SÀI GÒN (NV) - Mặc dù chính quyền thành phố Sài Gòn cho rằng, tình trạng an ninh đã an toàn như mong đợi, nhưng khi được hỏi, cứ 10 người dân thì 9 người nói “Sài Gòn không an toàn.”
Một tên cướp kéo cổng vào tận trong nhà giật iPad trên tay một bé gái ở đường Nguyễn Phúc Chu, quận Tân Bình. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Theo kết quả từ cuộc khảo sát nhanh do báo Tuổi Trẻ thực hiện mới đây và công bố ngày 15 Tháng Sáu, trên 120 người dân trong độ tuổi trưởng thành thuộc các quận: 1, 3, 7, Bình Thạnh, Tân Bình và Gò Vấp về tình hình an ninh trật tự nói chung và nạn cướp giật tài sản trên đường phố Sài Gòn nói riêng cho thấy, chỉ có 10.8% số người cho là “an toàn,” trong khi có đến 45.8% số người cho rằng “không an toàn.”
Nữ giới là nhóm cho rằng tình hình an ninh tại Sài Gòn không an toàn cao hơn so với nam giới (49.2% so với 40.7%), điều này có thể hiểu được vì gần như đa số nạn nhân của các hiện tượng tội phạm là nữ giới.
Những người càng lớn tuổi thì càng cho rằng, tình hình an ninh trật tự không an toàn; những người sống ở các quận trung tâm cũng nhận định, tình hình an ninh không an toàn nhiều hơn những người sống ở các quận xa trung tâm thành phố.
Đi sâu vào hiện tượng cướp giật, kết quả khảo sát cho thấy có hơn 1/3 số người được hỏi cho biết họ đã từng chứng kiến một vụ cướp giật trên địa bàn thành phố.
Trong đó, có 37.5% số người sống tại các quận trung tâm cho biết đã từng chứng kiến nạn cướp giật trên đường phố, cao hơn so với 26.8% số người sống ở các quận xa khu vực trung tâm. Đặc biệt, là trong tổng số 120 người được khảo sát, có 21 người (17.5%) cho biết bản thân họ từng là nạn nhân của nạn cướp giật trên đường phố và hơn phân nửa số nạn nhân cho biết, họ cảm thấy hoảng loạn, lo lắng sau khi bị cướp giật.
Hơn phân nửa người trả lời khảo sát cho rằng, nạn cướp giật có nguyên nhân từ các tệ nạn xã hội khác gây ra như “ma túy, chơi lô đề, nghiện game” và “thất nghiệp” gây ra.
Theo truyền thông Việt Nam, công an Sài Gòn cho hay, chỉ trong ba tháng kể từ ngày 16 Tháng Hai tới 15 Tháng Năm vừa qua, Sài Gòn đã xảy ra 1,173 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 22 người, bị thương 167 người và thiệt hại khoảng 33 tỷ đồng.
Trong số các vụ phạm pháp hình sự được ghi nhận, án trộm cắp tài sản vẫn xảy ra nhiều nhất với 622 vụ, chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu tội phạm. Án cướp giật xếp thứ hai sau trộm cắp với 218 vụ. Đáng chú ý, khi lực lượng công an tập trung trấn áp tại khu vực trung tâm thành phố, thì các băng nhóm cướp giật lại chuyển ra khu vực vùng ven như các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh... hoạt động. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment