Saturday, April 23, 2016

Núi nợ chính phủ lủng túi ngân sách

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-04-22  
000_Hkg8554096-622
Ảnh minh họa chụp ở Hà Nội trước đây.  AFP
Những số liệu thống kê ở Việt Nam trong thời gian dài nhảy múa ngoạn mục và thông thường khi phải báo cáo Quốc hội, chính phủ đưa ra những con số tuy không hẳn là đẹp, nhưng luôn nằm trong giới hạn qui định và ngưỡng an toàn.

Ngân sách luôn luôn thâm thủng và bội chi

Giới quan sát cho rằng Việt Nam đang có xu hướng tiến tới gần sự thật hơn, về mặt số liệu kinh tế tài chính đã bắt đầu có những con số bớt màu hồng. Ngày 20/4/2016 báo điện tử Thời báo Kinh tế Saigon đưa tin sớm về một số nội dung Báo cáo kinh tế vĩ mô quí I năm 2016 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ công năm 2015 của chính phủ lên tới 418.400 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 29,9% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tỷ lệ trả nợ gần 30% tổng thu ngân sách, vượt quá xa ngưỡng an toàn 25% theo qui định và đến sớm hơn ba năm, so với dự báo của chính phủ cũ đưa ra vào tháng 3/2016 vừa qua. Lúc đó Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội, phải đến năm 2018 -2019 nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ mới tăng lên tới mức 30% tổng thu ngân sách.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định:
Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nghĩa vụ trả nợ 2015 lên tới 418.000 tỷ đồng. Từ đó cảnh báo cho thấy vấn đề  nợ công rất là lớn và nếu không có biện pháp xử lý tốt trong những năm tới, thì chắc chắn sẽ dẫn tới chỗ vỡ nợ…
-TS Ngô Trí Long
“Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nghĩa vụ trả nợ 2015 lên tới 418.000 tỷ đồng. Từ đó cảnh báo cho thấy vấn đề  nợ công rất là lớn và nếu không có biện pháp xử lý tốt trong những năm tới, thì chắc chắn sẽ dẫn tới chỗ vỡ nợ…”
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, thực chất ngân sách luôn luôn thâm thủng và bội chi. Trong năm 2015 Quốc hội cho phép bội chi 5%, nhưng đã lên tới 6,1% và có thể hình dung một cách đơn giản. Ông nói:
“Làm không đủ ăn, chi luôn luôn lớn hơn thu, có nghĩa là bản thân không có khả năng tự trang trải chi tiêu của mình thì đừng nói tới vấn đề trả nợ. Nghĩa vụ trả nợ 418.000 tỷ đồng là con số rất lớn, cho nên đây là sự báo động đối với vấn đề nợ công, đồng thời là cảnh báo đối với kỷ luật tài chính ngân sách, cũng như cách làm ăn của các cấp quản lý chi tiêu ngân sách hiện nay.”
Về mặt chính thức Việt Nam nhìn nhận mức bội chi ngân sách 6,1%. Tuy vậy đánh giá từ nguồn khả tín khác cho thấy con số còn cao hơn nhiều. SaigonTimes Online trích số liệu của IMF Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF tính toán năm 2015 thâm hụt ngân sách của Việt Nam lên tới 6,9%. Còn nợ công đến năm 2020 sẽ ở mức 68% GDP vượt trần nợ qui định là 65%.
Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I năm 2016 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ tăng rất nhanh là vì, trong giai đoạn 2010-2012, Chính phủ thiếu tiền nên đã vay nợ ngắn hạn rất nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1-2 năm.
Được biết, Chính phủ Việt Nam trải qua giai đoạn tiến thoái lưỡng nan trong những năm từ 2011-2013 vào lúc Tập đoàn Vinashin sụp đổ làm thất thoát 84.000 tỷ đồng tương đương hơn 4 tỷ USD theo thời giá. Trước đó Vinashin từng được chính phủ cho vay 750 triệu USD từ nguồn trái phiếu phát hành quốc tế. Ngoài ra Vinashin còn vay 600 triệu USD khác ở nước ngoài. Khi Vinashin sụp đổ mất khả năng thanh toán, Chính phủ bị kiện và đã phải loay hoay một thời gian để thoát khỏi trách nhiệm này. Trong giai đoạn u tối đó, Chính phủ Việt Nam đã ồ ạt phát hành  phiếu ngắn hạn để lấy tiền trả nợ, bù đắp thâm hụt ngân sách với mức chi thường xuyên quá cao.

Rủi ro phát hành trái phiếu chính phủ

Mạng tin Dân Trí  ngày 18/11/2015, trích lời ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính vào thời điểm đó, xác nhận Việt Nam đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn trong vấn đề huy động vốn để bù đắp bội chi và trái phiếu Chính phủ. Ông Bộ trưởng cho biết từ 2011-2013, Chính phủ đã vay 64.000 tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,5%/năm, cao nhất chịu lãi 13,2% và thấp nhất cũng tới 8,4%. Do vậy, Chính phủ đặt ưu tiên phải nhanh chóng tái cơ cấu lại những khoản nợ phải trả đến hết quý I/2016. Vẫn theo lời ông Đinh Tiến Dũng, giai đoạn 2011-2016, tổng cộng Chính phủ Việt Nam phát hành 395.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Lượng trái phiếu này tăng gấp ba lần của giai đoạn 2006-2010, gây áp lực rất lớn lên nợ công.
000_Hkg10180221=622
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 16/05/2015.
Trong dịp trả lời chúng tôi, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, phân tích những ảnh hưởng của việc Chính phủ tận dụng việc phát hành trái phiếu  ngắn hạn ở trong nước. bà nói”:
“Chính phủ cứ phải huy động vốn trong xã hội bằng cách bán trái phiếu, lấy tiền bù phần thiếu hụt ngân sách chi cho đầu tư công, thu ngân sách bị ảnh hưởng rất nhiều do tình hình kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Khi phát hành trái phiếu chính phủ như vậy sẽ có những rủi ro, ví dụ huy động ngắn hạn thì nhiều khi chưa kịp làm gì đã đến thời hạn phải trả nợ rồi, lãi suất vay bằng đồng VN cũng cao hơn vay ngoại tệ ở bên ngoài. Hơn nữa khi chính phủ đứng ra vay nhiều như vậy, thì số tiền vốn cho xã hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được, sẽ lại càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đa số vẫn phản ánh là tiếp cận tín dụng rất khó khăn.”
Theo SaigonTimes Online Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quí I năm 2016 các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ quan hàng đầu của Chính phủ về tham vấn hoạch định chính sách, các chuyên gia cảnh báo, chính phủ vay nợ ngắn hạn nhiều, chủ yếu bằng trái phiếu kỳ hạn ngắn từ 1 tới 2 năm. Tạo ra áp lực rất lớn đối với ngân sách nhà nước, nếu phát hành trái phiếu chính phủ không đạt mục tiêu đề ra.
Trên thực tế, theo các chuyên gia, Việt Nam từng đối diện rủi ro kỳ hạn và mất khả năng thanh toán tạm thời. Do vậy Bộ Tài chính đã từng vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng và phát hành 1 tỷ USD trái  phiếu riêng cho Vietcmbank trong năm 2015.
Trong bài Bức tranh Ngân sách được Kinh tế Saigon Thời báo đưa lên mạng cuối tháng 1/2016, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Chương trình Giảng dậy Kinh tế Fulbright Saigon mô tả điều gọi là hiện tượng vung tay quá trán trong chi tiêu ngân sách, đặc biệt ở cấp ngân sách địa phương, nơi được phân cấp một nửa ngân sách quốc gia, nhưng tính kỷ cương, kỷ luật tài khóa hết sức lỏng lẻo và có nhiều bất cập.
TS Tuấn đưa ra cơ cấu chi tiêu ngân sách với tỷ lệ chi thường xuyên lên đến 80% tổng chi ngân sách, phần còn lại chưa tới 20% dành cho đầu tư phát triển chưa kể chi trả nợ. Trước đây các chuyên gia khác cho rằng chi thường xuyên khoảng 70% phần còn lại để trả nợ và chi đầu tư phát triển.
Khi phát hành trái phiếu chính phủ như vậy sẽ có những rủi ro, ví dụ huy động ngắn hạn thì nhiều khi chưa kịp làm gì đã đến thời hạn phải trả nợ rồi, lãi suất vay bằng đồng VN cũng cao hơn vay ngoại tệ ở bên ngoài.
-Bà Phạm Chi Lan
Trả lời chúng tôi, PGSTS Ngô Trí Long bày tỏ sự âu lo về bài toán ngân sách của Việt Nam, khi mà phần chi thường xuyên quá nhiều với bộ máy cồng kềnh, trong khi phần chi cho đầu tư có xu hướng giảm. Chi cho đầu tư phát triển là đặc biệt quan trọng vì nó ảnh hưởng tăng trưởng nền kinh tế. Nếu như năm 2007-2008 chi đầu tư từ 31-32%, thì đến 2014-2015 chi đầu tư chỉ khoảng 16-16,5%. PGS-TS Ngô Trí Long tiếp lời:
“Ở đây thấy sự cảnh báo, báo động ở chỗ chỉ số rủi ro tín dụng của Việt Nam đang ở mức cao. Theo đánh giá của cơ quan chức năng Ủy ban Giám sát tài chính hồi tháng 4/2015 thì đã lên tới 290 điểm, trong khi đó tình trạng Hy Lạp vỡ nợ là 320 điểm. Thế thì khoảng cách đến vỡ nợ như Hy Lạp là không còn xa…một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là chi đầu tư rất ít còn chi thường xuyên quá lớn, thực chất ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế… Đây là một vấn đề đáng quan ngại cho thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam.”
Theo lời PGS-TS Ngô Trí Long, quan ngại lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là vấn đề tốc độ tăng nợ công cao, bội chi ngân sách luôn luôn thâm thủng lớn và vấn đề phân hóa khoảng cách giàu nghèo rất rõ. Chính phủ tiền nhiệm cũng đã đề ra rất nhiều biện pháp như, thắt chặt chi tiêu, kỷ luật tài chính phải đảm bảo. Nhưng thực chất giữa lời nói và hành động không đi đôi với nhau. Thậm chí có những phương tiện truyền thông đưa ra những thông tin có tính chất ru ngủ, đây là vấn đề nguy hiểm.
PGS-TS Ngô Trí Long hy vọng Chính phủ mới sẽ có những biện pháp cụ thể như, xiết chặt đầu tư công, không đầu tư dàn trải, tính toán hiệu quả trong đầu tư công…Nhưng điều quan trọng nữa, theo lời ông, Chính phủ mới phải làm sao huy động được mọi nguồn lực xã hội, xã hội hóa đầu tư phát triển huy động từ các nhà đầu tư trong ngoài nước, chú ý vấn đề thẩm tra giám sát, là những yếu tố quan trọng để vượt qua tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay.
PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh tới vấn đề xác định kinh tế tư nhân là động lực hết sức quan trọng, cho dù Đảng và Nhà nước chủ trương kinh tế Nhà nước làm chủ đạo. PGS-TS Ngô Trí Long kết luận:
“Biện pháp đã đưa ra nhiêu rồi, nhưng vấn đề hành động và sự quyết tâm như thế nào là vấn đề quan trọng. Chính phủ mới cần làm sao tạo niềm tin cho công chúng và các nhà đầu tư… Nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu là phải làm trong sạch bộ máy, chống tham nhũng một cách cương quyết và cụ thể…”
Các số liệu mới về chỉ số kinh tế được báo chí đưa ra, cho thấy Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo sẽ phải giải quyết những khó khăn quá lớn từ Chính phủ trước để lại.
Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam hợp tác soạn thảo đã chỉ ra rằng, chỉ có cải cách thể chế kinh tế và chính trị mới có thể giúp Việt Nam vượt qua khó khăn và vươn lên.

No comments:

Post a Comment