Wednesday, June 15, 2016

Kinh tế CSVN nằm ở đâu trong nền kinh tế Trung cộng?

Le Nguyen (Danlambao) - Vài thập niên trước, CSVN ngất ngây, điên loạn như lên đồng với cái gọi là đại thắng mùa xuân, hồ hỡi hô hào cải tạo xã hội, to mồm hò hét xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, lấy kinh tế chỉ huy làm chủ đạo. CSVN tập trung ý chí, tài nguyên chính trị, hoạch định chính sách kinh tế với đội quân vai u thịt bắp duy ý chí, làm mũi nhọn tiến công trên mặt trận kinh tế như đảng sử dụng chiến thuật biển người xông lên chiếm mục tiêu miền Nam trù phú, bất chấp cái giá tổn thất máu xương mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu.

Suốt hơn 40 năm của cái gọi là thống nhất, tiến hành xây dựng, phát triển quốc gia theo giấc mơ hoang tưởng cộng sản chủ nghĩa, đảng và nhà nước CSVN đã không ít lần thay đổi mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế, xã hội với những ngôn từ mang tính đặc thù cộng sản như đổi mới kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và trong những lần thay đổi có tính bước ngoặc nhằm giải cứu chế độ với tên gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rất ư là chủ nghĩa xã hội! 

Thực chất của cái gọi là đổi mới, cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của đảng CSVN chỉ là trở lại kinh tế thị trường - một loại hình kinh tế truyền thống, phát triển tự nhiên theo quy luật cung cầu của lịch sử phát triển xã hội giúp cho thế giới loài người giàu mạnh, văn minh. 

Ngày nay người dân Việt Nam, trừ những kẻ mù đảng cuồng Hồ, ai cũng thấy nền tảng xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và cả nước sau ngày 30/04/1975 của cái gọi là kinh tế xã hội chủ nghĩa, thật sự chẳng có ông bà cộng sản nào biết xã hội chủ nghĩa tròn méo ra sao, ngoài một mớ lý thuyết “treo đầu dê bán thịt chó” của các lý thuyết gia buôn nước bọt của đảng CSVN. 

Dù thế đảng cộng sản vẫn cứ ngoan cố bồng bế, nắm tay nhau lầm lũi đi trong đêm đen xã hội chủ nghĩa trên nền tảng vừa làm vừa học, sai đâu sửa đó. Bốn mươi năm với tư duy vừa học vừa làm, sai đâu sửa đó của các thế hệ lãnh đạo đảng CSVN về phương diện thuần túy kinh tế, tạm không bàn đến lãnh vực chính trị cũng đã thấy CSVN gây ra nhiều thảm họa khó khắc phục, càng sửa càng sai và ngày càng sai nghiêm trọng hơn.

Sai lầm nghiêm trọng trong cái gọi là "sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa", là do đa phần lãnh đạo CSVN gian manh, dốt nát, giới hạn tầm nhìn chiến lược, không khả năng hoạch định chính sách phát triển kinh tế nhưng rất to mồm nên vô tình biến Việt Nam trở thành một bộ phận, một tỉnh trong chính sách phát triển kinh tế của Tàu cộng theo sự dẫn dắt của những tên tay sai, nội tuyến trong nội bộ đảng CSVN. 

Hơn bốn thập niên phát triển kinh tế trong hỗn loạn hay nói cách khác là hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế như em bé chơi nhà chòi nên đảng CSVN đã để lại cho Việt Nam một đống kinh tế đổ nát, hoang tàn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hiện nay lãnh đạo ngu dốt của đảng CSVN đang đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành nút thoát cho nền kinh tế thị trường mang màu sắc hoang dã của Trung cộng qua những vụ việc cụ thể sau đây:

Thứ nhất, thị trường Việt Nam là bãi rác cho Trung cộng đổ những mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, thực phẩm kém chất lượng, dư lượng chất cấm, hóa chất độc hại bị trả về lẫn không thể xuất cảng qua các nước tiên tiến, giàu mạnh.

Thứ hai, Việt Nam là khách hàng tiêu thụ các loại nguyên liệu, phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất của ngành may mặc, giày da đã lỗi thời, kém hiệu quả cạnh tranh quốc tế trong tiến trình hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam cũng là điểm trung chuyển đổi nhãn mác, gắn giả mác hàng may mặc cho hàng Tàu xuất cảng ra thế giới. 





Bên trong hãng sản xuất hàng may mặc. 

Thứ ba, Việt Nam không thể tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các loại công nghệ lạc hậu, các thứ thiết bị lỗi thời, máy móc thải loại của Trung cộng, có năng suất thấp, chi phí cao gây ô nhiễm môi trường thuộc vào loại nhất nhì thế giới và không hiệu quả kinh tế lẫn gây tổn hại cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam.

Thứ tư, Trung Cộng sau vài thập niên phát triển các ngành công nghiệp nặng như sản xuất nhôm, sắt thép... phục vụ mục tiêu dân sự lẫn quân sự vô tổ chức đã để lại hậu quả môi trường nghiêm trọng nên Trung cộng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang Việt Nam nhằm bảo đảm nguồn cung nhôm, sắt, thép, gang... cho hướng phát triển các ngành kinh tế chiến lược của Tàu cộng.

