Theo báo Pháp luật-18-06-2016
Mới đây, Bộ Tư pháp đã họp hội đồng thẩm định dự án Luật Công an xã. Một nội dung đáng chú ý của dự luật là trong một số trường hợp cấp bách, công an xã được “huy động” điện thoại di động, xe cộ… của dân.
Công an xã An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) phối hợp với các lực lượng diễn tập truy bắt tội phạm. Ảnh: Yến Anh
Dự thảo Luật Công an xã quy định công an xã có 13 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, ngoài ra còn “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”.
“Huy động” phương tiện?
Trong số 13 nhiệm vụ, quyền hạn nói trên, công an xã được tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Công an xã cũng có quyền kiểm tra đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.
Cạnh đó, công an xã được “thực hiện trách nhiệm đối với hoạt động điều tra hình sự theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự”; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin và thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đáng chú ý, công an xã được “huy động” phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác, người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách như để cấp cứu người bị nạn; cứu nạn, cứu hộ; truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm. Công an xã phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống cấp bách đó chấm dứt và báo cáo ngay với chủ tịch UBND cùng cấp. Trường hợp tài sản huy động bị thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật…
“Đụng” đến tài sản: Không đơn giản!
Góp ý dự thảo, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Việc công an xã “huy động” tài sản như trên là trường hợp xung đột giữa lợi ích chung của xã hội (cấp cứu người bị nạn, cứu nạn, cứu hộ, truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm) và quyền về tài sản của người dân.
Theo TS Tuấn, thực chất việc “huy động” tài sản của công an xã nói trên chính là hoạt động trưng dụng tài sản. Theo Điều 5 Luật Trưng mua, trưng dụng 2008, các trường hợp cấp cứu người bị nạn, cứu nạn, cứu hộ, truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm không phải là trường hợp được trưng dụng tài sản. Theo Điều 24 luật này, công an xã cũng không có thẩm quyền trưng dụng tài sản.
“Việc “huy động” tài sản của công an xã có thể xâm phạm đến quyền về tài sản của người dân được pháp luật bảo hộ nên không được trái với Hiến pháp 2013. Đặc biệt, cần phải quy định rõ đó là hoạt động trưng dụng chứ không phải là “huy động” chung chung và dự thảo Luật Công an xã về nội dung này không được trái với Luật Trưng mua, trưng dụng. Do đó, trước khi đưa nội dung này vào dự thảo Luật Công an xã thì cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Trưng mua, trưng dụng” – TS Tuấn đề xuất.
Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao cũng cho rằng ban soạn thảo dự luật cần phải làm rõ “huy động” tài sản có phải là trưng dụng hay không. Nếu là trưng dụng thì phải quy định phù hợp với pháp luật về trưng dụng. Nếu là một hình thức mới thì lúc đó hàng loạt vấn đề sẽ cần đặt ra: “Huy động” khác gì với trưng dụng? Chủ tài sản, người quản lý tài sản có quyền từ chối cho công an xã “huy động” tài sản hay không? Nếu tài sản “huy động” bị thiệt hại thì cơ quan nào bồi thường cho chủ tài sản, trình tự, thủ tục, thời hạn bồi thường ra sao?
“Giả sử công an xã “huy động” smartphone của dân mà làm mất, làm lộ các dữ liệu cá nhân lưu trữ trong smartphone như hình ảnh, clip, file văn bản, mật khẩu hộp thư điện tử, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng… thì giải quyết hậu quả pháp lý ra sao?” – vị kiểm sát viên này nói.
“Cần quy định thật cụ thể các trường hợp được phép “huy động” tài sản, cấp nào trong công an xã có thẩm quyền “huy động”, thủ tục “huy động”… để dễ áp dụng và tránh tùy tiện, lạm quyền” – luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) góp ý. Theo ông, điều đáng lo ngại là kiến thức pháp luật của nhiều cán bộ công an xã còn hạn chế, nếu lạm dụng quyền “huy động” thì sẽ gây ra hậu quả khó lường.
Công an xã chỉ cần tốt nghiệp tiểu học?
Dự luật đưa ra nhiều tiêu chuẩn tuyển chọn công an xã như là công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự… Ngoài ra, trưởng công an xã, phó trưởng công an xã phải là người đã học xong chương trình THPT trở lên; công an viên phải là người đã tốt nghiệp THCS trở lên. Đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không có đối tượng tuyển chọn đủ tiêu chuẩn học vấn như trên thì trình độ học vấn của trưởng công an xã, phó trưởng công an xã và công an viên có thể thấp hơn nhưng cũng phải học xong chương trình tiểu học trở lên.
Nhiều ý kiến lo ngại về việc chấp nhận cho lực lượng công an xã chỉ cần “học xong chương trình tiểu học” trong khi đảm đương nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng. Trước đây, khi góp ý dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, bà Lê Thị Nga (hiện là chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) từng băn khoăn: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là với người có trình độ học vấn thấp, ít được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, làm việc bán chuyên trách, luôn luôn chịu áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ mà lại được giao thẩm quyền quá lớn cùng với những công cụ, phương tiện có thể gây nguy hiểm cao độ thì việc lạm quyền, vi phạm là khó tránh khỏi”. Theo bà Nga, nếu thấy cần giữ và giao thêm các nhiệm vụ quan trọng cho công an xã mà có khả năng hạn chế quyền con người thì phải nâng tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào, đồng thời phải chuyển lực lượng này từ bán chuyên trách sang chính quy.
Có nên chính quy hóa?
Dự thảo quy định công an xã là “lực lượng vũ trang bán chuyên trách” thuộc hệ thống CAND, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.
Theo ông Trần Thế Quân (Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính – tư pháp, Bộ Công an), có ý kiến đề nghị dự thảo quy định theo hướng chính quy hóa lực lượng công an xã. Ý kiến khác lại đề nghị chỉ chính quy hóa lực lượng công an tại các thị trấn chưa bố trí công an chính quy; với công an xã tại các xã thì giữ như hiện hành và bổ sung thêm quy định.
“Bộ Công an thấy rằng nếu chính quy hóa toàn bộ lực lượng công an xã sẽ làm tăng rất lớn biên chế lực lượng CAND, Nhà nước khó có khả năng bảo đảm kinh phí để chi trả tiền lương, phụ cấp, chế độ, chính sách…” – ông Quân cho biết.
No comments:
Post a Comment