đứa trẻ kia. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm tình hình gia đình. Người mẹ của ba đứa trẻ chép miệng: “Khó khăn quá nên phải để ổng dắt mấy đứa đi chứ không muốn như vậy đâu!”

“Ở đây người ta sang Lào làm thuê nhiều lắm. Bởi chỉ cần bắt xe lên A Lưới rồi đi đường rừng băng sang Lào, ở đó sẽ có vài người đã có kinh nghiệm đón đến chỗ làm việc. Thường thì trước khi đi làm, người bên Việt Nam sẽ liên lạc thông qua một trung gian và trả phí cho trung gian đó chừng một triệu đồng (tương đương $45).”

“Nhà tui trước giờ chưa sang bên đó làm bao giờ. Ông nhà là dân đánh bắt gần bờ, còn tui ra ngoài chợ bán cá, buôn thêm rau hành. Nhưng hai tháng nay không có cá để bán mà nếu có thì bán cũng không ai mua. Mấy đứa nhỏ lo không có tiền nộp thầy cô dạy thêm nên bỏ học. Tụi nó đi cùng ông nhà tui sang Lào làm ăn rồi. Bốn người đi nộp hết ba triệu đồng môi giới, vì bốn người nên họ giảm cho một triệu đồng. Nói là tiền môi giới nhưng trong đó gồm cả tiền xe nữa nên cũng hợp lý thôi!”

“Ở đây cũng không có nhiều gia đình có con bỏ học đi làm bên Lào lắm đâu, mấy xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Bổn kia mới có nhiều người đưa con sang bên Lào làm thuê. Ở bên đó chủ yếu là đi phụ hồ, trồng rau, bốc phân bò và thồ hàng. Nói chung có việc là làm, việc nào kiếm được nhiều tiền thì làm thôi. Vì làm chui nên khó nói lắm! Mấy gia đình có con đi làm thuê đều là dân chài cả, đói quá thì phải kiếm cơm thôi, có ai thương mình hơn mình đâu!”

Xúc vỏ hàu về làm vôi, một kiểu kiếm cơm qua ngày của người Phú Lộc. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Nói đến đây, người phụ nữ mẹ của ba đứa con trai và vợ của một người chồng, cả bốn người họ đang làm thuê trên đất khách... rơm rớm nước mắt. 

Kiếp lao động chui

Một buổi trưa chậm chạp trôi, chúng tôi lại lòng vòng, quay xe trở ra, băng qua hầm chui Phước Tượng và Phú Gia mà trước đây là hai con đèo khá hiểm trở có độ dài bằng nửa đèo Hải Vân trên tuyến Đà Nẵng - Huế. Đến xã Lộc Trì, chúng tôi lại tiếp tục tìm hiểu về đời sống và chuyện trẻ em bỏ học sang Lào làm thuê.

Một không gian vắng lặng hiện ra trước mắt. Khi chúng tôi hỏi thăm về các gia đình có con bỏ học sang Lào làm thuê thì ai cũng lắc đầu, nói rằng làm chi có chuyện đó. Nhưng chúng tôi lại hỏi tiếp, gặp một người ngồi uống bia bên quán ven đường. Ông này ngoắc chúng tôi vào, khi chúng tôi ngồi vào bàn, ông nói: “Muốn nghe chuyện phải tốn một thùng Huda (bia Huế sản xuất)!”

Sau khi chúng tôi làm quen và mời ông một thùng Huda, ông nói: “Ở đây không ai dám nhận gia đình mình có con bỏ học sang Lào làm ăn đâu. Phải giữ kín hết, nói vậy bị người ta phạt sao! Chỉ có mọi người thông cảm cho cái nghèo của nhau mà giấu kín.”

Một ngôi nhà có trẻ em sang Lào làm thuê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Chuyện bỏ học sang Lào làm ăn ở đây nhiều lắm. Có đứa báo đau ốm xin nghỉ một tháng rồi xin cả giấy tờ khám sức khỏe hoặc nhập viện gì đó để mà đi làm, xong tháng lại về, dư cũng được hai ba triệu đồng. Cứ như vậy mà đi. Có đứa đi riết thành quen, về học hành chi được nữa vì mất hết căn bản, cuối cùng bỏ học đi làm luôn!”

“Thường thì làm bên Lào, nếu người lớn kiếm cũng được từ bảy triệu đồng đến mười triệu đồng, trẻ em kiếm cũng được từ ba triệu đến năm triệu. Tụi nó kháo nhau là có đi học lên tới đại học rồi cũng thất nghiệp, đi làm thuê tứ xứ. Chi bằng bây giờ làm thuê trước, tới tuổi tốt nghiệp đại học thì cũng có số vốn mà tiếp tục làm thuê. À, ở đây có nhiều đứa học xong đại học lại sang Lào làm thuê nhiều lắm!”

No comments:

Post a Comment