Với vài điểm vừa nêu, không phải là tất cả sự việc biến Việt Nam thành một bộ phận kinh tế trong hệ thống kinh tế của Bắc Kinh và mở lối thoát cho các nút thắt kinh tế Trung cộng. Dù vậy nó cũng đủ cho chúng ta thấy mồm to óc trái nho của các lãnh đạo đảng CSVN - những lãnh đạo làm nhiệm vụ hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế Việt Nam hơn 40 năm qua là con số không to tướng, nếu không nói là đã bị nội tuyến Tàu kiềm chế, xỏ mũi dắt vào vòng lệ thuộc, phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế trung Quốc và không chỉ có kinh tế mà còn lệ thuộc vào nhiều lãnh vực khác nữa.

Thành thật mà nói 40 năm trước, lúc đảng cộng sản bừng bừng khí “đại thắng mùa xuân” lao vào xây dựng xã hội chủ nghĩa, đề cao mô hình hợp tác hóa nông nghiệp, quốc hữu hóa công nghiệp, quốc doanh hóa toàn bộ nền kinh tế với giấc mơ xóa bỏ bất công, xóa cảnh người bóc lột người và thực hiện mục tiêu làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu...

Thực tế chỉ ra với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa thì kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất, đảng CSVN làm cho miền nam Việt Nam vốn tương đối “ăn no mặc đẹp” thành ra nghèo đói đến sắp chết đói. Rồi bước sang kế hoạch ngũ niên lần thứ hai, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hoàn toàn sụp đổ buộc lãnh đạo đảng CSVN phải lên loa đài ngày đêm hô hào “cởi trói, đổi mới” và quay lại cách làm ăn cá thể, mở cửa giao thương với kinh tế tự do theo hướng phát triển kinh tế truyền thống của các nước tự do dân chủ. 




Trong cửa hàng quốc doanh của những năm đầu thập niên 80s.

Đến khi mô hình làm ăn cá thể, kinh tế dân doanh khởi sắc trở lại giúp cho người dân thoát nguy cơ chết đói thì đảng, nhà nước vào cuộc to mồm tự sướng “...Nếu không có đảng thì không có đổi mới???...” Lúc mở cửa giao thương với thế giới văn minh, Việt Nam được các nước dân chủ giàu mạnh viện trợ, hỗ trợ tạo điều kiện hội nhập vào giòng chính của nền kinh tế thị trường thì lãnh đạo cộng sản trơ trẻn tự khen đảng tài tình... khen đảng sáng suốt biết sáng tạo ra cụm từ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa!

Nhiều chục năm ngụp lặn trong nền kinh tế thị trường định hướng... không giống ai, lãnh đạo cộng sản chỉ hứa hẹn chứ không từng bước tiến hành thực hiện các quy định bắt buộc để được công nhận là kinh tế thị trường nhằm được hưởng ưu đãi lẫn hội nhập vào giòng chính của nền kinh tế thế giới. 

Suốt mấy mươi năm hô hào hội nhập bằng mồm, lãnh đạo CSVN chỉ giỏi môi mép, lẻo lự thậm chí là xuống nước nhỏ năn nỉ, xin xỏ “đế quốc sài lang” công nhận Việt Nam đủ tiêu chuẩn của một nước kinh tế thị trường, nhưng vẫn cứ khư khư bám giữ kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, đất đai là sở hữu toàn dân mà không người dân nào được làm chủ.

Trong khoảng thời gian CSVN thực hiện cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã trải qua vài ba kế hoạch ngũ niên bao gồm cả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với những khu công nghiệp “trao tay” giàn trải trên diện rộng khắp các tỉnh thành do các nhà thầu Trung cộng xây dựng bằng các kỹ thuật lạc hậu, máy móc thiết bị phế thải đã làm Việt Nam sập bẫy Trung Quốc. Phát triển kinh tế kiểu nông dân, thiếu tầm nhìn xa đã được các trí thức, các nhà khoa học có lòng trong lẫn ngoài nước lên tiếng cảnh báo nhưng vẫn không ngăn được những cái dầu ngu dốt lẫn tay sai trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam dừng lại.

Cũng như trong kế hoạch thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảng CSVN đã thành lập các tập đoàn kinh tế quốc doanh với quy mô lớn được đảng ưu ái gọi là quả đấm thép như Vinashine, Vinalines, Vinacomin... cùng với các dự án đình đám như các đập thủy điện, các nhà máy nhiệt điện, nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường điện cao thế Bắc Nam, Bauxite Tây nguyên, Khu liên hợp nhà máy thép Formosa...

Các tập đoàn kinh tế, dự án kinh tế của đảng CSVN, có cái chết thảm, có cái thua lỗ nặng, có cái chết lâm sàng, có cái còn tiềm ẩn chưa bùng phát thảm họa, có cái bùng ra thảm họa môi trường như sự kiện cá chết ở bốn tỉnh miền Trung. Tất cả những tập đoàn, những dự án kém hiệu quả, không khả thi phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ nhiều thập niên qua đều được người Việt trong ngoài nước dự báo, tiên đoán với tầm nhìn, tính toán khoa học, trí tuệ trước khi nó diễn ra như ngày hôm nay.

