Tuesday, June 28, 2016

CSVN sợ 'bạo loạn' trước ngày công bố nguyên nhân cá chết

HÀ NỘI (NV) - Ông Tô Lâm, thượng tướng, bộ trưởng Công An Việt Nam vừa yêu cầu thuộc cấp phải chú ý “ngăn chặn kích động biểu tình trái pháp luật, gây rối trật tự, bạo loạn.”

Yêu cầu vừa kể được viên bộ trưởng Công An Việt Nam nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2016 của Bộ Công An, diễn ra tại Sài Gòn vào sáng 28 tháng 6. Công an Việt Nam còn được thượng cấp nhắc nhở phải chú ý “bảo đảm an ninh mạng Internet, an toàn thông tin, đấu tranh-phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” và “rà soát các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp để bổ sung, chỉnh lý phù hợp với diễn biến của tình hình, đặc biệt là về môi trường.”



Bãi biển Thiên Cầm, cách thành phố Hà Tĩnh 20 cây số trong mùa du lịch. Không chỉ ngư nghiệp chết mà du lịch cũng chết sau thảm họa cá chết. (Hình: Lao Ðộng)


Ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam cũng vào Sài Gòn tham dự hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm của Bộ Công An Việt Nam. Viên thủ tướng Việt Nam nhận định: “Tình hình trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo, đặt ra cho công tác bảo đảm an ninh trật tự nhiệm vụ rất nặng nề.” Cũng vì vậy, công an Việt Nam “cần nâng cao năng lực nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để kịp thời tham mưu với đảng, nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh trật tự.”

Sau ba lần tổ chức họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết trắng một đoạn bờ biển dài chừng 250 cây số, chạy dọc bờ biển bốn tỉnh phía Bắc miền Trung là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, song cuối cùng chỉ xác nhận nguyên nhân dẫn tới thảm họa là do... nước biển bị nhiễm độc, chứ không xác định nước biển có những loại độc tố nào và từ đâu mà ra, hôm 27 tháng 6, một viên trung tướng là tổng cục phó, Tổng Cục Cảnh Sát của Bộ Công An Việt Nam cho biết, có thể là ngày 29 tháng 6, cơ quan điều tra của Bộ Công An Việt Nam sẽ công bố nguyên nhân dẫn tới thảm họa cá chết.

Ba lần trước, phía tổ chức họp báo “công bố nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết” chỉ có Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn và Bộ Tài Nguyên-Môi Trường.

Thảm họa cá chết trắng biển bùng phát hồi đầu tháng 4. Từ đó đến nay, nhiều người tại Việt Nam vẫn tin rằng, thảm họa này là hậu quả từ độc tố trong nước do nhà máy thép của Formosa thải ra biển khi họ thử vận hành một lò sản xuất thép.

Formosa là một tập đoàn đa ngành của Ðài Loan. Năm 2008, Formosa đề nghị chính quyền Việt Nam cho phép đầu tư để xây dựng một nhà máy thép lớn tại khu công nghiệp Vũng Áng thuộc tỉnh Hà Tĩnh (bộ phận phụ trách dự án này được gọi là Formosa Hà Tĩnh).

Cũng kể từ đó, Formosa Hà Tĩnh liên tục nhận được những ưu ái khác thường về tiền thuê đất, tiền thuế... Thậm chí theo luật, chính quyền các tỉnh chỉ được phép cho doanh nghiệp ngoại quốc thuê đất trong 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng cho Formosa sử dụng đất trong khu công nghiệp Vũng Áng đến 70 năm, dù nhiều người phản đối, ông Nguyễn Tấn Dũng - lúc đó là thủ tướng Việt Nam vẫn gật đầu.

Tính đến nay, thảm họa cá chết sắp tròn ba tháng nhưng hoạt động ngư nghiệp ở bốn tỉnh phía Bắc miền Trung Việt Nam vẫn còn tê liệt. Ðáng nói là không chỉ ngư dân, những cơ sở thương mại-dịch vụ liên quan đến ngư nghiệp điêu đứng mà diêm dân, các cơ sở thương mại-dịch vụ liên quan đến du lịch trong vùng cũng thiệt hại trầm trọng, nhiều quán ăn, nhà hàng, nhà trọ, khách sạn, khu du lịch đã đóng cửa, ngưng hoạt động vì không có khách. Dù không có thống kê chính thức song thiệt hại được ước đoán là cực kỳ lớn và đã đẩy hàng trăm ngàn gia đình, hàng triệu con người đến chỗ khốn cùng.
Hồi cuối tuần trước, thủ tướng Việt Nam đã quyết định tăng thời gian hỗ trợ nạn nhân thảm họa cá chết từ sáu tuần thành sáu tháng. Ngoài ngư dân, những gia đình kiếm sống bằng các dịch vụ hỗ trợ ngư nghiệp như mua bán hải sản, mua bán-sửa chữa ngư cụ, những gia đình làm muối ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế sẽ được cấp mỗi người 15 ký gạo một tháng.

Chủ các cơ sở kinh doanh hải sản sẽ được ưu tiên vay tiền với lãi suất thấp và chính quyền sẽ xuất công quỹ để trả thay 100% tiền lãi nếu họ dùng tiền vay để thu mua, tạm trữ hải sản.

Tầm vóc và tính chất nghiêm trọng của thảm họa đã vượt khỏi biên giới Việt Nam. Hồi trung tuần tháng này, nhiều giới tại Ðài Loan đã yêu cầu chính quyền Ðài Loan tổ chức điều tra xem Formosa có trách nhiệm liên đới đến thảm họa hay không.

Sự kiện mới nhất liên quan đến Formosa là tập đoàn này đã quyết định hoãn ngày khai trương lò số 1 của nhà máy thép Vũng Áng (dự kiến là 25 tháng 6) sang một ngày khác chưa được xác định.

Cần lưu ý rằng trước nay, Formosa vẫn khẳng định một cách mạnh mẽ rằng họ vô can trong thảm họa cá chết. Ngay cả khi có đầy đủ bằng chứng cho thấy thảm họa cá chết trắng biển là vì các độc tố trong nước mà Formosa thải ra biển thì việc quy trách cho Formosa cũng không dễ dàng vì tất cả các khâu (lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, kể cả xả nước thải) mà Formosa đã thực hiện khi xây dựng nhà máy thép tại Vũng Áng đều được chính quyền Việt Nam... cho phép.

Thẳng tay với Formosa sẽ mở ra con đường dẫn chính quyền Việt Nam đến trước các tổ chức tài phán quốc tế và gần như cầm chắc trách nhiệm phải bồi thường vì vi phạm những cam kết khi mời gọi đầu tư và mâu thuẫn với những giấy phép đã cấp, kể cả giấy phép cho xả nước thải ra biển.

Hoa Kỳ và Ðài Loan đều đã từng đề nghị giúp đỡ Việt Nam xác định nguyên nhân và khắc phục hậu quả của thảm họa cá chết nhưng Việt Nam từ chối. (G.Ð)

No comments:

Post a Comment