Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-05-10 -
Một con kênh khô cạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hôm 8/3/2016. AFP
Thảm họa môi trường thiệt hại kinh tế biển, cùng với hạn hán xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long và khô hạn lịch sử ở Tây nguyên tạo áp lực lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Khó khăn chồng chất
Trong bối cảnh thiên tai hạn hán và thảm họa cá chết hàng loạt do con người gây ra, nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng đầy bất trắc. Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội phân tích:
Năm 2016 những thách thức khó khăn của nền kinh tế Việt Nam rất là lớn, rất là nhiều.
-Ngô Trí Long
“Năm 2016 những thách thức khó khăn của nền kinh tế Việt Nam rất là lớn, rất là nhiều. Cộng thêm vào đó tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán rất lớn, đặc biệt môi trường sinh thái ven biển cũng như một số khúc sông, do sự kiểm soát hoạt động một số tập đoàn trong ngoài nước chưa sát sao đúng mức dẫn đến ô nhiễm môi trường cá chết hàng loạt. Tình trạng này gây tác động rất lớn. Chắc chắn những điều này tác động rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, vốn khó khăn đã chồng chất rồi, ví dụ như nợ công xu hướng tăng cao, bội chi ngân sách luôn luôn thâm thủng lớn, hay là phân hóa giàu nghèo rất là rõ, nay thêm những tác nhân này nữa thì chắc chắn năm 2016 thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam quả thật là rất khó.”
Riêng về mặt thiên tai hạn hán xâm nhập mặn, tính đến hết tháng 4/2016 tổng thiệt hại ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên và Nam Trung bộ đã lên tới hơn 9 ngàn tỷ đồng. Thống kê cập nhật của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phóng chống thiên tai cho biết như vừa nêu, ngoài thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thủy sản nuôi, có khoảng nửa triệu người khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt.
Hạn hán xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long được chú ý đặc biệt vì nó là vựa lúa xuất khẩu của Việt Nam, lồng trong bối cảnh dòng nước Cửu Long cạn kiệt vì ảnh hưởng sự tận dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong.
Bên cạnh đó vùng cà phê và tiêu xuất khẩu nhiều tỷ đô la mỗi năm ở Tây nguyên cũng chịu trận hạn hán chưa từng thấy. Một cư dân Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Vịnh nhà tư vấn cho nông dân trồng cà phê và tiêu nhận định:
“Trận hạn hán này có lẽ là khốc liệt nhất ở Tây nguyên trong vòng 30 năm trở lại đây… Thiệt hại lớn nhất về cà phê không chỉ là 30% như Vicofa nói mà cá nhân tôi đánh giá là thiệt hại có thể lên đến 50%. Đơn giản là có một số vườn cà phê vẫn còn cành vẫn còn nhánh, nhưng nhiều nhà quan sát không biết rằng những bông cà phê mới vừa đậu ở trên đó đã bị thui cháy hết, cho nên chỉ còn cành lá mà không có quả nữa.”
Một cảnh báo khác cho Tây Nguyên
Theo ông Nguyễn Vịnh, tỷ lệ hư hỏng vì hạn hán ở các vườn tiêu có thể chưa tới 20% vì bà con có nhiều nỗ lực giảm thiệt hại. Tuy vậy nhà tư vấn của nông dân lại đưa ra một cảnh báo khác cho Tây Nguyên:
“Có sự đáng lo hiện nay là biến đổi khí hậu, giao mùa giữa mưa và nắng sắp xảy ra, nó tạo ra những đợt gió lốc, gió xoáy mang tính chất cục bộ mà Tây nguyên ít khi gặp. Vừa rồi trên phương tiện thông tin đại chúng đưa tin là riêng ở một huyện ở Bình Phước đã làm gãy đổ hơn 15.000 gốc tiêu của bà con. Không chỉ Bình Phước có nhiều tỉnh rải rác ở Tây Nguyên cũng bị như vậy. Cho nên đợt hạn hán này thiệt hại đối người nông dân trồng tiêu và cà phê ở Tây nguyên là chưa thể lường được.”
Có sự đáng lo hiện nay là biến đổi khí hậu, giao mùa giữa mưa và nắng sắp xảy ra, nó tạo ra những đợt gió lốc, gió xoáy mang tính chất cục bộ mà Tây nguyên ít khi gặp.
-Nguyễn Vịnh
Hạn hán xâm nhập mặn ở Tây nguyên và Nam bộ chiếm lĩnh thông tin báo chí một thời gian dài, tiếp ngay sau đó từ đầu tháng 4 trở về sau, tình trạng cá chết hàng hoạt từ Hà Tĩnh xuống Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên Huế trở thành thảm họa môi trường của Việt Nam.
Đáp câu hỏi về ảnh hưởng dây chuyền của thảm họa cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
“Tính toán một cách cụ thể đòi hỏi có sự khảo sát điều tra một cách cụ thể thì mới xác định số lượng. Nhưng nếu sự kiện này không được xử lý giải quyết một cách dứt điểm trong thời gian trước mắt, thì tôi nghĩ hậu quả sẽ kéo dài rất lâu. Không những tác động sản xuất mà ảnh hưởng tới đầu tư, tới du lịch, ảnh hưởng toàn diện nền kinh tế. Một trong những điều hết sức quan trọng là hậu quả xử lý vấn đề này sẽ tốn chi phí gấp nhiều lần, so với hiệu quả mà đã thu được cho việc đầu tư vào lĩnh vực hoạt động này.”
Nếu như hạn hán xâm nhập mặn sẽ tức thời ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu, thì thảm họa môi trường cá chết hàng loạt lại là rất lâu dài.
Một khi hệ sinh thái ven biển bị hủy hoại, theo lời Phó giáo sư Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam phát biểu trên báo Dân Trí ngày 10/5/2016, sẽ mất 60-70 năm chưa chắc đã phục hồi được.
No comments:
Post a Comment