Vài năm trước, vụ việc Bộ Tài chính đề nghị xóa 10,000 tỷ đồng tiền nợ thuế cho một số doanh nghiệp đã khiến dậy sóng dư luận. Rất nhiều người cho rằng không phải vì lòng hảo tâm của cơ quan tài chính này, mà ẩn chứa bên trong đó là động cơ của các nhóm lợi ích và “cơ chế” chia chác cá nhân để trục lợi chính sách.
Ông Đoàn Nguyên Đức, người đứng đầu Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Hình Vneconomy
Còn giờ đây, vụ việc một số ngân hàng thương mại và cơ quan chức năng đề nghị cứu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại làm dấy lên nỗi nghi ngờ lớn về khả năng Ngân hàng nhà nước sẽ dùng tiền ngân sách để làm một việc vô bổ trong bối cảnh dân chúng bị chính quyền đè đầu bắt nộp đủ các loại thuế.
Hai điểm chính mà các ngân hàng chủ nợ đề xuất để cơ cấu lại nợ cho Hoàng Anh Gia Lai, gồm: cơ cấu, gia hạn các khoản vay mà không phải chuyển nhóm nợ; Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ các ngân hàng xử lý.
Cả hai điểm trên đều được coi là “nhạy cảm” vì liên quan đến lợi ích, sự công bằng, trách nhiệm, vấn đề nợ xấu và thậm chí là cả câu chuyện dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hay không.
Nếu thực hiện hai hướng “hỗ trợ” trên, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn bị liên đới với vấn đề nợ xấu tiếp tục bị lẩn khuất trong nhận diện; các ngân hàng chủ nợ được nhượng bộ về chi phí trích lập dự phòng khi nợ không phải chuyển nhóm; nếu thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ thì sẽ đụng đến ngân sách và sự công bằng, vì có nhiều doanh nghiệp khác cũng khó khăn mà không được hỗ trợ như vậy…
Từ nhiều năm trước đã phát sinh dư luận về một Hoàng Anh Gia Lai có “quan hệ” rộng với nhiều quan chức, kể cả quan chức cao cấp. Thậm chí tập đoàn này còn có tầm hoạt động đa quốc gia khi trở thành tác nhân phá rừng ở Lào và Campuchia, đẩy đuổi người nông dân khỏi rừng của họ để lấy gỗ và trồng cao su. Chính một tổ chức bảo vệ môi trường có uy tín quốc tế là Global Witness đã phải phát ra một bản “cáo trạng” đối với Hoàng Anh Gia Lai về các chiến dịch phá rừng đó, khiến tập đoàn này có một thời gian bị cộng đồng gần như tẩy chay.
Cũng không loại trừ ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai là Đoàn Nguyên Đức có mối “quan hệ” đủ mạnh với giới quan chức Ngân hàng nhà nước, để từ đó giới này tham mưu cho chính phủ “giải cứu đặc cách” cho Hoàng Anh Gia Lai.
Vài năm trước, đã từng có tiền lệ Thống đốc Nguyễn Văn Bình mưu tính đề xuất Quốc hội cho dùng tiền ngân sách để cứu nợ xấu. Nếu đề nghị này vô phúc được thông qua, ngân sách dùng tiền đóng thuế của dân sẽ phải bỏ ra ít nhất 25 tỷ USD để giải phóng khối nợ xấu mà các ngân hàng đang phải “ôm” – hậu quả của công cuộc đầu tư trái ngành vào bất động sản và chứng khoán những năm trước.
Còn bây giờ, giới quan chức lãnh đạo mới của Ngân hàng nhà nước sẽ làm gì?
Có một chút hy vọng rằng tân thống đốc Ngân hàng nhà nước là Lê Minh Hưng sẽ khác Nguyễn Văn Bình, sẽ không đến mức bị xem là tội đồ của nền kinh tế quốc dân khi có nhiều biểu hiện cho thấy ông Bình chỉ cúc cung phục vụ các nhóm lợi ích mà quên phắt dân sinh.
06/18/2016 - 22:27
Lê Dung / SBTN
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment