Khôi Nguyên & Đỗ Dzũng/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - “Muốn làm lãnh đạo giỏi, chúng ta phải say mê làm điều gì đó tốt cho xã hội chứ không phải nghĩ đến việc chúng ta sẽ là ai.”
Đó là thông điệp Tổng Thống Barack Obama gởi ra cho giới trẻ Việt Nam, qua buổi gặp gỡ “town hall” với khoảng gần 1,000 sinh viên tại GEM Center ở Sài Gòn sáng Thứ Tư, 25 Tháng Năm.
Tổng Thống Barack Obama nói chuyện với sinh viên Việt Nam trong chương trình YSEALI. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt) |
Thực ra, đây là câu trả lời của ông Obama đối với câu hỏi của một sinh viên trong phần hỏi đáp, sau bài diễn văn chỉ vỏn vẹn 10 phút của ông, mà trong đó chủ yếu ông nhắc nhở và khuyến khích những gì mà giới trẻ có thể đóng góp cho xã hội.
Ông giải thích: “Điều quan trọng nhất là tìm một cái gì đó mà chúng ta thật sự quan tâm, một cái gì đó thật sự khích lệ mình, và nỗ lực tối đa để thực hiện, bởi vì con đường dẫn đến thành công của mỗi người khác nhau. Có người rất quan tâm đến giáo dục, có người rất quan tâm đến thuốc, có người quan tâm đến kinh doanh. Không ai giống ai trên con đường trở thành lãnh đạo.”
“Muốn trở thành lãnh đạo, có người nghĩ là phải đọc những bài diễn văn hay, nhất là trong lãnh vực chính trị. Tuy nhiên, có nhiều cách để lãnh đạo. Có một số nhà lãnh đạo rất giỏi, nhưng làm việc âm thầm, ví dụ như Tiến Sĩ Martin Luther King, người đã đấu tranh tạo ra cơ hội cho những người như tôi,” ông tiếp tục.
Em Nguyễn Thùy Như Nguyện đến để nghe thông điệp của tổng thống Mỹ cho giới trẻ. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt) |
Rồi ông tiếp tục đề cập một số nhân vật, ở độ tuổi như các sinh viên ngồi trong hội trường, ví dụ như Dân Biểu John Lewis, từng đi vào các cộng đồng, giúp người da đen ghi danh đi bầu…
Ông nói: “Có nhiều nhà lãnh đạo vĩ đại, mặc dù họ đọc diễn văn không hay trước đám đông.”
“Thế nhưng, chúng ta phải say mê một điều gì đó,” ông Obama nhắc nhở. “Tôi từng nói với một số bạn trẻ là đừng quá lo lắng mình sẽ là gì, bởi vì nó làm sao nhãng mục tiêu của chúng ta. Nếu các bạn say mê công việc làm của các bạn, theo thời gian, tự nhiên các bạn sẽ thành công và được người ta kính nể vì những gì các bạn đã làm,” ông nói tiếp.
Ông thêm: “Nhưng nếu tất cả các bạn nghĩ rằng tôi muốn là thành viên quốc hội, tôi muốn giàu có, tôi muốn là cái này cái kia, thì khi đó, các bạn sẽ ít chú ý đến những công việc thực sự ngay trước mắt mình. Tôi từng gặp những người thành công, và họ đạt được điều này là vì họ yêu thích công việc của họ.”
“Ông Bill Gates, người sáng lập Microsoft, ban đầu không nghĩ mình sẽ trở thành tỷ phú. Ông bắt đầu với sự say mê máy điện toán và tìm cách sáng tạo các chương trình phần mềm thật tốt,” ông Obama nói. “Ban đầu, tôi không nghĩ tôi sẽ là tổng thống. Khi tôi không còn ham chơi nữa, tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc, làm sao giúp cư dân nghèo trong các cộng đồng có thu nhập thấp có thêm cơ hội. Thế là tôi bắt đầu làm việc trong các khu xóm nghèo ở Chicago.”
