Theo BBC-2 giờ trước
Giới quan sát tiếp tục bình luận về dàn lãnh đạo mới của Việt Nam và các thành viên nội các mới nhậm chức tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Việt Nam khóa 13.
Từ Hà Nội, hôm 17/4/2016, nhà báo tự do Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Quốc gia Dân số Việt Nam, nói với BBC ông cho rằng sau khi lần đầu tiên tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, các lãnh đạo tam trụ của Việt Nam cũng cần công khai toàn bộ tài sản, thu nhập, khai thuế khóa trước Quốc hội và cử tri cả nước.
Cũng hôm Chủ nhật, Tiến sỹ Xã hội học Khuất Thu Hồng, từ Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), cho rằng nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bước lùi so với nội các trước về thành phần phụ nữ trong dàn lãnh đạo, khi chỉ có duy nhất một Bộ trưởng là nữ.
Nhân dịp này, bình luận về hệ tiêu chí lựa chọn đại biểu Quốc hội ở Việt Nam cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 tới đây, nhà quan sát xã hội dân sự Việt Nam, Tiến sỹ Trần Tuấn cho rằng chính quyền đã sử dụng lệch hệ quy chiếu để đánh giá và tuyển chọn người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội đối với một số nhân vật như Tiến sỹ, nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A và Tiến sỹ, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, trong số nhiều người tự ứng cử bị loại khác.
Trước hết, nhà báo Trần Tiến Đức, hôm Chủ nhật nói với BBC ông cho rằng việc các vị lãnh đạo tam trụ của Việt Nam, hay các tân Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ công khai tài sản, thu nhập là một điều cần thiết.
Ông nói: "Tôi nghĩ rằng một khi người ta đã tuyên thệ là trung thành với đất nước, thì người ta cũng phải công khai là vậy cái nguồn thu nhập của người ta như thế nào, tôi cho rằng đó là một việc làm cần thiết.
"Và nếu như việc đó được thực hiện, trước khi mà các vị đó tuyên thệ, thì tôi nghĩ rằng điều đó sẽ là rất tốt, nó sẽ giúp cho ít nhất là các vị trong Quốc hội, nếu không công khai được cho toàn dân, thiên hạ, nếu các vị sợ, thì ít nhất các vị phải công khai trong Quốc hội, là một cử tọa mà các vị đã được chọn lọc để người ta có thể xem xét được...
"Và nếu anh làm mọi việc chính đáng, không có gì đáng phải băn khoăn cả, thì anh có thể công khai, thí dụ bản thân tôi, tôi có thể công khai tất cả tài sản của tôi có, nhà cửa, những cái gì... bởi vì tôi hoàn toàn đóng thuế cho nhà nước một cách rất đầy đủ.
"Và tôi nghĩ rằng đấy phải là một việc cần phải nêu ra trong quy trình để tuyên thệ trước Quốc hội, bởi vì anh đã tuyên thệ anh là một người lãnh đạo của đất nước, thì trong đó có vấn đề về tính minh bạch, tính công khai và trách nhiệm giải trình của anh là phải được một cách rõ ràng.
"Nếu không có cái đó thì tôi nghĩ việc tuyên thệ cũng giảm đi giá trị của nó," nhà báo Trần Tiến Đức nói với BBC.
Giảm sút ghế phụ nữ
Cho rằng việc chỉ còn duy nhất một ghế Bộ trưởng do phụ nữ đảm nhiệm trong tân nội các của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là một bước lùi so với nội các trước, Tiến sỹ xã hội học Khuất Thu Hồng nói:
"Nội các mới của chính phủ hiện nay, so với nhiệm kỳ trước, lần này nội các chỉ có duy nhất một Bộ trưởng là nữ, là bà Nguyễn Thị Kim Tiến - vẫn tiếp tục giữ vai trò là Bộ trưởng Bộ Y tế...
"Trong thực tế cũng có người nói rằng bù lại thì lần này trong Bộ Chính trị (Đảng CSVN) có ba phụ nữ, trong lịch sử chưa có bao giờ tỷ lệ phụ nữ lại nhiều như thế, bây giờ có Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ, rồi cũng vẫn có một phụ nữ là Phó Chủ tịch nước.
"Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng là thực ra là tỷ lệ nữ nên có nhiều hơn ở trong Chính phủ những người giữ vai trò Bộ trưởng các bộ, những người thực sự điều hành đất nước, điều hành những lĩnh vực khác nhau.
"Hiện nay chỉ có một Bộ trưởng Y tế là nữ thì có vẻ như vậy nó ít hơn so với nhiệm kỳ trước.
