Sunday, June 19, 2016

Đằng sau ‘ngư dân mất tích và thương vong trên biển’ là gì?

Theo NGười Việt- 19-06-2016 3:41:40 PM 
Phạm Chí Dũng
Tình cảm bất ngờ

“Hơn 4,000 tàu cá Việt Nam gặp nạn với hơn 2,300 ngư dân thương vong, mất tích trên biển chỉ trong hơn hai năm qua” - vào đầu Tháng Sáu, một quan chức phụ trách các vấn đề liên quan tới ngư dân - ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, đột biến bày tỏ mối quan tâm qua một phát ngôn trên mặt báo chí.

Tình cảm quan tâm được coi là chưa từng có này bất chợt phát lộ chỉ ít ngày sau chuyến công du Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama và món quà bất ngờ của người Mỹ về dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với chính quyền Việt Nam. Cùng lúc, báo chí quốc tế ồn ào tin tức về khả năng tàu sân bay Mỹ có thể tiếp cận càng quân sự Cam Ranh của Việt Nam không chỉ một lần mỗi năm - một nguyên tắc trong “Sách Trắng” của quân đội nhân dân nước này.

Điểm nhấn khá kỳ quặc là cùng với mối quan tâm đột xuất về tình cảm đánh bắt xa bờ của ngư dân, không phải những quan chức áo quần lượt là của Bộ Ngoại Giao mà vẫn là công chức Vũ Văn Tám khi cho rằng “cần phải thiết lập đường dây nóng giữa các quốc gia trong khu vực” để bảo vệ ngư dân, và Việt Nam hiện đã lập một đường dây với Philippines, nhưng muốn có thêm với Thái Lan, Cambodia, Brunei, Malaysia và Indonesia.
Vì sao lại có mối quan tâm hiếm có trên?

Phải chăng chính thể Việt Nam nổi tiếng về trạng thái đu dây chính trị bắt đầu thành tâm lo lắng cho số phận của “ngư dân bám biển hải quân bám bờ,” hay bức bối bởi động cơ nào khác?

Vì sao?

Nếu là thành tâm, vì sao sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào án ngữ ở Biển Đông năm 2014 và khiến hàng ngàn tàu cá của ngư dân Việt phải chịu cảnh nằm bờ treo niêu, lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam lại không có động tác gì để hộ tống ngư dân ra khơi như cách người Philippines và người Nhật đã làm đúng thiên chức “quân với dân như cá với nước?”

Không những tư thế “bám bờ” vẫn kiên định một cách phủ phục đến khó tưởng tượng, những hứa hẹn của chính phủ “cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt” từ giữa năm 2014 đã trôi ngược lên Trung Nam Hải. Sau một thời gian tuyên truyền lẫn tuyên giáo như thể nhà nước sẽ làm tất cả cho ngư dân của mình, một lần nữa trong rất nhiều lần người dân lại mất nốt những hy vọng xót xa còn lại. Bị giới ngân hàng chỉ biết “còn đảng còn tiền” bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều ngư dân khác đã phải nuốt giận rút hoặc hủy hồ sơ vay vốn. Kế hoạch “đóng tàu sắt” của Việt Nam cho tới nay có thể xem như bị phá sản, ngược lại với thực tế hàng chục ngàn tàu sắt của ngư dân Trung Quốc được Bắc Kinh trang bị đến nơi đến chốn để ồ ạt đánh bắt cá ở Biển Đông.

Và nếu là thành tâm, vì sao đã nửa năm sau khi ngư dân Trương Đình Bảy bị “tàu lạ” giết chết trên biển, chính quyền Việt Nam vẫn không hề đoái hoài đến việc tìm ra thủ phạm? Tất cả những gì được coi là “sẽ điều tra làm rõ” của các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn là không công bố được bất kỳ manh mối nào về kẻ thủ ác, vẫn cấm khẩu đến mức đáy lương tâm.

Cần nhắc lại, vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết xảy ra ở khu vực Trường Sa vào tháng Mười Một, 2015, hai tuần sau vụ một tàu Trung Quốc chĩa súng AK vào tàu hải quân Việt Nam.