Đông đảo sinh viên Việt Nam đến nghe tổng thống Mỹ nói chuyện. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt) |
“Và bởi vì tôi say mê công việc này, thế là tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm sao tôi có thể mang tiền về để gia tăng chi tiêu cho giáo dục trong các cộng đồng này, làm thế nào để có tiền giúp cộng đồng này có nhà ở tốt hơn. Và đó là khi tôi nhận ra chính trị là gì. Rồi tôi nghĩ làm sao mình có thể tạo ra ảnh hưởng, làm sao tôi có thể thành lập các tổ chức giúp thực hiện những gì tôi muốn. Và đây là điều dẫn đưa tôi vào con đường chính trị,” ông nói. “Thế nhưng tôi không bắt đầu với suy nghĩ tôi muốn làm tổng thống. Tôi bắt đầu bằng suy nghĩ rằng tôi muốn giúp những người dân này.”
“Đó là lời khuyên quan trọng nhất của tôi cho các bạn,” vị tổng thống Hoa Kỳ nói tiếp. “Hãy quyết định làm điều gì mà mình quan tâm nhất, rồi cố gắng làm tất cả mọi thứ cho mục tiêu này. Nếu các bạn thích mạng xã hội, thích mở một công ty, hãy tập trung thực hiện việc này.”
Ông giải thích thêm: “Nếu các bạn quan tâm đến y tế cho vùng quê ở Việt Nam, hãy tập trung làm việc này. Nếu thành công, tự nhiên các bạn sẽ trở thành lãnh đạo giỏi và có cơ hội làm những việc lớn trong tương lai.”
Đây là phần trả lời câu hỏi mà ông Obama dành nhiều thời gian nhất, và giải thích một cách cặn kẽ và sống động nhất trong buổi nói chuyện.
Buổi gặp gỡ này là hoạt động cuối cùng của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài trong ba ngày.
Đa số những người tham dự là thành viên của Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI), một chương trình do Tổng Thống Obama khởi xướng hồi năm 2013 và đang được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực hiện, nhằm đào tạo giới trẻ tại các quốc gia ASEAN trở thành lãnh đạo tương lai. Hiện nay, Việt Nam có 1,300 sinh viên tham gia chương trình này.
Ngay từ 6 giờ sáng, hàng trăm sinh viên Việt Nam trong trang phục lịch lãm đứng xếp hàng để vào trong tòa nhà, mặc dù chương trình bắt đầu lúc 11 giờ.
Em Nguyễn Thùy Như Nguyện, một thành viên của YSEALI, cho biết em hy vọng nghe được lời khuyên của ông Obama để có thể làm điều gì đó tốt hơn.
Em nói: “Em có nghe bài diễn văn của ông ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia ngày hôm qua. Hôm nay em đến đây với hy vọng có thể tiếp nhận được sự truyền cảm của ông, với một lời khuyên thiết thực nào đó, để có thể thay đổi tình hình thực tế đất nước hiện nay.”
Một thành viên YSEALI khác, em Tất Ưng Hy, cho biết: “Buổi gặp gỡ với tổng thống hôm nay rất quan trọng vì ông sẽ đưa ra những thông điệp và thông tin rất quan trọng đối với giới trẻ Việt Nam.”
Ông Obama đến Việt Nam và thảo luận với chính quyền năm đề tài: kinh tế, quan hệ giữa người dân hai nước, an ninh, nhân quyền, và các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Khi được hỏi đề tài nào là quan trọng nhất, em Phạm Thiên Long, một trong những người xếp hàng chờ vào GEM Center, cho biết: “Em nghĩ quan trọng nhất là quan hệ giữa người dân hai nước, bởi vì em ước mơ có ngày được sang Mỹ học, để tiếp thu kiến thức về kinh tế, rồi áp dụng tại Việt Nam để kinh tế phát triển hơn. Em mong Mỹ sẽ nới rộng việc cấp visa.”
“Tại sao thích học ở Mỹ?”
“Vì Mỹ là một cường quốc giáo dục, rất năng động, và có nền kinh tế hàng đầu thế giới,” em Long cho biết.
“Tổng Thống Obama có đề cập đến nhân quyền, em nghĩ sao chuyện này?”
Em Long đáp: “Điều này em vẫn chưa nghĩ đến.”
Trong suốt buổi nói chuyện bên trong hội trường, tất cả sinh viên đều chăm chú mọi lời nói của ông Obama, mà đôi khi mang tính khôi hài, nhưng cũng mang tính khuyến khích rất cao.
“Khi còn trẻ như các bạn, tôi cũng ham chơi, tôi không học hành nghiêm túc, tôi thích chơi bóng rổ hơn, rồi đi chơi với bạn gái, còn các bạn hiện nay tốt hơn tôi nhiều.”
Cả hội trường cười lên, và có vẻ đồng tình với sự khiêm tốn của ông.
Vé vào GEM Center nghe tổng thống Mỹ nói chuyện. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt) |
Mỗi khi tới phần đặt câu hỏi, hàng trăm cánh tay đưa lên, để ông Obama chọn.
Và để thu hút sự chú ý của ông, có người đưa chiếc nón lá lên, có người cầm lá cờ Mỹ vẫy vẫy, và có người đứng lên đưa tay ngay khi ông sắp kết thúc phần trả lời. Cả hội trường đầy ắp không khí sinh động.
Một sinh viên hỏi ông có cách nào bảo vệ hang Sơn Đoòng của Việt Nam, vì đây cũng là một di sản của thế giới, và hỏi nếu có ngày trở lại Việt Nam, liệu ông có dám đi bộ đến thăm hang này, hay đi bằng xe hơi.
Ông nói: “Chắc chắn sẽ có ngày tôi trở lại thăm Việt Nam sau này và muốn thăm hang Sơn Đoòng. Tôi nghĩ tôi vẫn còn khỏe lắm. Nhưng mà đi vào Sơn Đoòng mất mấy ngày? Bảy ngày hả? OK, tôi nghĩ là tôi đủ sức đi Sơn Đoòng.”
Cả hội trường vỗ tay hoan nghênh.
Rồi ông nói tiếp: “Tôi vô cùng ngạc nhiên khi các bạn nghĩ đến việc bảo vệ môi trường. Nếu các quốc gia tiếp tục phát triển như hiện nay, có ngày khí hậu sẽ bị thay đổi, ảnh hưởng cả thế giới. Chúng ta phải thay đổi, ví dụ như sử dụng năng lượng sạch, để gìn giữ môi trường.”
Các câu hỏi và trả lời sau đó phần lớn nhất mạnh đến tương lai của giới trẻ Việt Nam, biến đổi khí hậu, hạn hán ở đồng bằng sông Mekong, buôn người, và làm thế nào để trở thành một người lãnh đạo giỏi.
Buổi nói chuyện kết thúc lúc 12 giờ trưa. Ông Obama đi khắp sân khấu bắt tay các sinh viên. Mọi người đều đổ xô về ông. Tiếng nhạc hào hùng và trẻ trung được mở ra thật lớn trong hội trường.
Sau đó, ông Obama ra phi trường Tân Sơn Nhất, kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam, và bay qua Nhật dự hội nghị thượng đỉnh G7.
Trước buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam, theo Tòa Bạch Ốc cho biết, ông Obama có gặp khoảng 250 người, bao gồm nhân viên tòa tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn và thân nhân của họ, trong khách sạn InterContinental Asiana Saigon. Trong số này, có bảy cựu nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ từng làm việc tại tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trong lúc di tản vào năm 1975.
25-05-2016 8:41:35 AM
No comments:
Post a Comment