"Tuy nhiên chúng tôi cũng trông đợi rằng là khi mà có một Chính phủ mới sau đợt bầu cử Quốc hội sắp tới (5/2016) và Chính phủ mới sẽ được lập ra, hy vọng là tỷ lệ phụ nữ mà giữ cương vị lãnh đạo của các ngành sẽ nhiều hơn."
Khi được hỏi phải chăng trong lĩnh vực nhân sự này, có thể tiêu chí tài năng lãnh đạo quan trọng hơn là tiêu chí phân chia về giới tính, nhà xã hội học nói:
"Tôi không nghĩ như vậy, tất nhiên người tài rất là quan trọng, thế nhưng phụ nữ cũng có rất nhiều người tài, trong nam giới có nhiều người tài và trong phụ nữ cũng có nhiều người tài. Và sở dĩ tại sao người ta lại muốn có sự cân bằng về giới ở trong những vị trí lãnh đạo, là vì phụ nữ sẽ hiểu phụ nữ hơn, nam giới hiểu nam giới hơn.
"Và phụ nữ tham gia vào những vị trí quyết định, rồi những vị trí lãnh đạo, thì người ta cũng sẽ nhạy cảm hơn với những nhu cầu của phụ nữ, vấn đề của phụ nữ, đấy là lý do tại sao những cố gắng để thúc đẩy bình đẳng giới đi đến việc làm sao có một tỷ lệ phụ nữ và nam giới cân đối ở trong bộ máy điều hành Chính phủ, ở một số nước tiên tiến, người ta cũng làm như vậy."
Được biết, riêng theo một kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa năm 2014 của các cơ quan thống kê của Việt Nam, tổng dân số cả nước đạt gần 90,5 triệu người, trong đó nam chiếm hơn 49%, nữ chiếm gần 51%.
Áp dụng lệch tiêu chí?
Sắp tới đây, vào cuối tháng 5/2016, Việt Nam sẽ tiến hành các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, ở cấp Trung ương, một Quốc hội mới, Quốc hội khóa 14 theo dự kiến sẽ được bầu và một ban lãnh đạo mới của Quốc hội, chính quyền và nhà nước trung ương, sẽ được lập ra, trong đó các vị trí tam trụ mới sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Nhân dịp này, một nhà quan sát xã hội Việt Nam từ Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn, đánh giá về hệ tiêu chí vừa được áp dụng để đánh giá, bầu chọn những người tự ứng cử Quốc hội trong cả nước, mà mới đây ba trong số đó là các ứng viên Tiến sỹ, nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, Tiến sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Diện, vừa bị loại.
Ông Trần Tuấn nói: "Ba trường hợp được nêu, tôi thấy họ đều là những người có khả năng viết tốt, khả năng quan sát và phân tích vấn đề tốt, đồng thời thực sự họ đều là những người đang có những suy nghĩ đi cụ thể vào những vấn đề nóng của xã hội.
"Cho nên nếu như họ vào được những vị trí tại Quốc hội, tức là nếu họ là Đại biểu Quốc hội, thì tôi nghĩ là họ có khả năng đóng góp được nhiều hơn, so với những vị trí mà họ đang đóng góp ở ngoài xã hội hiện nay."
Về các tiêu chí đánh giá với các ứng viên đã bị loại trong các vòng 'hiệp thương' và 'hội nghị lấy ý kiến cử tri' các cấp vừa qua, Tiến sỹ Trần Tuấn nêu quan điểm:
"Các tiêu chí, chúng ta (Việt Nam) cần phải xem lại, chứ không nên sử dụng những cách làm như tôi thấy trong thời gian vừa qua, tôi cho rằng nó không phù hợp với việc chọn Đại biểu Quốc hội. Và có thể nó sẽ phù hợp với cách chọn những người Đại biểu ở Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã, thì có thể phù hợp..."
Và nhà quan sát này bình luận thêm về cách làm trong các hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri vốn được cho là thay thế cho 'vận động và tranh cử công khai' ở Việt Nam, nhà quan sát nói tiếp:
"Trong những trường hợp như vậy, thực ra công việc chọn lựa cũng khó, nhưng khó gì thì khó, tôi nghĩ không có cách nào hay hơn bằng cách là để chính các ứng cử viên đó trình bày trước công chúng, trình bày các Hội đồng.
"Và qua việc trình bày đó, có bằng chứng rất cụ thể, dưới một môi trường, có thể đặt các câu hỏi, đặt các tình huống để xem thấy đối đáp của họ như thế nào, trả lời của họ ra sao, thì đấy là cách thể hiện tốt nhất các lựa chọn mà tương đối là khách quan hơn cả," Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn nói với BBC.
No comments:
Post a Comment