VÂN NAM (NV) - Mười nước ASEAN vừa đưa ra một bản tuyên bố cứng rắn hôm Thứ Ba 14 tháng 6, 2016 về vấn đề tranh chấp Biển Đông nhưng vài giờ sau vội vàng rút lại.
Bãi đá ngầm Đá Thập (Fiery Cross Reef) đã bị Trung Quốc biến thành một căn cứ quân sự khổng lồ trên biển Trường Sa với cảng biển và phi trường. (Hình: CSIS)
Theo tin tức quốc tế, sau cuộc họp với Trung Quốc tổ chức ở thành phố Yuxi (Ngọc Khê) thuộc tỉnh Vân Nam, tổ chức ASEAN với 10 thành viên đưa ra một bản tuyên với lời lẽ hiển nhiên không làm nước chủ nhà hài lòng.
“Chúng tôi bầy tỏ những sự quan ngại sâu xa về những diễn biến xảy ra gần đây và còn đang diễn ra mà chúng đã làm xói mòn sự tin cậy lẫn nhau, gây thêm căng thẳng và chúng có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh và sự ổn định của vùng Biển Đông.”
Bản tuyên bố chung khởi thủy viết như thế. Tuy không nói thẳng ra là lên án nước nào nhưng bản tuyên bố chung của ASEAN cho hiểu ngầm Trung Quốc là thủ phạm của các căng thẳng khu vực khi ào ạt biến các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành những đảo nhân tạo khổng lồ. Trên đó họ xây dựng phi trường, cảng biển, các cơ sở quân sự để khống chế toàn bộ Biển Đông.
Bản tuyên bố lại còn khuyến cáo nước nào đó đừng có “quân sự hóa” Biển Đông, một thứ lời trách cứ Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự quy mô trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà trên đó họ lập các đài radar, trung tâm truyền tin, bố trí các giàn hỏa tiễn phòng không và chống tàu chiến.
Tuy nhiên chưa đầy 3 giờ sau khi bản tuyên bố nói trên được đại diện Bộ Ngoại Giao Malaysia phổ biến, thì một nữ phát ngôn viên loan báo thu hồi lại. Bà này nói rằng cần có những “điều chỉnh khẩn cấp.”
Buổi chiều tối cùng ngày, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, Vương Nghị, đưa ra một bản tuyên bố riêng, bác bỏ điều nói rằng tranh chấp Biển Đông là điểm gai góc giữa nước ông ta với khối ASEAN nói chung.
“Vấn đề này (tranh chấp Biển Đông) không phải là vần đề giữa Trung Quốc và ASEAN”. Vương Nghị nói. “Hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN lớn hơn nhiều so với bất cứ sự bất đồng nào, gồm cả tranh chấp Biển Đông.”
Theo một bản tin của tạp chí Time, sau khi bản tuyên bố chung của ASEAN được đưa ra, một nhà ngoại giao cho hay Bắc Kinh đã hối hả vận động một số nước rút lại. Theo nguồn tin này, Bắc Kinh đã áp lực Lào quốc năm nay là chủ tịch luân phiên của ASEAN rút lại.
“Khi con rồng gầm lên, các nước nhỏ cần tránh xa ngọn lửa phun ra từ mồm nó.” Một nhà ngoại giao nói. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhìn nhận thực tế chính trị thế này.”
Một ngày sau cuộc họp, người ta không thấy có một bản tuyên bố chung nào khác của ASEAN được đưa ra thay thế cho bản đã bị rút lại. Hồi năm 2012 cũng từng xảy ra chuyện tương tự khi Cambodia là chủ tịch luân phiên ASEAN. Cuộc họp thượng đỉnh của 10 nước hội viên đã không ra nổi một bản tuyên bố chung như từng có những năm trước.
Các nước ASEAN đã không đồng ý với nhau về nội dung của bản thông cáo chung khi đề cập đến tranh chấp Biển Đông. Nó chứng tỏ cái khối này không đồng nhất một lập trường. Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng cả kinh tế lẫn chính trị để chia rẽ nội bộ ASEAN vốn khác nhau về mọi mặt. (TN)
No comments:
Post a Comment