Saturday, April 23, 2016

Về một chuyến đi

Theo Người Việt04-23-2016 3:50:24 PM 
Lê Phan
Hải quân Mỹ đang triển khai Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS John C Stennis tới Biển Đông

Trong suốt một tuần lễ vào đầu tháng 4 ở Á Châu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã viếng thăm hai hàng không mẫu hạm, tiết lộ những thỏa thuận quân sự mới với Ấn Độ và Philippines, và nói chung đưa ra những chỉ dấu cho tất cả mọi người thấy là chính phủ Obama đã quyết định nghiêng về một giải pháp sử dụng vũ lực để đối chọi lại với tham vọng lãnh thổ của Trung Cộng trong vùng.

Với một sự pha trộn vừa trình diễn vừa những biện pháp cụ thể trong suốt sáu ngày viếng thăm Ấn Độ và Philippines, Tiến Sĩ Carter đã cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa là Hoa Kỳ có ý định tăng cường các liên minh và di chuyển thêm quân cụ và binh sĩ vào vùng để đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Cộng.

Hôm Thứ Sáu 15 tháng 4, ông đáp trực thăng đến một biểu tượng của quyền lực Hoa Kỳ ở Biển Đông, một hàng không mẫu hạm hạt nhân loại Nimitz, chiếc USS John C. Stennis, trong khi mẫu hạm này đang đi qua Biển Đông trong khu vực mà Trung Cộng bảo là của họ. Chưa hết, trên mẫu hạm này, ông Carter loan báo một loạt những sáng kiến khác, kể cả việc Hàng Không Mẫu Hạm USS Stennis sẽ đi tuần thường xuyên trong vùng theo sau việc tham dự vào cuộc tập trận thường niên Mỹ Phi mang cái tên là Balikatan, có nghĩa là “sát cánh.”

Trước khi viếng thăm Mẫu Hạm John C. Stennis, ông đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc tập trận kéo dài 11 ngày và tuyên bố là một số binh sĩ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại “để đóng góp cho an ninh và ổn định trong vùng.” Đứng kế bên Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Voltaire Gazmin, ông Carter tuyên bố là hai quốc gia đã có những cuộc đi tuần hải quân chung ở Biển Đông và Hoa Kỳ sẽ có những cuộc đi tuần như vậy với không quân của Philippines.

Một thông cáo của bộ tư lệnh Không Quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cũng cho biết là một đơn vị gồm khoảng 200 phi công và nhân viên hỗ trợ sẽ tiếp tục được triển khai ở Philippines. Đơn vị không quân này gồm 10 chiếc A-10C Thunderbolt từ căn cứ Osan ở Nam Hàn, ba chiếc Pave Hawks từ Phi trường Kadena của Nhật Bản. Mục đích của đơn vị này, theo thông cáo, là để “bảo đảm sự hiểu biết lãnh hải và không phận để đem lại an toàn cho các hoạt động quân sự và dân sự trong vùng biển và vùng trời quốc tế. Những chuyến bay này cũng để tăng cường cho các sứ vụ của các phi cơ tuần thám của Hải Quân P-8 Poseidon, hoạt động từ phi trường Clark của Philippines.”

Chuẩn tướng Dirk Smith, giám đốc hoạt động không hành của Bộ tư lệnh Không quân Thái Bình Dương ở Honolulu giải thích “Việc duy trì đơn vị này chỉ là một cách mà chúng ta duy trì sự hiện diện liên tục và chứng minh quyết tâm của chúng ta cho các nước bạn và đồng minh trong khu vực Ấn độ-Á Châu-Thái Bình Dương.”
Trước đó trong tuần, Bộ Trưởng Carter đã đến thăm một hàng không mẫu hạm của Ấn Độ, lần đầu tiên một vị bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ được mời lên một chiến hạm như vậy, và tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ giúp Ấn Độ nâng cấp các hàng không mẫu hạm của Ấn Độ. Ông cũng tiết lộ một thỏa thuận quân nhu tiếp liệu mới và nói là hai quốc gia sẽ hợp tác với nhau trong kỹ thuật quân sự.

Kết hợp với nhau, những biện pháp được ông Carter loan báo hé mở tiềm năng một sự tái xuất hiện hùng hậu về quân sự ở khu vực mà Trung Cộng tin là lãnh thổ của họ và họ sẽ vượt Hoa Kỳ về ảnh hưởng. Chính Phủ Obama có vẻ tin là Trung Cộng sẽ thụt lùi thay vì tiếp tục có những hành động khiến cho những quốc gia láng giềng của họ đang ngày càng mong muốn sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ.

Hơn một lần trong tuần lễ ở Á Châu đó, ông Carter đã dẫn những hành động của Trung Cộng như là động lực đằng sau những căng thẳng trong vùng và, ngầm ý, lý do tại sao các quốc gia láng giềng ngày càng thân cận với Ngũ Giác Đài.
Ngồi với báo chí trong mẫu hạm, ông Carter nói là Trung Cộng không nên coi sự hiện diện của hàng không mẫu hạm này là một sự khiêu khích. Ông nói: “Chúng tôi đã có mặt ở đây từ thập niên này sang thập niên khác. Lý do duy nhất có câu hỏi chỉ vì những gì xảy ra trong năm vừa qua, và đó là một câu hỏi về cách hành xử của Trung Quốc. Chuyện không có gì mới lạ là sự hiện diện của một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong vùng. Điều mới là khuôn khổ và căng thẳng có sẵn, mà chúng tôi muốn giảm thiểu.”

Trung Cộng đã theo dõi kỹ chuyến công du của ông Carter, vốn đáng lẽ bao gồm cả một cuộc viếng thăm Bắc Kinh nhưng đã bị hủy bỏ trong lịch trình cách đây vài tuần lễ. Trong một thông cáo vào đêm khuya hôm Thứ Năm, 14 tháng 4, Bộ Quốc Phòng Trung Cộng cáo buộc Hoa Kỳ đã trở lại “suy nghĩ kiểu Chiến Tranh Lạnh” và nói là quân đội Trung Quốc sẽ “theo dõi kỹ lưỡng tình hình và cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc.”

Chưa hết, hôm Thứ Sáu, 15 tháng 4, Trung Cộng đột nhiên tiết lộ là sĩ quan cao cấp nhất của quân đội, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương Thượng Tướng Phạm Trường Long đã viếng thăm quần đảo Trường Sa, vốn có vẻ như là để đưa ra chỉ dấu về quyết tâm của Bắc Kinh ở Biển Đông, mà họ đã tuyên bố hầu hết là lãnh thổ của họ, bất chấp mọi công ước và thông lệ về biển cả.

Hôm Thứ Hai, 18 tháng 4 vừa qua, Hải Quân Hoa Kỳ loan báo là sẽ theo dõi hoạt động của Trung Cộng ở Biển Đông bằng những tàu ngầm điều khiển từ xa, những drone chạy dưới biển. Trong mấy tháng nay Ngũ Giác Đài đã công khai hóa một chương trình, có thời là tối mật, về phát triển những tàu ngầm tự điều khiển hay điều khiển từ xa, mà nay đã trở thành một kế hoạch của Hoa kỳ để ngăn ngừa Trung Cộng tìm cách chế ngự vùng theo tờ Financial Times.

Tờ Financial Times nói là chứng kiến cảnh Trung Cộng đang xây dựng sự hiện diện ở Biển Đông, từng hòn đảo nhân tạo một, quân đội Hoa Kỳ đang trông cậy vào kỹ thuật để giúp duy trì thế thượng phong. Ông Carter đã đặc biệt nhắc đến các tàu ngầm tự điều khiển trong một bài diễn văn về chiến thuật ở Á Châu và ngầm ý nói đến tiềm năng nó có thể được sử dụng ở Biển Đông, nơi có những vùng biển khá cạn.

Trên Hàng không Mẫu hạm Stennis, ông Carter cũng đã nói đến đầu tư của Ngũ Giác đài vào tàu ngầm “kể cả những tàu ngầm tự động hay điều khiển từ xa đủ kích thước và với trọng tải đủ loại, và quan trọng hơn, có thể hoạt động trong vùng biển cạn nơi mà những tàu ngầm có người điều khiển không vào được.”

Qua việc bật mí những kỹ thuật mới như tàu ngầm tự động, một số có thể bắt đầu đưa vào hoạt động vào cuối thập niên này, Ngũ giác đài muốn ngăn ngừa những đối thủ tiềm tàng như Trung Cộng hay Nga bằng cách cho họ thấy sự thắng thế về quân sự của Hoa Kỳ. Những tàu điều khiển từ xa hay tự động này là sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ vào ngành trí tuệ nhân tạo và robot để có thể làm sao giữ ưu thế.

Ông Shawn Brimley, một cựu viên chức của cả Tòa Bạch Ốc lẫn Ngũ Giác Đài, nay ở Trung Tâm Nghiên Cứu New American Security giải thích: “Ý tưởng là nếu chúng ta có khi nào đó phải đụng độ ở Biển Đông, thì người Trung Quốc sẽ không biết chắc loại khả năng mà Hoa Kỳ có thể có. Việc này có thể có một ảnh hưởng ngăn ngừa nào đó cho tiềm năng có những hành động hung hăng.”

Với cạnh tranh quân sự tăng cường ở vùng Tây Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, tàu ngầm nay trở thành một yếu tố quan yếu. Việc Trung Cộng đã đầu tư mạnh vào hỏa tiễn đã khiến cho các lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ có thể bị lâm nguy cũng như là một số chiến hạm nổi. Kết quả của việc này là Hoa Kỳ đã đầu tư 8 tỷ đô la năm tới vào tàu ngầm để “bảo đảm là những tàu của chúng ta đáng sợ nhất, phát triển nhất trong lực lượng dưới biển và chống tàu ngầm.”

Tất cả những tiết lộ của Bộ Trưởng Carter ở Á Châu cho thấy tầm mức của hoạt động của Hoa Kỳ ở Đông Á. Nhưng Chính Phủ Obama từ chối diễn tả thái độ với Trung Cộng này là sự hồi sinh của chính sách “bao vây,” chiến lược thời Chiến Tranh Lạnh nhằm ngăn ngừa sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng Sản. Ngược lại, ông Carter nói những sáng kiến quân sự mới trong vùng hoàn toàn trong khuôn khổ chính sách từ trước đến nay của Hoa Kỳ là hoạt động mật thiết với những quốc gia chia sẻ quyền lợi chung.

Ông Carter tuyên bố: “Chính sách của Hoa Kỳ tiếp tục là một chính sách chuộng nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp, giải quyết hợp pháp những vấn đề như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, hay bất cứ nơi nào khác, tự do hải hành và tự do mậu dịch. Nay những quốc gia nào không chấp nhận những điều này, không đồng ý theo những điều này, sẽ tự cô lập chính họ. Đó là tự cô lập chứ không phải bị chúng tôi cô lập.”

No comments:

Post a Comment