Bùi Văn Phú Gửi cho BBC từ San Jose, California 6 giờ trước
Trong chuyến công du Việt Nam tuần này, khi loan báo những hợp tác mới giữa hai nước Tổng thống Barack Obama cho biết chương trình Peace Corps (Đoàn Hòa bình) của Hoa Kỳ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam trong công tác giảng dạy Anh ngữ.
Sau đó, trong một buổi lễ với sự hiện diện Ngoại trưởng John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại diện hai quốc gia là giám đốc Peace Corps, bà Carolyn Hessler-Radelet, và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã ký các văn bản để khởi động chương trình đem tình nguyện viên đến Việt Nam.
Theo thỏa thuận, Việt Nam đồng ý tiếp nhận tình nguyện viên Peace Corps đến dạy Anh ngữ cũng tham gia vào việc huấn luyện đội ngũ giáo viên tiếng Anh, mở đầu tại Hà Nội, Sài Gòn và sau đó sẽ đến các tỉnh thành khác.
Đây là kết quả của một tiến trình nhiều trở ngại kéo dài trong phát triển quan hệ Mỹ-Việt. Từ năm 2008, Đại sứ Michael Michalak trong buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt ở San Jose cho biết Hoa Kỳ đã đề xuất việc này. Đến năm 2012 một phái đoàn do ông Aaron Williams, giám đốc Peace Corps thời đó, đã đến Việt Nam để xem xét việc thiết lập chương trình, nhưng Hà Nội không tỏ vẻ nhiệt tình vì vẫn còn nghi ngờ hoạt động của Peace Corps.
Trong những thập niên 1960 và 1970 trên truyền thông tại các quốc gia không thân thiện với Hoa Kỳ có cáo buộc rằng tình nguyện viên Peace Corps có là những người hoạt động tình báo.
Thời chiến tranh Việt Nam, nhiều thanh niên Mỹ đăng ký làm tình nguyện cho Peace Corps để khỏi phải gia nhập quân đội, tránh qua tham chiến ở Việt Nam.
Tướng Quang quyết định
Năm ngoái, trong chuyến đi Hoa Kỳ của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, nay là chủ tịch nước, ông đã được giới chức Mỹ trình bày cho hiểu rõ mục tiêu hoạt động của Peace Corps và sau đó chính ông là người đã đồng ý cho Peace Corps vào Việt Nam.
Tháng Bảy năm ngoái, khi Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius đến San Jose tôi đặt câu hỏi về triển vọng đưa Peace Corps đến Việt Nam và ông nói chắc chắn sẽ xảy ra trong năm 2015. Khi đó đã có kế hoạch cho Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam vào tháng 11, nhưng chuyến đi không thực hiện được vì Việt Nam bận đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phải đợi đến tuần này, với chuyến đi của Tổng thống Obama thì chương trình đưa tình nguyện viên Peace Corps vào Việt Nam mới chính thức được đại diện hai quốc gia ký kết.
Peace Corps được Tổng thống John F. Kennedy khai sinh năm 1961 với mục đích gửi thanh niên Hoa Kỳ, vừa tốt nghiệp đại học, đến những nước kém phát triển để phục vụ hai năm trong những lãnh vực mà quốc gia đó cần, thường là về giáo dục, y tế, nông nghiệp, chăn nuôi trong những thập niên đầu của chương trình.
Khoảng ba thập niên trở lại đây, Peace Corps đã mở rộng chương trình gồm cả công nghệ thông tin, thương mại, môi trường, phát triển thanh thiếu niên, phát triển cộng đồng.
Đối với những chính phủ không thích Hoa Kỳ, họ nghi ngờ hoạt động của tình nguyện viên vì đó là những thanh niên, thiếu nữ từ bỏ cuộc sống êm ấm ở Mỹ đến sống hòa nhập với môi trường của người dân, hiểu được ngôn ngữ và những phong tục tập quán địa phương.
Với chính phủ và người dân Hoa Kỳ, những tình nguyện viên Peace Corps được coi như là “đại sứ nhân dân” đại diện cho các tầng lớp xã hội Mỹ ra trước thế giới.
Theo số liệu gần đây nhất của Peace Corps, trong gần 9 nghìn tình nguyện viên đang phục vụ trên 70 quốc gia, 37% là về giáo dục, 22% về y tế, phòng chống bệnh Sida, 14% về thương mại và công nghệ truyền thông, 13% về môi trường.
Con số tình nguyện viên phục vụ ở châu Phi đông nhất, chiếm 41%; Mỹ Latinh 23%; Đông Âu và Trung Á 18%. Con số ở Đông Á bao gồm Trung Quốc, Cambodia, Indonesia, Mongolia, Philippines và Thái Lan chỉ chiếm 8%.
Lịch sử 55 năm
Trong 55 năm hoạt động, Peace Corps đã gửi 220 nghìn công dân Mỹ làm tình nguyện viên đi phục vụ tại 144 quốc gia khắp thế giới.
Mỗi năm Peace Corps tuyển chừng 4 nghìn tình nguyện viên. Quá trình tuyển chọn từ lúc nạp đơn cho đến ngày chính thức rời Hoa Kỳ có thể lâu từ 9 tháng đến một năm vì phải qua các thủ tục an ninh và sức khoẻ.
Một tình nguyện viên khi được chọn phải cam kết phục vụ 27 tháng, trong đó có ba tháng học ngôn ngữ và hướng dẫn về phong tục, tập quán nơi sẽ đến làm việc.
Tình nguyện viên được trợ cấp tài chánh để trả tiền nhà, tiền ăn bằng mức sống của một người dân địa phương.
Tôi là một tình nguyện viên Peace Corps được gửi sang Togo dạy lý hóa bậc phổ thông từ 1983 đến 85. Trong hai năm đó tôi sống trong một căn nhà không có điện, không có nước, không ti-vi. Phương tiện giải trí chỉ là chiếc ra-đi-ô cát-sét tôi mang theo để nghe nhạc. Liên lạc với gia đình và bạn bè là những lá thư gửi qua đường bưu điện.
Bây giờ tình nguyện viên không còn cách biệt với bên ngoài như thế nữa vì hầu như khắp nơi trên thế giới đều có thể nối mạng Internet.
Năm tôi sang Togo, trong đoàn có tất cả 45 người, làm việc trong nhiều lãnh vực khác nhau gồm dạy toán lý hoá, trồng cây, đào giếng, y tế, huấn luyện sư phạm Anh ngữ.
Việt Nam sẽ đón những tình nguyện viên từ Hoa Kỳ sang giảng dạy và huấn luyện cho các giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam. Theo hiểu biết của tôi, để được chọn phục vụ trong ngành này một ứng viên cần có ít nhất bằng cử nhân, đã học những lớp TESL (Teaching English as Second Language) hay TEFL (Teaching English as Foreign Language) và có kinh nghiệm dạy Anh ngữ, càng nhiều năm càng có cơ hội được chọn.
Những tình nguyện viên Peace Corps sau khi hết hạn phục vụ hai năm nhiều người tiếp tục làm việc trong lãnh vực phát triển quốc tế, có người trở thành những nhà ngoại giao của Hoa Kỳ.
Sau hai năm ở Togo, tôi làm việc với Cao ủy Tị nạn tại Đông Nam Á thêm vài năm nữa rồi sau đó về lại Hoa Kỳ dạy học.
Tác giả hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.
No comments:
Post a Comment