Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA 2016-06-15
Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao 10 nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc vào ngày hôm qua 14 tháng 6, 2016 ở thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam Trung Quốc. AFP
Vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông lại được bàn đến tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao 10 nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc vào ngày hôm qua 14 tháng 6, 2016 ở thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
Hoat động đàm phán ngoại giao và thực tế diễn ra trên biển có tương thích hay không?
Đàm phán ngoại giao
Tuyên bố chung ASEAN tại hội nghị Ngọc Khê được đưa ra vào tối thứ ba 14 tháng 6; thế nhưng bị rút lại chừng ba tiếng đồng hồ sau đó. Hãng thông tấn AFP loan tin này ngày 15 tháng 6 nói rõ tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ về tình hình căng thẳng tại Biển Đông như thế có thể làm Trung Quốc, nước chủ nhà cuộc họp, tức tối.
Cụ thể tuyên bố vừa nêu của khối ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn tiến gần đây cũng như đang tiếp diễn tại tuyến đường biển chiến lược Biển Đông, cho rằng những diễn tiến như thế làm xói mòn niềm tin và sự tin cậy.
Tiếng là của mình nhưng họ giữ ngoài đó. Lâu lâu cũng có đi Trường Sa, một năm đôi ba chuyến, nhưng chủ yếu là Hoàng Sa.
-Ngư dân Lý Sơn
Mặc dù thông cáo không trực tiếp cáo buộc Trung Quốc, nhưng thông cáo đề cập đến sự nhạy cảm của hoạt động Trung Quốc lập nên những đảo nhân tạo, rồi xây dựng đường băng cùng những cơ sở hạ tầng khác trên đó. Hoạt động ấy bị xem như là nổ lực của Bắc Kinh nhằm tuyên bố chủ quyền trọn khu vực Biển Đông.
Trước đó trong ngày thứ ba 14 tháng 6, ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói với các đồng nhiệm ASEAN rằng hai phía cần xem xét quan hệ với quan điểm lâu dài và tầm cao chiến lược.
Trong buổi tiệc chiêu đãi trước hội nghị, ông Vương Nghị còn phát biểu qua một phần tư thế kỷ thành lập đối tác đối thoại, Trung Quốc và ASEAN cần phải trân quí hòa bình trong khu vực mà theo ông này thì hòa bình không dễ đạt được, đồng thời không để cho bất cứ lực lượng nào quấy phá sự yên bình của căn nhà chung.
Hành động của Trung Quốc
Tuy nhiên, trên thực tế tại Biển Đông, những hoạt động xây dựng làm phá vỡ hiện trạng cẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng.
Mới tuần trước, truyền thông Trung Quốc loan tin về hai hải đăng mới sẽ được xây trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Ngọn hải đăng trên mũi cực đông của Đá Vành Khăn sẽ là công trình cao nhất ở quần đảo Trường Sa với cao độ 60 mét.
Cho đến nay, Trung Quốc đã cho vận hành 3 hải đăng trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trong thời gian qua. Đó là hải đăng trên đá Subi, Đá Gạc Ma và đá Châu Viên.
Tờ The Dilplomat vừa qua cũng cho biết vào ngày 8 tháng 6 vừa qua, Trung Quốc chính thức đưa hộ tống hạm thế hệ mới loại 056A, thuộc lớp Giang Đảo, được trang bị hệ thống chống tàu ngầm đến căn cứ Ngọc Lâm ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam. Chiếc hộ tống hạm này được cho biết sẽ hoạt động chủ yếu trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Thực trạng ngư dân Việt
Đây là quần đảo mà Trung Quốc hoàn tất việc cưỡng chiếm vào năm 1974 từ phía Việt Nam Cộng Hòa.
Lâu nay, ngư dân Việt Nam ra đánh bắt tại khu vực đó thường xuyên bị phía Trung Quốc rượt đuổi, thậm chí còn va đâm làm chìm tàu, hay cướp hết hải sản đánh bắt được cùng ngư lưới cụ hành nghề biển.
