Saturday, April 23, 2016

Hoàng Anh Gia Lai nguy khốn có phản ứng dây chuyền với ngân hàng?

04/22/2016 - 18:06
Trong bối cảnh số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản vào quý 1/2016 tăng tới 23% so với cùng kỳ năm 2015, một lần nữa người ta nghe tiếng kêu than từ Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Hoàng Anh Gia Lai phải đã thế chấp cả khu liên hợp học viện bóng đá để vay ngân hàng
Không phải Tập đoàn Tân Tạo của ứng cử viên độc lập quốc hội vừa bị loại là Đặng Thành Tâm, mà chính Hoàng Anh Gia Lai của Đoàn Nguyên Đức đang là cái tên rơi vào vòng nguy khốn có thể phá sản.
Tính đến cuối năm 2015, theo báo cáo hợp nhất kiểm toán của Hoàng Anh Gia Lai, công ty này có tổng vay nợ gần 27,100 tỷ đồng, đặc biệt là 8,297 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016. Trong đó chủ nợ là các ngân hàng chiếm 24,870 tỷ đồng còn lại là trái phiếu phát hành cho tổ chức tài chính khác.
Để ngân hàng chấp nhận những khoản vay, Hoàng Anh Gia Lai đã phải thế chấp nhiều tài sản. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là công ty của bầu Đức phải thế chấp cả khu liên hợp học viện bóng đá. Để vay một số khoản vay ngắn hạn nữa, Hoàng Anh Gia Lai cầm cố thêm Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai.
Trong số các chủ nợ là ngân hàng có Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) với dư nợ lớn nhất - hơn 10,600 tỷ đồng, bao gồm 1,870 tỷ cho vay ngắn hạn và 2,870 tỷ cho vay dài hạn và lượng lớn còn lại 5,900 tỷ đồng trái phiếu.
Ngân hàng Eximbank cũng “dính” với Hoàng Anh Gia Lai gần 4,000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cả BIDV và Eximbank đều là nhóm ngân hàng thuộc lại mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhưng mới đây, một phó giám đốc chi nhánh BIDV tại Long An đã treo cổ tự tử, chưa rõ vì nguồn cơn gì.
Trong trường hợp Hoàng Anh Gia Lai có “mệnh hệ” gì, chắc chắn hai ngân hàng trên sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Vấn đề là khi đó Ngân hàng nhà nước có dang tay “cứu” BIDV và Eximbank, hay để hai ngân hàng này “tự bơi”.
Vào năm 2014 và 2015, Ngân hàng nhà nước đã tìm cách cứu vớt 3 ngân hàng Đại Dương, Xây Dựng và GP bằng cách mua lại với giá 0 đồng, nếu không cả 3 ngân hàng này đã hoàn toàn phá sản.
Nếu trong thời gian tới Hoàng Anh Gia Lai phá sản, đây sẽ là câu chuyện ra đi đầu tiên của một đại gia nằm trong số những người giàu nhất Việt Nam, báo hiệu cơn khủng hoảng kinh tế rất cận kề của đất nước. Tiếp theo đó, gần như chắc chắn sẽ xuất hiện hàng loạt cái tên ngân hàng khác lầm vào tình cảnh mất cân đối tài chính mà Ngân hàng nhà nước không thể “ôm” được.
Do vậy, hiện tượng Hoàng Anh Gia Lai cần được giới phân tích kinh tế đặc biệt chú ý.
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment