Phương Nga
Theo RFI-25-05-2016 17:18
Đội tàu cá của tỉnh Giang Tô chuẩn bị ra khơi, ngày 28/03/2016. REUTERS/China Daily
Trong phần phóng sự, Libération có bài viết dài với tựa : « Ngư dân đảo Hải Nam – cánh tay sắt của Bắc Kinh tại biển Đông ». Bài viết được minh họa bằng tấm ảnh ngư dân của đảo đang nhộn nhịp bốc dỡ và phân loại cá ngay sát bên những con tàu đánh cá trọng tải lớn, kế bên là tấm bản đồ về các vùng lãnh hải mà Trung Quốc đang có tranh chấp với các nước trong khu vực, và trích lời của một ngư dân địa phương, đã từng đi biển từ lúc mới lên 6 : « Thỉnh thoảng tôi tiến sát vào bờ, tôi thấy có rất nhiều biển hiệu được viết bằng ngôn ngữ xa lạ, tôi tự hỏi phải chăng mình đã đặt chân đến nước ngoài ».
Khi đến với ngôi làng Tanmen nằm ở bờ phía đông của đảo Hải Nam, người ta thấy một tấm chân dung khổ lớn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tươi cười, đi kèm với dòng chữ : « Từ bao đời nay, biển Nam Trung Hoa thuộc về lãnh thổ Trung Quốc. Các bạn chính là những chiến sĩ trên tuyến đầu trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh hải của chúng ta ». Bài báo nhận định rằng nếu không có sự việc những ngư dân đang sinh sống tại nơi này thì cũng sẽ chẳng có những kiến nghị liên quan đến tranh chấp tại các bãi đá này.
Tác giả bài báo có nhắc đến một truyền thuyết của người dân nơi đây, theo đó cách đây nhiều thế kỉ, 108 ngư dân của đảo đã ra khơi và bỏ mạng trong một cơn bão lớn trên biển Đông. Từ đó, người dân trên đảo đã lập đền thờ. Nhà văn Trung Quốc, Zheng Qingyang, vốn xuất thân từ ngôi làng Tanmen, đã kể lại trong cuốn sách của ông : « Từ nhiều thế kỉ nay, hiệp hội 108 người anh em luôn bảo vệ ngư dân của Tanmen khi phải đối mặt với hải tặc, với Nhật Bản, hay các tàu hải cảnh của nước ngoài. Cứ trước mỗi cuộc ra khơi, ngư dân nơi đây lại ghé đền thắp hương tưởng nhớ đến 108 vị đó » và « Gia đình của tôi đánh bắt cá nơi đây ngay từ khi mà người dân của Tanmen chỉ mới ra khơi đánh bắt xung quanh đảo Nam Sa » – tức tên gọi của quần đảo Hoàng Sa theo Trung Quốc.
Theo ông Zhou Weimin, giáo sư lịch sử tại Đại học Hải Nam, ngư dân đầu tiên của làng Tanmen đã ra khơi đánh bắt tại biển Đông vào năm 1286. Ông này khẳng định : « Lịch sử của nghề đánh bắt hải sản ở vùng biến Nam Trung Hoa là một câu chuyện với đầy máu và nước mắt ».
Ngư nghiệp Trung Quốc : Một vài con số
Bài báo đưa ra một vài con số đáng lưu ý. Theo Lầu Năm Góc, ngành ngư nghiệp Trung Quốc hiện đang sở hữu một đoàn tàu đánh cá quy mô nhất thế giới, với 21 triệu ngư dân, 439.000 tàu thuyền. Bản thân ngôi làng Tanmen với 30.000 dân thì chính thức có đến 8.000 ngư dân với 300 tàu thường xuyên đảm bảo giao dịch giữa các đảo nằm trong quần đảo Trường Sa.
Bài báo cũng nhắc lại rằng hiện nay Bắc Kinh đang có tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaixia, Brunei và Đài Loan. Dựa phần lớn vào lịch sử quá trình có mặt của người dân, Bắc Kinh đòi chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông và không chấp thuận việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế.
Tác giả bài báo cũng nhắc đến việc Trung Quốc cho thành lập trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, thành phố Tam Sa, nơi hiện đang có một loạt các loại tên lửa, một đường băng quân sự và một cơ sở dự trữ chất đốt. Trong chuyến đi thăm Tanmen vào 04/2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến sự « oai hùng » của ngư dân nơi đây qua việc tưởng nhớ đến « sự cố bãi đã ngầm Scarborough » xảy ra một năm trước đó, khi mà 8 ngư dân của Tanmen đã bất chấp nguy hiểm, đối đầu với tàu chiến của Philippines trong vùng biển mà Manila đang đòi chủ quyền.
Bài báo trích lời của một ngư dân 45 tuổi : « Gia đình tôi từ bao đời nay vẫn đánh bắt tại biển Trung Hoa. Mối nguy hiểm thì luôn thường trực, đặc biệt là mấy năm trở lại đây. Chúng tôi phải đối mặt với các tàu hải cảnh và các ngư dân nước ngoài, được trang bị vũ khí và luôn tìm cách uy hiếp chúng tôi. Chúng tôi rất tự hào kể từ khi chính phủ khen ngợi hành động quả cảm của chúng tôi - những người bảo vệ lãnh thổ ».
Ngư dân đồng thời là dân quân
Theo chính phủ Trung Quốc, Hải quân nước này tiến hành huấn luyện quân sự cho cả ngư dân nơi đây. Ngoài ra, chính phủ cũng hỗ trợ kinh phí cho đóng các loại tàu có trọng tải 500 tấn, có vỏ bằng kim loại để thay thế các chiếc tàu cũ bằng gỗ. Bản thân làng Tanmen cũng đã nhận được 29 chiếc tàu loại này, với trọng tải tương đương với các tàu hải cảnh của Philippines, có khả năng hoạt động liên tục trên 2.000 dặm và được trang bị hệ thống liên lạc bằng vệ tinh. Các ngư dân có thể tổ chức các đội tàu nhỏ, mỗi đội lên đến gần một trăm tàu.
Thông thường, các đội tàu này được nhóm họp theo từng khu phố. Số lượng tàu trong một đội có thể xê dịch từ 10 đến 100 tùy theo số dân của khu phố đó. Đôi khi người ta có thể gặp cả khu phố đang cùng nhau đánh bắt trên biển. « Điều đó cho phép chúng tôi chống lại sự đơn độc hay các sự cố trên biển và nhất là cho phép chúng tôi tạo thành một khối để chống lại các tàu hải cảnh », một ngư dân địa phương chia sẻ.
Nhà chức trách Trung Quốc hiện đang cho nhân rộng việc bồi đắp các bãi đá ngầm thuộc vùng lãnh hải có tranh chấp, và cho xây dựng tại đó các tiền đồn. Ngoài ra, nước này còn cho thiết lập một số cứ điểm phục vụ cho các hoạt động dân sự, chủ yếu trong lĩnh vực du lịch và đánh bắt hải sản. Không dừng ở đó, Bắc Kinh dự kiến cho thiết lập một căn cứ hiện đại dành cho tàu cứu hộ ngay tại quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.
Bài báo kết thúc với nhận định : « Các quốc gia láng giềng với Trung Quốc vẫn đang cố gắng đòi lại chủ quyền chừng nào Washington vẫn còn ủng hộ họ trước việc phải đối mặt với một siêu cường trong tương lai ».
No comments:
Post a Comment