HÀ NỘI (NV) - Kỹ nghệ du lịch của Việt Nam ì ạch, thậm chí thụt lùi vì mang nhiều tiếng xấu. Một trong những nguyên nhân được giới chuyên viên chỉ ra là thiếu quảng bá tiếp thị trên thế giới.
Trong một bài phân tích ngắn, báo điện tử Bloomberg nêu ra những lý do khiến kỹ nghệ du lịch của Việt Nam thu sút một trời một vực so với các nước lân cận vì chi phí quảng bá trên các hệ thống thông tin quốc tế quá ít ỏi nên không nhiều du khách biết Việt Nam có gì hấp dẫn.
Du khách đang trả giá với mấy ông chạy xe xích lô bằng cách giơ ngón tay ra hiệu vì ngôn ngữ bất đồng. (Hình: AFP/Getty Images) |
Tuy kỹ nghệ du lịch của Việt Nam được coi là một trong những ngành “mũi nhọn” giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế, theo một kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 mà Ngân Hàng Thế Giới vẽ giúp Việt Nam.
Dựa trên các con số do Tổng Cục Du Lịch của Việt Nam đưa ra, hàng năm nước này chỉ chi ra 2 triệu đô la để quảng cáo du lịch Việt Nam. Với con số nhỏ bé như thế, người ta không thể mua được nhiều thời lượng quảng cáo trên các đài truyền hình Mỹ, mới chỉ là một nước.
Ðối chiếu với các nước trong khu vực có kỹ nghệ du lịch rất thành công như Thái Lan, Singapore, Malaysia thì thấy ngay. Con số 2 triệu đô la mà Việt Nam chi ra để quảng cáo quyến rũ du khách thế giới chỉ bằng 2.9% của Thái Lan, bằng 2.5% của Singapore và 1.9% của Malaysia.
Việt Nam khoe rằng kỹ nghệ du lịch tăng trưởng khoảng 6.5% hồi năm ngoái và mấy năm trước đó. Họ dự trù sẽ tiếp tục tăng trưởng được như vậy. Theo giới chuyên viên, kỹ nghệ du lịch của Việt Nam không thể khá hơn chỉ vì thiếu tiếp thị.
Năm ngoái, ngành du lịch của Thái Lan tăng trưởng 12%, Singapore tăng trưởng 10%. Ngay như Lào tăng trưởng tới 15%, hơn hai lần của tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Trên các thống kê khoe khoang thành tích thì ngành du lịch nói tăng trưởng 6.5%, nhưng đầu tháng 7, 2015, Tổng Cục Du Lịch của Việt Nam đưa ra thống kê nói, “6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3.8 triệu lượt, giảm 11.3% so với cùng kỳ. Và đây là tháng thứ 13 liên tiếp lượng khách quốc tế đến Việt Nam lao dốc và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lượng khách đến bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không đều giảm, nhất là đường biển khi chỉ đạt 73.5% so với cùng kỳ năm trước (khoảng hơn 29,800 lượt khách),” báo Người Lao Ðộng tường thuật.
No comments:
Post a Comment