Một ngư dân Lý Sơn vào ngày 15 tháng 6, cho biết bất chấp tình trạng vừa nêu, nhưng bản thân ông và nhiều ngư dân khác trên đảo tiếp tục bám biển để mưu sinh. Ông cho biết:
“Biển đảo của mình thì phải bám hoài như vậy chứ biết làm sao! Họ cứ đuổi còn mình làm được giờ nào thì cứ làm. Do họ đuổi hoài nên làm không đạt.
Tiếng là của mình nhưng họ giữ ngoài đó. Lâu lâu cũng có đi Trường Sa, một năm đôi ba chuyến, nhưng chủ yếu là Hoàng Sa. Ra mà mình làm vùng của mình thì họ không đuổi nhưng qua chỗ của họ họ đuổi, đánh dữ lắm. Họ đuổi riết nhưng mình kệ vì phải làm ăn chứ sao. Một chuyến đi hết mấy trăm triệu phí tổn.”
Ý kiến chuyên gia
Trung Quốc lợi dụng tình thế để làm rất nhiều điều nhưng tôi tin rằng ý nguyện, quyết tâm, ý chí của nhân loại là có thể bảo vệ môi trường sống, hòa bình và ổn định cho cuộc sống.
-Trần Công Trục
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, trong một lần trà lời chúng tôi vừa qua, cho rằng mọi hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông không được nhiều nước trên thế giới đồng ý với lý do sau:
“Tôi tin rằng không thể nào được sự ủng hộ của dư luận quốc tế bởi vì chân lý sáng tỏ nhất là nhân loại hiểu rằng cần phải bảo vệ vấn đề trước pháp luật, cần phải giữ được sự hòa bình, ổn định quốc tế mà hiện nay nhiều vấn đề đang xảy ra rất phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới. Và có lẽ nhân loại không muốn dẫn đến một cuộc đụng độ, một cuộc chiến tranh khác mà nguy hiểm hơn nhiều cho sự tồn vong của nhân loại.
Trung Quốc lợi dụng tình thế để làm rất nhiều điều nhưng tôi tin rằng ý nguyện, quyết tâm, ý chí của nhân loại là có thể bảo vệ môi trường sống, hòa bình và ổn định cho cuộc sống.”
Trong thời gian qua Trung Quốc tiến hành vận động nhiều nước trên thế giới úng hộ lập trường của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông nhất là khi mà Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên hiệp quốc tại La Haye sắp ra phán quyết đối với vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt khúc chin đoạn ở Biển Đông. Nộ lực vận động của Bắc Kinh cũng gặt hái được một số kết quả từ những quốc gia, nhất là nước Nga một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên hiệp quốc có quyền phủ quyết. Tuy nhiên giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine ở Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Hà Nội cũng có thể tranh thủ ủng hộ của Matxcova và nhiều chính quyền khác:
“Thật ra Việt Nam cũng có thể tranh thủ được Nga nữa nếu mà Việt Nam khôn ngoan. Khi nói đến sự kiện này tôi thấy có điều lý thú là lần đầu tiên Việt Nam ăn nói có vẻ đàng hoàng hơn trong việc tranh thủ thế giới; chứ lúc trước Việt Nam chí nói ‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam’. Mà nói như vậy thì người ta khó bênh vực. Nay thì Việt Nam nói đến vấn đề an ninh và cái gì song phương thì giải quyết song phương. Theo tôi như thế chưa đủ: vấn đề Phú Lâm không phải là song phương; nếu Việt Nam nói ( đó) là vấn đề song phương thì Việt Nam mắc bẫy Trung Quốc. Việt Nam cần phải nói đó là vấn đề an ninh khu vực và thế giới, không phải song phương. Trung Quốc lấy đảo của Việt Nam, giết người Việt Nam đúng là dính đến Việt Nam nhưng bây giờ là vấn đề quốc tế. Nếu Việt Nam đưa lý luận này ra trước quốc tế thì theo tôi nghĩ không những được sự ủng hộ của thế giới mà còn làm cho sự manh động của Trung Quốc cũng bớt đi.”
Nhiều chuyên gia cho rằng lời nói và việc làm của Trung Quốc không bao giờ đi đôi với nhau. Những nước có tranh chấp với Bắc Kinh phải hết sức tỉnh táo không nên để mắc mưu trong đàm phán song phương với Trung Quốc mà phải tranh thủ sự đoàn kết khu vực và quốc tế mới có thể chặn đứng tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment