Tuesday, June 28, 2016

Người dân 'đánh đu sinh mạng' khi qua sông Ngàn Phố

HÀ TĨNH (NV) - Ðã hơn chục năm qua người dân xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, dùng một sợi dây thừng buộc cố định ở hai bờ sông, cùng một chiếc xuồng cũ kỹ lần theo dây để đi qua sông Ngàn Phố ra trung tâm xã.



Chỉ cần một chút sa sảy thì sẽ rất nguy hiểm đối với tính mạng con người. (Hình: báo điện tử Dân Việt)


Theo báo điện tử Dân Việt, ngày 28 tháng 6, hàng ngày người dân ở “ốc đảo Ronbinson” thuộc 2 thôn Trung Lưu và Phố Tây, xã Sơn Tây, muốn ra bên ngoài phải vượt qua sông Ngàn Phố bằng đò kéo dây.

Ðò kéo dây gồm có một sợi dây kéo trải qua bao mưa nắng bắt đầu xuất hiện các mối nối được buộc cố định vào hai cọc gỗ cũng có dấu hiệu mục ở hai bên bờ sông và chiếc xuồng nhỏ.

Chuyến đò thường do anh Trần Văn Bình và con trai mình là cháu Trần Văn Sang (16 tuổi), có khi là vợ anh, ở thôn Trung Lưu kéo. Theo anh Bình, mỗi ngày anh phải kéo khoảng 500-600 lượt đi về.

Tuy việc đưa đò từ bên này sông sang bên kia sông đều phải dùng tay kéo nhưng đòi hỏi phải có “chứng chỉ chèo đò,” trong khi anh thì lại chưa có, còn những người có chứng chỉ thì họ không làm.


Hai chiếc “phao cứu sinh” được dùng để trang bị cho đò. (Hình: báo điện tử Dân Việt)

Do việc đưa đò và giữ đò đều phải dùng tay, nên nhiều lúc khách đông và nhiều chuyến liền kề thì thuyền tròng trành là không tránh khỏi. Trong khi đó, hai chiếc “phao cứu sinh” được dùng để trang bị cho đò, một chiếc được làm bằng nhựa và “phao” còn lại là chiếc bao tải đựng miếng xốp vụn.

Ðặc biệt những chiếc “phao cứu sinh” này chẳng bao giờ xuất hiện trên đò, nó chỉ là vật tượng trưng được bày ở bên cạnh lều chờ của lái đò. Vì vậy, vào mùa mưa lũ, nước lên các học sinh của 2 thôn sẽ phải nghỉ học và người dân nơi đây sẽ sống với cảnh “ốc đảo.”


Hoàn cảnh là vậy, nhưng theo ông Trần Công Viên, bí thư đảng ủy xã Sơn Tây, cho biết. đã nhiều lần các đoàn kiểm tra của tỉnh đến để “xem xét làm dự án xây cầu” nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín.” Giờ đây, mặc dù hai thôn có thêm được một con đường mới nhưng do phải đi vòng quá xa nên gần như người dân ở đây vẫn chủ yếu đi lại bằng đò. (Tr.N)

 28-06-2016 2:44:44 PM 

No comments:

Post a Comment