Truyền thông Việt Nam loan báo, ngày 10 tháng 5, ủy ban tỉnh Thanh Hóa đã công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân cá lồng chết hàng loạt tại cửa sông Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia, là “do hoạt động của tàu thuyền ra vào cầu cảng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước dẫn đến cá chết.” Ðồng thời cũng cho rằng, việc nuôi cá tại khu vực này là không đúng nơi quy định.
Những con cá to 2 đến 4 kg bỗng dưng chết hàng loạt khiến người dân hoang mang. (Hình: Thanh Niên) |
Trước đó, sáng ngày 5 tháng 5, nhiều hộ nuôi cá lồng ở sông Lạch Bạng, xã Hải Thanh, cho cá ăn. Một giờ sau, họ phát hiện ở nhiều bè, cá liên tục ngoi lên mặt nước để lấy oxy rồi chết la liệt, ước tính khoảng 11 tấn, thiệt hại 1.8 tỷ đồng.
Các hộ nuôi cá nghi nhà máy chế biến hải sản Lạch Bạng xả nước thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm. Song, chủ doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều không đồng tình nghi vấn này. “Hoạt động nuôi cá lồng của người dân ở khu vực sông Lạch Bạng là tự phát, khu vực này chỉ quy hoạch cho tàu thuyền neo đậu,” ông Ðỗ Xuân Chung, chủ tịch xã Hải Thanh nói.
Theo chính quyền địa phương, việc nuôi cá không đúng nơi quy định khởi phát từ năm 2012. Ủy ban tỉnh đã yêu cầu di chuyển lồng cá đến khu vực khác nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho tàu thuyền tránh trú bão, nhưng người dân không chấp hành. Nay tỉnh quyết liệt dời toàn bộ số lồng bè nuôi cá của ngư dân hai xã Hải Thanh và Hải Bình huyện Tĩnh Gia, nhằm tránh thiệt hại.
Tin cho biết, ở tỉnh Thanh Hóa không riêng sông Lạch Bạng, mấy ngày qua cá nuôi lồng trên sông Bưởi huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cũng chết hàng loạt, với gần 20 tấn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Bước đầu, nhà chức trách xác định, “thủ phạm” gây cá chết dọc 30 cây số sông Bưởi là do công ty mía đường Hòa Bình, ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), xả thải bẩn ra môi trường.
Sông Bưởi và sông Lạch Bạng là hai hệ thống sông khác nhau. Sông Bưởi nằm ở khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa còn sông Lạch Bạng thuộc hệ thống sông Yên, hoạt động ở phía Nam. Sông Bưởi hợp lưu với sông Mã còn sông Lạch Bạng đổ thẳng ra biển. (Tr.N)
10-05-2016 2:05:00 PM
No comments:
Post a Comment