Một khả năng rất lớn là những kẻ trên “tàu lạ” gây ra cái chết của ngư dân Trương Đình Bảy chính là người Trung Quốc, cho dù một tờ báo nhà nước đã mau mắn đưa tin rằng ngư dân Việt nhận thấy những người lạ mặc quần áo giống người Philippines. Khi đó, chính Đà Nẵng lại phát hiện ra bằng chứng đầu tiên: “tàu lạ” bắn giết ngư dân Việt treo cờ Trung Quốc.

Chưa hết, chỉ một ngày sau khi Việt Nam tổ chức kỷ niệm sự kiện 17 Tháng Hai, thời điểm nổ ra cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc vào biên giới phía Bắc Việt Nam, vào ngày 18 Tháng Hai, một tàu cá của ngư dân Quảng Bình bị “tàu lạ” thả neo làm chìm khiến ba ngư dân mất tích gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Thế nhưng cho tới nay đã không có bất cứ cuộc điều tra nào của các cơ quan chức năng Việt Nam để “làm rõ” kẻ nào là thủ phạm.

Đến giữa Tháng Sáu, lại một tàu cá của ngư dân Việt bị “tàu lạ” húc chìm khiến một ngư dân rơi xuống biển mất tích. Nhưng đòn đánh hiểm này không phải xảy ra xa tít ngoài Biển Đông mà cách Côn Đảo không xa.
Rõ ràng từ cuối năm 2015 đến nay, quan hệ Việt - Trung đã “nồng ấm” thấy rõ. Nếu trước đây, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc chỉ dừng ở mức độ áp sát, ngăn cản, hoặc tấn công đánh đập ngư dân Việt, húc lật thuyền Việt... chứ không trực tiếp bắn thẳng vào ngư dân Việt, thì về sau này, chuyện tàu Trung Quốc bắn chết ngư dân Việt không còn là quá hiếm.

Chưa bao giờ trong lịch sử 41 năm kể từ ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” ngư dân Việt lại lâm vào cảnh khốn cùng như những thời khắc này. Mất biển xa để đánh cá, nhưng ngay cả biển gần cũng bị trở nên tang thương bởi vụ “cá chết Formosa.” 


“Bảo vệ sự bình yên của vùng biển quê hương”

Giờ đây, ở vào thế phải đối mặt với mối nguy hiểm rất cận kề của pháo phòng không và tên lửa đất đối không Trung Quốc đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam không còn cách nào khác là phải tìm cách liên minh với người Mỹ - chỗ dựa duy nhất về mặt quân sự, cũng như tìm mối đồng cảm từ những quốc gia trong khối ASEAN. Đó hẳn là nguồn cơn vì sao giới quan chức Việt “bỗng dưng” quan tâm đến tình trạng hiểm nguy của ngư dân, để từ đó đưa ra mục tiêu “bảo vệ ngư dân” và có thể sẽ bắt đầu đưa tàu hải quân cùng tuần tra với tàu chiến các nước trong khu vực lẫn tàu tuần tra của Mỹ ở khu vực Biển Đông.

Cần nhắc lại, vào Tháng Hai, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang buộc phải ngả hơn về Hoa Kỳ, trong lúc xa rời hơn quỹ đạo Bắc Kinh. Trước sự kiện một tàu quân sự Mỹ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và bị phía Trung Quốc lên án dữ dội, phía Việt Nam đã lần đầu tiên tỏ ra “can đảm” khi tuyên bố sự kiện này là “Tàu Mỹ đi qua vô hại.”

Cũng vào Tháng Hai, cuộc diễn tập quân sự chung giữa Nhật và Việt Nam đã kết thúc tại Đà Nẵng. Tin tức về cuộc tập trận chung này chỉ được phát ra bởi hãng tin Kyodo của Nhật. Hãng tin này cho biết lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) và hải quân Việt Nam đã có đợt tập dượt chung ba ngày từ 16 - 18 Tháng Hai ngoài khơi Đà Nẵng. Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Kịch bản có thể diễn ra vào những tháng tới là trên danh nghĩa “bảo vệ ngư dân,” một số tàu chiến của hải quân và lực lượng cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiến hành tuần tra biển cùng với các “đồng minh” người Nhật và người Philippines. Hoặc nếu khả quan hơn, Việt Nam sẽ cùng tuần tra với các tàu chiến của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ để “bảo vệ sự bình yên của vùng biển quê hương.”

No comments:

Post a Comment