Tuesday, June 28, 2016

Nông dân Việt Nam đang “chết mòn” vì thuốc trừ sâu của Trung Cộng

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi tới 346 triệu USD (hơn 7,600 tỷ đồng Việt Nam) để nhập cảng nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật (người dân gọi chung là thuốc trừ sâu); trong đó riêng nhập từ Trung Cộng chiếm gần 50%.

Nông dân phải tiếp xúc với nhiều hoá chất trừ sâu (ảnh CGFED cung cấp)
Ông Nguyễn Xuân Hồng, cựu Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho báo chí biết thêm rằng trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, trong đó thuốc trừ cỏ chiếm 50%, thuốc trừ sâu khoảng 25%, thuốc trừ bệnh khoảng 20%, còn lại là các thuốc điều hòa kích thích sinh trưởng như thuốc trừ chuột, trừ ốc, mối…
Thông tin của ông Hồng có khác với con số thống kê của hải quan CSVN, là gần đây các doanh nghiệp Việt Nam nhập nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Cộng chiếm đến 85 tới 90%, bởi Trung Cộng là công xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của thế giới (chiếm 40%).
Đáng lo là hiện nay tình trạng nhập lậu vận chuyển buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.
Kết quả của một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, môi trường trong phát triển (CGFED) thực hiện tại tỉnh Nam Định cho biết mỗi năm ở xã Hải Vân, huyện Hải Hậu sử dụng gần 1,200kg thuốc trừ sâu, 80% do phụ nữ phun, thậm chí có cả những phụ nữ chuyên đi phun thuốc sâu thuê. 66.7% chị em bị chóng mặt, 74.2% bị đau đầu, 84.6% bị mờ mắt, 87.5% bị vã mồ hôi, 79% bị choáng, 63.6% buồn nôn, hơn 87% mất ngủ, hơn 66% khó thở... Cho dù độc hại nhưng chỉ có hơn 70% chị em có bảo hộ như khẩu trang, găng, ủng…
Một nghiên cứu khác tại vùng trồng trà xã Bắc Sơn (Phổ Yên, Thái Nguyên) của CGFED cho thấy: Người dân ít sử dụng bảo hộ lao động, chủ yếu là dùng khẩu trang. Người phun thường mặc áo mưa (80%), đeo khẩu trang (80%), đi ủng (50%), đeo kính (rất ít). Đặc biệt, liều lượng pha thuốc sâu thường cao hơn 30 - 50% so với hướng dẫn trên bao bì, vì người dân cho rằng “phải liều lượng cao thì sâu mới chết”...
Các nghiên cứu của CGFED cũng cho thấy, hơn 90% người dân biết về sự độc hại của thuốc bảo vệ thực vật. Đa số phụ nữ đều cho rằng, một trong những nguyên nhân mình bị ốm yếu, mệt mỏi là do thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Tuy nhiên, do không có các biện pháp thay thế, không được hướng dẫn cụ thể, càng không thể nhờ ai làm giúp nên họ vẫn phải đánh liều với sức khỏe của mình.
Trong một diễn biến khác, ngày 28-6, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016. Phúc trình cho biết ngành nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng âm khi giảm tới 0.18%, tương ứng 397,400 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19.4 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ khiến nông nghiệp giảm 0.78%. Dù lâm nghiệp tăng 5.75%, thuỷ sản tăng 1.25% nhưng do nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nên không thể cứu vãn sự suy thoái của ngành. Như vậy, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm.
06/28/2016 - 09:07
Vũ Minh Ngọc / SBTN

No comments:

Post a Comment