Thành thật mà nói nếu lãnh đạo các đời CSVN không tự sướng, không ngu dốt, không bị các tên tay sai Tàu cộng cài cắm trong nội bộ dẫn dắt thì sẽ không bị Tàu cộng giăng bẫy công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa Việt Nam vào tròng lệ thuộc nhằm biến Việt Nam thành một bộ phận kinh tế không thể tách rời kinh tế vĩ mô của Tàu, phục vụ cho tham vọng siêu cường kinh tế, quân sự của thực dân mới Tàu Cộng như nó đã, đang diễn ra.

Thật sự nếu Việt Nam không bị lãnh đạo CSVN, đảng tay sai của Bắc Kinh sử dụng luận điệu cùng chung ý thức hệ Mác-Lê, cùng theo đuổi xây dựng xã hội chủ nghĩa cột chặt vào mẫu quốc Tàu thì rất có khả năng nhà nước dân chủ, nhà nước không cộng sản Việt Nam, nhận ra thực lực và thế mạnh của Việt Nam để không phải chạy theo đuôi Tàu, làm kinh tế phụ trợ, thứ cấp cho Tàu như CSVN đang là...

Nếu lãnh đạo CSVN có tầm nhìn trí tuệ, có đầu óc khoa học thì đã không phát ngôn những con chữ leng keng làm dáng ta đây nhưng vô nghĩa như các cụm từ đao to búa lớn: "Tầm nhìn 20 năm, 30 năm... Đi tắt đón đầu...” chỉ rặt ròng là các con chữ vô nghĩa, vô giá trị trong thực tế xây dựng, phát triển kinh tế cho nước mạnh dân giàu.

Có lẽ người Việt Nam ai cũng biết, là nước ta có chiều dài 3 ngàn cây số bờ biển, cảnh đẹp hoang sơ đứng nhất nhì thế giới, trải dài từ bắc xuống nam, khí hậu thời tiết rất tuyệt vời và các nước Á Châu, các nước Đông Nam Á không đâu sánh bằng. Đó chính là thế mạnh để Việt Nam phát triển kỹ nghệ du lịch.




Bãi biển An Bằng, Hội An.

Du lịch là ngành kỹ nghệ không khói, không gây ô nhiễm môi trường, không gây thảm họa như các ngành kỹ nghệ khác. Các nước giàu mạnh tiên tiến có nằm mơ cũng không có lợi thế thiên nhiên ưu đãi như Việt Nam để làm kỹ nghệ du lịch. Những người đi du lịch là những người chịu xài tiền và không ngành kỹ nghệ nào kiếm tiền tốt hơn kỹ nghệ du lịch.

Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau hơn hai thập niên phát triển ngành du lịch đã bị đàn em Miên, Lào bỏ lại sau lưng và có lẽ cho đến khi xã hội chủ nghĩa Việt Nam xuống mồ cũng không có cửa để Việt Nam bắt kịp ngành du lịch của Thái, Malaysia, Singapore... chứ đừng hoang tưởng mơ bắt kịp Nhật, Hàn, Đài Loan... Tất cả các nước vừa kể không có nước nào có thế mạnh thời tiết và bờ biển đẹp như Việt Nam. 

Ngoài ra người Việt Nam thể tạng nhỏ, khéo tay không thích hợp công nghiệp nặng nhưng phù hợp với hướng phát triển công nghệ tin học, công nghệ tri thức là phần mềm (software), phần cứng (hardware), vi mạch (chip)... của thời đại tin học. Định hướng phát triển hiện đại hóa đất nước không kinh qua công nghiệp hóa mà đi thẳng vào nền công nghiệp tri thức với thế mạnh cần mẫn, khéo tay, thông minh của Việt Nam mới đúng là đi tắt đón đầu, là có tầm nhìn trí tuệ chứ không phải đi tắt đón đầu “bom bẩn” của Tàu cộng như CSVN đâm đầu vào.

Kỹ nghệ du lịch, kỹ nghệ dịch vụ, công nghiệp tin học, công nghiệp tri thức là hướng phát triển kinh tế phù hợp với vị trí địa lý, với thể chất con người Việt Nam. Nói cách khác, phát triển kinh tế theo hướng kỹ nghệ không khói, công nghệ tri thức là phù hợp với thế mạnh của Việt Nam và nếu lãnh đạo có trí tuệ, tài năng đều có thể nhận ra. Chỉ có những tên lãnh đạo cộng sản ngu dốt, hèn nhát mới bị những tên tay sai Tàu cộng dẫn dắt vào hướng phát triển kinh tế thành một bộ phận kinh tế không thể tách rời Tàu, với nhiều rủi ro ô nhiễm gây thảm họa môi trường như nó đang xảy ra và sẽ còn tiếp diễn.

15.06.2016

No comments:

Post a Comment